Trung tâm ra đời theo tinh thần là đầu mối nghiên cứu và tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn chuyên sâu về phát triển bền vững, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tư vấn chức năng cho các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Cụ thể, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững có 7 nhiệm vụ trọng tâm là: (i) thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện việc nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao về phát triển bền vững; (ii) tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn về phát triển bền vững; (iii) chủ trì, phối hợp tổ chức các diễn đàn khoa học về phát triển bền vững; (iv) huy động đội ngũ các lãnh đạo và nhà khoa học có uy tín nghiên cứu, giảng dạy, báo cáo viên chuyên sâu về phát triển bền vững; (v) chủ trì, phối hợp với các đối tác tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới về phát triển bền vững; (vi) nghiên cứu, xây dựng tủ sách về phát triển bền vững; (vii) thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ủng hộ sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhận xét, ngay trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua đã đưa vào cụm từ “phát triển nhanh và bền vững đất nước” cho thấy đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng và ở mức báo động. Do đó, sự ra đời của Trung tâm này là rất cần thiết, không chỉ theo đúng tinh thần của Đại hội XII, mà còn đưa ra các giải pháp giúp Việt Nam đi lên một cách ổn định, lâu dài.

PGS.TS Vũ Văn Phúc cũng đưa ra cách tiếp cận đối với khái niệm “phát triển nhanh và bền vững đất nước”, đó là sự phát triển nhanh và bền vững không chỉ về phương diện kinh tế, mà còn trên tất cả các lĩnh vực khác bao gồm chính trị, giáo dục, đối ngoại, an ninh quốc phòng…

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Phạm Duy Đức, Viện Văn hoá và Phát triển - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững là yêu cầu rất đúng và trúng với nhu cầu phát triển của Việt Nam hiện nay. Mặc dù Trung tâm mới chỉ là đơn vị cấp phòng, nhưng có tiềm năng phát triển lâu dài và nếu đi đúng hướng sẽ có thể vươn xa thành đơn vị cấp viện.

PGS.TS Phạm Duy Đức hy vọng, hoạt động tại Trung tâm sẽ tiến tới sự cởi mở trong nghiên cứu, có cái nhìn đa chiều đối với phát triển bền vững, cũng như có thể vượt qua mọi định kiến giáo điều để bám sát với tình hình thực tế của đất nước.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất trong thời gian tới, Trung tâm cần xác định vấn đề nghiên cứu (dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước làm kim chỉ nam để hoạt động) và phân mảng vấn đề nghiên cứu. Quan trọng không kém là, Trung tâm cần xác định đối tượng khách hàng, người thụ hưởng nghiên cứu đề từ đó có định hướng rõ ràng và phục vụ khách hàng một cách hiệu quả./.