Theo đó, trong 3 bị cáo bị truy tố tội tham ô, thì có 2 bị cáo bị tuyên án tới mức cao nhất là tử hình. Đó là: Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines bị tuyên tử hình; Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines, bị tuyên tử hình.

Bị cáo Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines, bị tuyên chung thân.

Riêng bị cáo Giang Văn Hiển, bố đẻ của bị cáo Giang Kim Đạt, bị truy tố về tội Rửa tiền chịu mức án 12 năm tù.

Bên cạnh đó, ông Hiển còn bị tịch thu kê biên toàn bộ bất động sản đứng tên mình và vợ, 2 ôtô mua từ sau 2006.

Các phán quyết trên cho thấy, phần lớn các mức án này đều cao hơn so với mức mà Viện Kiểm soát Nhân dân TP. Hà Nội đề nghị trước đó.

Cụ thể, ngày 18/2, cơ quan này chỉ đề nghị bị cáo Giang Kim Đạt chịu án tử hình, còn bị cáo Trần Văn Liêm chung thân, bị cáo Trần Văn Khương 20 năm tù giam và bị cáo Giang Văn Hiển 8-9 năm tù giam.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cho rằng đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đã lợi dụng trách nhiệm, quyền hạn để hưởng số tiền chênh lệch giá, tiền hoa hồng trong việc mua bán, cho thuê tàu. Liêm giữ vai trò chính, Đạt giữ vai trò giúp sức tích cực, Khương là đồng phạm nên cấu thành tội Tham ô tài sản.

Hành vi của Giang Văn Hiển phạm tội Rửa tiền, cần thiết phải áp dụng mức hình phạt cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.

Tại phiên tòa các bị cáo không nhận tội. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai tại tòa, tại cơ quan điều tra và căn cứ toàn bộ hồ sơ vụ án cùng các tình tiết liên quan, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở khẳng định các bị cáo đã phạm tội như trong cáo trạng đã nêu.

Từ nhận định trên, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt hai bị cáo Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt lĩnh án tử hình về tội Tham ô tài sản; bị cáo Trần Văn Khương lĩnh án tù chung thân về tội Tham ô tài sản và bị cáo Giang Văn Hiển lĩnh án 12 năm tù về tội Rửa tiền. Đồng thời Tòa yêu cầu các bị cáo trả lại hơn 260 tỷ đồng cho Vinashin.

Trước đó, bản Cáo trạng của cơ quan tố tụng cho biết, trên cương vị Tổng giám đốc, Trần Văn Liêm đã bổ nhiệm Trần Văn Khương và Giang Kim Đạt vào những vị trí quan trọng tại Vinashinlines. Sau đó, cả 3 đã cùng nhau chiếm đoạt tiền của công ty thông qua việc thực hiện các dự án mua tàu, cho thuê tàu biển…

Số tiền các bị cáo chiếm đoạt của Vinashinlines là gần 16 triệu USD, trong đó Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh) tham ô 255 tỷ đồng. Để che giấu nguồn tiền phạm pháp trên, Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ.

Ngoài việc chia chác tiền mặt, các bị cáo còn sử dụng tiền để ngoài sổ sách kế toán của Vinashinelines mua bất động sản, sắm phương tiện cá nhân đắt tiền.

Vụ án này là là 1 trong 6 vụ đại án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chông tham nhũng chỉ ra và yêu cầu làm điểm. 6 vụ đại án gồm:

- Vụ án: Thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank.

- Vụ án “Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam.

- Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh.

- Vụ “Tham ô tài sản; rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin.

-Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM (Phần nội dung bị tòa phúc thẩm TAND tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của 5 công ty).

- Vụ “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương./.