Năm điểm sáng về phát triển kinh tế

1. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) tăng 7,73% (quý I tăng 6,99%, 6 tháng tăng 7,34%), gấp 1,3 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm gần đây. Trong đó, ngành dịch vụ tăng 7,83%, ngành công nghiệp tăng 6,69%, ngành xây dựng tăng 13,1%, ngành nông nghiệp tăng 2,16%. Ngành dịch vụ tăng cao hơn mức trung bình và xu thế tăng dần qua các quý; ngành nông nghiệp phục hồi trở lại, tuy nhiên, ngành công nghiệp giảm dần tốc độ tăng trưởng là điều đáng phải suy nghĩ.

2. Quyết liệt triển khai thu ngân sách, đạt 121.310 tỷ đồng tương đương 71,6% dự toán, chiếm tỷ trọng 18,2% tổng thu ngân sách cả nước. Trong đó: Thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu là 11.503 tỷ đồng, đạt 76,7% dự toán; Thu từ dầu thô là 1.497 tỷ đồng, đạt 65,1% dự toán; Thu nội địa là 108.309 tỷ đồng, đạt 71,2% dự toán (Sở Tài chính Hà Nội, 2016).

3. Giá cả thị trường được kiểm soát. Dịp Tết Bính Thân, Thành phố đã thực hiện bán hàng bình ổn giá tại 1.165 điểm (gấp đôi năm trước). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 2,25% so với cùng kỳ 2015. Hiện Thành phố đang triển khai Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

4. Thu hút đầu tư đầu tư trong và ngoài nước có sự chuyển biến mạnh mẽ, là tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu 2,5 triệu tỷ đồng tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố đạt 180 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2015; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.400 triệu USD (tăng 3,7 lần so cùng kỳ); 16,7 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 148,9 nghìn tỷ đồng (tăng 20% về số lượng và 48% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội lên 202.255 doanh nghiệp.

Đến nay, Hà Nội đã đạt kết quả ấn tượng với 50% tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng (vượt xa chỉ tiêu tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử); Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử 98,33%, nộp thuế điện tử đạt 98,2% (vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, ngày 28/04/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020); 64,26% đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đối với các thủ tục bảo hiểm xã hội.

Để đạt được kết quả trên, Thành phố đã triển khai nhiều giải tích cực trong năm 2016. Tại Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển của đất nước ngày 29/04/2016, Hà Nội đã cam kết tiên phong cả nước về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính quyền phục vụ. Ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử được lựa chọn là một trong những khâu đột phá. Trong đó, các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, như: đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội... là ưu tiên hàng đầu.

Trong tháng 6, Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Công khai, minh bạch và đồng hành cùng doanh nghiệp là cam kết của Thành phố. Cũng tại Hội nghị, Thành phố đã giới thiệu danh mục dự án đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 711 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chính sách về hỗ trợ khởi nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố. Trong tháng 9, Thành phố đã đồng chủ trì với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Tập đoàn FPT tổ chức Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Thành phố Hà Nội cũng phê duyệt và bắt đầu tổ chức thực hiện Đề án thí điểm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng Đề án Khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu có thêm 200.000 doanh nghiệp thành lập mới.

5. Tăng trưởng tín dụng đạt khá, đảm bảo nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn huy động của Thành phố tăng 6,45%, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,2%. Nhờ triển khai tốt Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nên dư nợ tính đến cuối tháng 09/2016 tăng hơn 3 lần so với cuối năm 2015. Nhiều ngân hàng triển khai hiệu quả các gói sản phẩm tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Nhiệm vụ cấp bách trong 3 tháng cuối năm

Quý IV là thời điểm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh để hoàn tất các hợp đồng của năm 2016, chuẩn bị các đơn hàng, các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ Tết Đinh Dậu 2017. Để hoàn thành và phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế năm 2016, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm kích cầu đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh và kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng GRDP trong 3 tháng cuối năm như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ về vốn và thị trường. Thực hiện tốt Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; các giải pháp mở rộng tín dụng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ lãi suất... Hoàn thành các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo Kế hoạch số 147/KH-UBND, ngày 30/07/2016 thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, cũng như Kế hoạch số 101/KH-UBND, ngày 30/05/2016 về nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016.

