Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo NCIF, các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng đại diện của Hội thư viện Việt Nam, Hội thông tin khoa học công nghệ Việt Nam…

Đây là diễn đàn để các thư viện, đặc biệt là các thư viện chuyên ngành trong và ngoài Bộ kế hoạch và Đầu tư trao đổi các kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, học tập các mô hình quản lý thư viện hiện đại trong thời đại công nghệ số, xu thế phát triển và xây dựng thư viện bộ ngành thích ứng với tiến bộ khoa học và công nghệ của thế kỷ XXI.

Phát biểu tại hội thảo, bà Hoàng Kim Dung, Trưởng ban Nguồn và Phát triển thông tin của NCIF cho rằng, chúng ta đang sống trong thời đại số hóa, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ IV – cuộc cách mạng số. Đây là một giai đoạn lịch sử, mà công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) với đỉnh cao là công nghệ internet được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội. Việc áp dụng ngày càng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông đã làm thay đổi căn bản cả về hình thức lẫn phương thức tổ chức, lưu giữ, phân phối, cung cấp, phổ biến, sử dụng, chia sẻ, kết nối thông tin của các trung tâm thông tin, thư viện.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhấn mạnh vai trò của thư viện trong thời đại mới, bà Vũ Thúy Hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, hoạt động thông tin thư viện là chìa khóa của hoạt động sáng tạo, là yếu tố cần thiết của năng lực cạnh tranh đổi mới và là cơ sở phát triển của mỗi cá nhân, tập thể và toàn xã hội. Hoạt động thông tin – thư viện là hết sức quan trọng và cần thiết cho sự phát triển toàn diện của đất nước, là chiếc cầu nối giữa tri thức, công nghệ và khoa học với người dùng tin, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh đó, với sự gia tăng không ngừng của vốn tài liệu thuộc các loại hình khác nhau cùng với xu thế khai thác thông tin trực tuyến và sử dụng tài nguyên số đang đặt các thư viện vào một bài toán đó là làm thế nào để có thể giải quyết được nhu cầu thông tin của bạn đọc sử dụng thư viện một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Các diễn giả tại hội thảo đều cho rằng, việc xây dựng và tổ chức hệ thống tra cứu thông tin trong thư viện theo xu hướng tích hợp tất cả mọi nguồn tin trong thư viện, cũng như các nguồn tin của các thư viện và các nhà xuất bản điện tử trên thế giới vào một cổng tra cứu thông tin duy nhất đang là một xu hướng được các thư viện quan tâm, nhằm xử lý được yêu cầu tổ chức theo mô hình một cổng tìm kiếm và tích hợp chuyển giao tài nguyên thông tin tập trung. Tuy nhiên, để có thể triển khai được hệ thống này là tương đối phức tạp và đòi hỏi phải có những điều kiện nền tảng cần thiết./.