Quy định mới khắc phục bất cập

Thống kê sơ bộ từ Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) sau khi đã cập dữ liệu của 64 đơn vị trong cả nước cho thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ Giáo dục THPT đạt 97,52%, giảm 1,45% so với năm trước. Đối với hệ Giáo dục thường xuyên đạt 78,08%, giảm 7,39%. Như vậy, sau 5 năm tỷ lệ tốt nghiệp THPT liên tục tăng, thì kì thi năm nay đã giảm nhẹ đối với hệ Giáo dục THPT và sụt giảm mạnh đối với hệ Giáo dục thường xuyên (GDTX).

Bước vào kì thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thấy những nỗ lực của mình trong việc đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan. Phương hướng của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng như kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho phép học sinh mang thi thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác, để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi. Toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi (gồm 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng), gồm 2.296 Hội đồng coi thi; huy động 142.361 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi các môn thi tự luận. Bộ tổ chức Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời, phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức thi từ Trung ương đến địa phương.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ bản kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, hiện tượng tiêu cực được hạn chế nhiều so với những năm trước đây. Đề thi được đánh giá là không đánh đố và sát chương trình. Đặc biệt, câu hỏi mở của đề thi môn văn bàn về tấm gương quên mình cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam và câu hỏi liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo ở môn địa lý đã được học sinh và dư luận đánh giá cao.

Đã phản ánh đúng thực chất?

Quan tâm xung quanh kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, “thực chất hay không có thể dựa vào thực tế để đánh giá. Năm 2007, tỷ lệ đỗ tụt hẳn so với những năm trước nhưng hồi phục rất nhanh. Từ tỷ lệ học sinh đỗ là 66% năm trước, năm sau đã chín mấy phần trăm. Có những tỉnh năm trước tỷ lệ học sinh đỗ dưới 20% năm sau đã 80 – 90%. Điều đó rất không bình thường, bởi không thể có một sự chuyển biến về chất lượng đột ngột như thế. Thứ hai, tuyển sinh ĐH chỉ diễn ra sau đó có một tháng thôi nhưng kết quả khác hẳn. Một kỳ thi ĐH có đến hàng nghìn điểm 0 các môn. Điểm sàn tuyển vào ĐH chỉ có 13”.

Đồng quan điểm, GS. Văn Như Cương cũng cho rằng, “có tỉnh hầu hết các trường có tỷ lệ học sinh đỗ 100%. Trong khi đó tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh bình quân chỉ đạt hơn 97%, kém xa nhiều tỉnh, trong đó có các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Mặc dù dư luận còn nhiều băn khoăn, tuy nhiên, ông Trần Văn Kiên - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh “nếu như học sinh nào học yếu nhưng chăm chỉ cố gắng bồi dưỡng ôn tập thì vẫn có thể đạt tốt nghiệp. Trong 12 năm học, các em cố gắng, đến chặng cuối cùng nhà trường, phụ huynh tập trung vào ôn tập cho học sinh rồi học sinh đỗ tốt nghiệp là chuyện bình thường”./.