Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Hội trường

Tại phiên chất vấn ngày 16/11, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh- tỉnh Quảng Trị được biết hiện nay có khoảng 191.000 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong cả nước không có việc làm. Trong khi đó, ở các địa phương còn nhiều các trường trung cấp, cao đẳng tiếp tục đào tạo và nhà nước đầu tư ngân sách cho công tác đào tạo, nuôi dưỡng bộ máy của các trường này rất lớn.

Đại biểu đặt câu hỏi: “Trong khi nguồn lực sau đào tạo còn lãng phí nhưng chưa có giải pháp; các trường trung cấp, cao đẳng vẫn tiếp tục đào tạo một cách mất cân đối giữa cung và cầu, liệu rằng các em sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm hay không?”.

Đồng quan điểm với đại biểu Minh, đại biểu Cao Thị Xuân- tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm là vấn đề nhức nhối của xã hội, gây lãng phí cho dân, cho nước. Đại biểu băn khoăn về trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng trên và giải pháp trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ rằng, ông rất trăn trở với hiện tượng thất nghiệp rất lớn của đối tượng cử nhân. Bởi, theo ông sứ mạng của các trường đại học là đào tạo ra phải có việc làm.

Bộ trưởng cũng báo cáo thêm, hiện nay có khoảng 300 nghìn sinh viên ra trường hàng năm. Theo thống kê từ các trường đại học, khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm, như vậy mỗi một năm đã thất nghiệp 60 nghìn em, chỉ cần 5 năm là 300 nghìn, đây là một con số rất lớn.

Tuy nhiên, đánh giá sâu hơn những con số trên, Bộ trường cho biết, trên thực tế, số sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp thường là sinh viên tốt nghiệp từ những trường có bề dày, những trường có kinh nghiệm còn phần lớn sinh viên chưa có việc làm hoặc thất nghiệp lâu là sinh viên những trường có chất lượng yếu và phần lớn là các trường mới thành lập.

Vì thế, tới đây Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, áp dụng các chuẩn đảm bảo chất lượng trường và ngành để những trường mới mở hay có điều kiện yếu kém sẽ được hỗ trợ theo hướng phân hiệu hoặc thành một trường thành viên của trường đại học lớn.

Giải trình thêm về chất lượng giáo dục đại học, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh nguyên nhân là kiểm định chất lượng trong quá trình học và kiểm định chất lượng đầu ra chưa tốt.

“Tới đây, chúng ta sẽ đẩy mạnh và hướng trong quá trình kiểm định, chúng ta sẽ khuyến khích các trường tự kiểm định và sẽ có các trung tâm kiểm định đi kiểm định và công khai kết quả”, Phó Thủ tướng cung cấp thêm thông tin. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Chính phủ và bộ đã rất cố gắng chỉ đạo để đẩy mạnh tự chủ đại học, tự chủ cả về chuyên môn, tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức nhân sự.

“Tự chủ về tài chính không có nghĩa là Nhà nước sẽ cắt toàn bộ ngân sách nhà nước không đầu tư cho các trường tự chủ vì thực tế tự chủ là gần như một yêu cầu của các trường đại học lớn trên thế giới, có những quốc gia điển hình như Đức, Pháp thì các trường đều tự chủ, nhưng Nhà nước vẫn lo 80%, thậm chí 90% từ ngân sách nhà nước và ngân sách liên bang. Vấn đề tự chủ ở đây thực chất là bớt can thiệp hành chính không cần thiết vào công việc của nhà trường trong một môi trường giáo dục và khoa học”, Phó Thủ tướng giải trình thêm.

Hiện nay đã có 15 trường tiến hành bước đầu tự chủ. Qua 1 năm thực hiện vừa qua kết quả rất tốt, nhưng đấy mới là bước đầu. Trong đó, đã có 3 trường cao đẳng nghề tham gia tự chủ.

Về vấn đề thi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bức xúc và bất cập thì có nhiều, nhưng chủ yếu do nguyên nhân là hình thức không trung thực. Nhiều ý kiến cho rằng nó không cần thiết. Thứ nữa, khi vào đại học và cao đẳng thì quá căng thẳng và phức tạp.

Đây là một nguyên nhân dẫn tới các cháu học sinh học lệch, học tủ và cố gắng học, sau khi thi vào đại học thì có tâm lý buông lơi, đây cũng là một yếu tố để giáo dục đại học Việt Nam không thật tốt.

“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có một kỳ thi trung thực, khách quan để học sinh học toàn diện và tuyển sinh vào đại học không quá căng thẳng ở mức không cần thiết”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Câu hỏi này ở các nước trên thế giới đều đã làm và có rất nhiều nước làm bằng hình thức thi đánh giá năng lực như Đại học Quốc gia đã làm mấy năm vừa qua một cách rất đơn giản, có những nước thì làm tự luận, có những nước thì làm trắc nghiệm nhưng quy mô lớn là làm trắc nghiệm.

“Tại sao chúng ta không thể tổ chức ngay một kỳ thi trắc nghiệm đơn giản như các nước bởi vì chúng ta không thể thay đổi đột ngột với học sinh và nó còn phụ thuộc vào quá trình đổi mới trong giảng dạy, học liệu, phương thức và rất nhiều điều kiện”, Phó Thủ tướng lý giải.

Cho rằng, năm 2015 đã thu được kết quả căn bản, năm 2016 vừa rồi tốt tiếp, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2017 này sẽ có những đổi mới rất căn bản về phương thức thi theo trắc nghiệm.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo khi báo cáo việc này và cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục nghe dư luận để ra đề sao cho kỳ thi sẽ thành công, thể hiện ở điểm sẽ trung thực, sẽ đơn giản bớt áp lực hơn cho toàn xã hội, đây là việc tiếp tục phải làm từ nay đến kỳ thi", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay./.