Hai là, quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP, ngày 08/07/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, qua đó góp phần kích cầu đầu tư, tiêu dùng, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Tập trung đẩy nhanh việc đề bù, giải phóng mặt bằng; giải quyết vướng mắc các thủ tục đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA, FDI. Quan tâm chỉ đạo đầu tư các công trình bức xúc dân sinh, như: xử lý rác thải, thoát nước, giải quyết ùn tắc giao thông...

Ba là, tích cực thực hiện các giải pháp kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh thương mại thông qua các ngày mua sắm trực tuyến, tuần khuyến mại, tháng khuyến mại; tổ chức đưa hàng về vùng sâu, vùng xa trung tâm, các khu, cụm công nghiệp, trường đại học; các triển lãm, hội trợ; các hoạt động văn hóa, thể thao...

Bốn là, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu.

Năm là, tập trung thu hoạch lúa mùa nhanh, gọn và chuẩn bị kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân đảm bảo diện tích gieo trồng và kịp thời vụ; đảm bảo công tác tưới, tiêu; đủ giống cây, con; kiểm soát dịch bệnh; làm tốt công tác khuyến nông; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế năm 2017

Năm 2017, dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, giao dịch thương mại toàn cầu chưa được cải thiện. Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn thành phố Hà Nội trên 8,5%, phát triển kinh tế bền vững, Thành phố cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và hội nhập.

Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trọng tâm là rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp; cải thiện việc tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: đất đai, lao động, công nghệ; giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh: thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng…, bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Định kỳ tổ chức diễn đàn trao đổi giữa các cấp chính quyền với doanh nghiệp; thực hiện Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên; tạo điều kiện về thủ tục giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất. Hỗ trợ nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp. Tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế, về thị trường, công nghệ mới, về các chính sách, pháp luật thương mại của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, như: đào tạo giám đốc điều hành doanh nghiệp, đào tạo kiến thức về khởi sự, quản lý doanh nghiệp. Đẩy mạnh huy động và tiến độ thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ hai, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao, nâng cao chất lượng, tiến tới đạt tiêu chuẩn khu vực: du lịch, thương mại, bưu chính viễn thông, tài chính - ngân hàng, khoa học, công nghệ, đào tạo, y tế, vận tải công cộng và các loại dịch vụ đô thị khác. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch. Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại đối với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị...; quản lý tốt không để tái xuất hiện các chợ cóc, chợ tạm; thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu theo hướng tập trung vào các thị trường có sức mua lớn, các thị trường truyền thống và thị trường mới có nhiều tiềm năng. Triển khai tốt các hoạt động quảng bá hình ảnh Thủ đô của cả nước.

Thứ ba, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản. Đẩy nhanh phát triển các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch của Thành phố.

Thứ tư, tổ chức lại sản xuất, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất lớn, các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm.

Thứ năm, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Hỗ trợ sản xuất, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá thiết yếu. Điều hành hiệu quả quỹ bình ổn giá./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. HĐND thành phố Hà Nội (2016). Nghị quyết số 05/NQ-HĐND, ngày 03/08/2016 về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của thành phố Hà Nội

2. UBND thành phố Hà Nội (2016). Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của thành phố Hà Nội

3. UBND thành phố Hà Nội (2016). Chỉ thị số 14/CT-UBND, ngày 28/06/2016 về xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2017

4. Sở Tài chính Hà Nội (2016). Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2016, ngày 05/9/2016

ThS. Trịnh Quang Anh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội

Nguyễn Văn Tiến - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 24, tháng 10/2016