Cụ thể, Nghị định nêu rõ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể do Chính phủ quy định tại Nghị định này.

Trong đó, về lĩnh vực di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ cấp, thu hồi giấy phép về biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu theo quy định của pháp luật...

Về điện ảnh, Bộ có nhiệm vụ tổ chức liên hoan phim quốc gia và quốc tế tại Việt Nam; chấp thuận tổ chức liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, những ngày phim nước ngoài tại Việt Nam và những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài; quản lý việc lưu chiểu, lưu trữ phim và các tư liệu, hình ảnh động được sản xuất trong nước; lưu chiểu, lưu trữ phim nước ngoài được phổ biến, phát hành tại Việt Nam; cấp, thu hồi giấy phép trong lĩnh vực điện ảnh theo quy định của pháp luật...

Cơ cấu tổ chức

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 26 đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch, Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Đào tạo; Vụ Thi đua, Khen thưởng; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Thư viện; Vụ Văn hóa dân tộc; Vụ Gia đình; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Di sản văn hóa; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Điện ảnh; Cục Bản quyền tác giả; Cục Văn hóa cơ sở; Cục Hợp tác quốc tế; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Tổng cục Thể dục thể thao; Tổng cục Du lịch; Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Báo Văn hóa; Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; Trung tâm Công nghệ thông tin; Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch.

Về quyền tác giả, quyền liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ hướng dẫn việc cung cấp, hợp tác, đặt hàng, sử dụng và đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; quản lý, khai thác các quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc về sở hữu Nhà nước; quản lý hoạt động cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; quản lý hoạt động giám định về quyền tác giả, quyền liên quan; hoạt động đại diện, tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan...

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm, chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, hiện nay, công tác quản lý và cấp phép các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, bao gồm 7 loại sau: (1) Cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; (2) Cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu trong nước và quốc tế; (3) Cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;

(4) Cấp giấy phép cho đối tượng mời cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; (5) Cấp giấy phép đưa thí sinh đi tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế; (6) Cấp giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu; (7) Cấp phép phổ biến bài hát sáng tác trước năm 1975 và tác phẩm do người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh/thành tổ chức thẩm định và cấp phép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo sự đan xen, hài hoà giữa các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tăng cường theo dõi, phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, công tác quản lý và cấp phép trong lĩnh vực này vẫn còn những bất cập, lúng túng.

Cụ thể là, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.

Bên cạnh đó, cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã và đang có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trên./.