Ngày 21/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018

Năm học 2016-2017, vẫn còn rất nhiều hạn chế, yếu kém

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, năm học 2016 - 2017, toàn ngành đã tập trung triển khai thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được một số kết quả.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận còn rất nhiều hạn chế, yếu kém như quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, chậm hướng dẫn triển khai; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết.

Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Phương thức dạy nghề trong các trường phổ thông còn nặng về kiến thức lý thuyết, việc phối hợp giữa nhà trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... chưa hiệu quả.

Công tác tự chủ, trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở đào tạo còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc ban hành văn bản còn chậm, chưa đồng bộ; công tác xử lý vi phạm sau thanh tra ở một số địa phương chưa nghiêm.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền; một bộ phận giáo viên còn hạn chế năng lực thực hành, kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp ở một số địa phương còn thấp.

Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra; việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp so với yêu cầu.

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 5 giải pháp cơ bản là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo là rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nhằm phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tế, không đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế.

Đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; Tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể gắn với hiệu quả công việc được giao.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, theo đó, ban hành các chuẩn, tiêu chí cán bộ quản lý các cấp và triển khai chương trình, kế hoạch bồi dưỡng đạt chuẩn các vị trí chức danh quản lý.

Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục chủ chốt ở các cấp, các trường để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phong phú, có chất lượng; thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở ở địa phương, đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo sẽ cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bố trí hợp lý cho chi đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Các địa phương thực hiện có hiệu quả xây dựng nhà công vụ, nhà bán trú cho giáo viên, học sinh để phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, rà soát, xây dựng văn bản quy định về trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng tích hợp để các địa phương thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Ban hành bộ chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục địa phương.

Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, trên cơ sở đó phân tầng, xếp hạng, quy hoạch lại mạng lưới, giao quyền tự chủ và nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá năng lực người học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, theo đó, ban hành kế hoạch truyền thông năm học 2017 - 2018; xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu 5 bất cập của ngành giáo dục

Cần mạnh dạn bãi bỏ các quy định cứng nhắc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những nỗ lực, kết quả ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.

Việc cả nước hoàn thành chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi là một dấu ấn quan trọng. Ngành giáo dục đã xây dựng được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bắt đầu biên soạn chương trình từng môn làm cơ sở biên soạn sách giáo khoa. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, kết hợp những thay đổi tích cực trong tuyển sinh đại học.

Đến nay đã có 23 trường đại học thực hiện tự chủ. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục có tiến bộ thể hiện qua việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra nhiều văn bản chỉ đạo để bớt bệnh thành tích, bớt các hoạt động, kì thi không cần thiết; gỡ dần những bất cập của ngành giáo dục nhiều năm dồn lại…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu 5 bất cập của ngành giáo dục. Trước hết là vấn đề quản lý nhà nước, quản trị đại học, quản trị trong các trường phổ thông, mầm non “còn rất nhiều quy định cứng nhắc, có tính đồng loạt, cầm tay chỉ việc không còn phù hợp với thực tiễn”.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ từ ngay các ý kiến phát biểu tại hội nghị, như: Đại học tự chủ thì được khuyến khích cấp học bổng cho sinh viên nghèo nhưng vẫn vướng quy định phải dành 80% học bổng cho sinh viên giỏi; quy định xếp lương cho giáo viên mầm non theo chuẩn trung cấp trong khi ở nhiều nơi trình độ giáo viên đã là cao đẳng, đại học.

Còn không ít các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hoạt động, kỳ thi… mang bệnh thành tích, chưa thực sự vì học sinh.

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, mạnh dạn bãi bỏ các quy định cứng nhắc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, không phát huy được tính sáng tạo chủ động ở cấp dưới, không còn phù hợp với thực tiễn… Đặc biệt là những quy định có tính hình thức, các loại chuẩn, tiêu chuẩn cứng nhắc áp đặt từ trên xuống.

Đối với thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần làm một cách đúng nghĩa, tự chủ không chỉ ở giữa trường với bộ chủ quản mà xuống đến từng bộ môn, từng giáo viên.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bãi bỏ những quy định cứng nhắc làm “bó tay, bó chân” những trường đại học tốt, đồng thời phải đi đầu trong việc xoá bỏ chủ quản đối với các trường đại học thuộc Bộ. Trong trường phổ thông cần phải phát huy sáng tạo, dân chủ trong cơ sở giáo dục”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bất cập thứ hai là ngành giáo dục đã bước đầu làm chương trình, sách khoa mới nhưng triển khai còn chậm ở nhiều khâu, đặc biệt là chậm “thấm” tinh thần đổi mới xuống dưới cơ sở, từ các sở giáo dục và đào tạo, trường sư phạm đến đội ngũ giáo viên.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: Đổi mới làm một lần và áp dụng cho nhiều năm nên chất lượng phải đặt lên hàng đầu.

“Chúng ta làm với tinh thần khẩn trương, nhưng chất lượng trên hết nên khi chưa yên tâm thì cần tiếp tục chuẩn bị kỹ hơn. Tuy nhiên, tinh thần đổi mới phải lan toả ngay từ bây giờ, áp dụng ngay vào trong cách dạy, học hiện nay, để các thầy cô có thời gian tự xác định cũng phải đổi mới”, Phó Thủ tướng quán triệt.

Một hiện tượng đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm là câu chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

"Không có một ngành nào dự báo nhu cầu nhân lực rõ ràng như ngành giáo dục. Chúng ta có phòng, sở giáo dục, nắm được số lượng dân cư, học sinh, dự báo được biên chế giáo viên cho từng môn, từng cấp học. Vậy tại sao vẫn để xảy ra chuyện thừa, thiếu giáo viên dẫn đến nhiều hệ lụy trong đó có việc học sinh không muốn vào sư phạm", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng cho rằng: Chưa nói đến chế độ nhưng nếu sinh viên ra trường xin được việc, không thừa thì ngành sư phạm cũng hấp dẫn hơn rất nhiều. Cùng với đó các địa phương có chương trình bồi dưỡng, chuyển đổi giáo viên giữa các cấp học, môn học ngay trên địa bàn cũng sẽ khắc phục cơ bản tình trạng thừa, thiếu cục bộ.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế đặt hàng các trường sư phạm không chỉ đào tạo mới mà bồi dưỡng, chuyển đổi cho giáo viên cũ", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Điểm thứ ba được Phó Thủ tướng nêu lên là ngành giáo dục đã có sự thay đổi nhưng chưa chú ý nhiều đến việc dạy người một cách toàn diện.

“Mấy năm gần đây Bộ đã có nhiều văn bản rất cụ thể như sinh hoạt đầu giờ, tập thể dục giữa giờ đến vệ sinh trường lớp nhưng đi nhiều nơi vẫn thấy trường xây rất to nhưng mạng nhện giăng đầy, bạo lực học đường, những tiêu cực, tệ nạn trong học sinh”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng cần phải làm mạnh mẽ, thực chất việc giáo dục con người, nhất là ở cấp phổ thông, đặc biệt là lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.

“Không được rèn luyện từ những việc nhỏ như dọn vệ sinh trong lớp, trong trường thì các cháu không những không biết làm gì mà còn không biết trân trọng người lao động”, Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rút kinh nghiệm, có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, tập trung nâng cao chất lượng khâu ra đề.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành giáo dục bàn bạc, xem xét lại thời gian nghỉ hè của học sinh hiện nay để tính toán sao các em có được kỳ nghỉ hè đúng nghĩa và đưa ngày khai giảng về đúng ý nghĩa là ngày tựu trường.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng lưu ý, ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa tới giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, trong đó chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức xã hội để xây dựng xã hội học tập./.