Sáng nay (9/8), Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021. Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đại diện lãnh đạo nhiều bộ ngành và địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị

82,47% đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt tiêu chuẩn

Báo cáo dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, quá trình sáp nhập, chia, tách đơn vị hành chính trong từng giai đoạn của nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng tỷ lệ đô thị hóa, hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình chia, tách các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã thời gian qua có một số bất cập như: bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế, tăng chi ngân sách; gây khó khăn trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội; làm xáo trộn đến đời sống nhân dân trong việc thay đổi giấy tờ, thủ tục…

Tính đến nay, cả nước có 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số; có 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH.

Mục tiêu của Đề án từ nay đến năm 2021, cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo quy định. Từ năm 2022 đến năm 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định. Cùng với đó, Đề án cũng nêu rõ quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc, lộ trình sắp xếp; các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; phân công thực hiện…

Theo đó, về thể chế, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 đã quy định xác định vị trí việc làm để làm căn cứ xác định biên chế công chức, số lượng người làm việc và để tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đến tháng 6/2016, Bộ Nội vụ đã cơ bản phê duyệt xong khung danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của các Bộ, ngành, địa phương (trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng), gồm các nội dung: (1) Phê duyệt khung danh mục vị trí việc làm; (2) Phê duyệt ngạch công chức tương ứng với từng vị trí việc làm; (3) Quy định việc giao bộ, ngành, địa phương hoàn thiện bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm theo danh mục được phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ công chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, từ thực tiễn xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan, tổ chức hành chính và căn cứ vào tình hình thực tiễn của các đơn vị sự nghiệp (về số lượng và cơ chế quản lý), Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 89/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016.

Theo đó, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ được quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cho số lượng người làm việc tăng thêm. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ đã chủ động xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ.

Nên cẩn trọng với những tác động của quá trình sáp nhập

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế về thể chế, về triển khai thực hiện, về phê duyệt vị trí việc làm của Bộ Nội vụ và của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Đồng Nai Trần Văn Tư bày tỏ ủng hộ việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, ông Tư cũng lưu ý rằng, khi sáp nhập sẽ có khó khăn và xáo trộn, tác động đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần tính toán để bớt tác động và phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Vì thế, ông Trần Văn Tư đề nghị Trung ương nên quy định thống nhất về chính sách đối với số cán bộ dôi dư phải nghỉ việc, không nên để mỗi nơi ban hành quy định riêng thì tác động không tốt.

Về sáp nhập cấp xã, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đồng tình cao với đề án, từ nay đến 2021, nhập các xã không bảo đảm trên 50% cả hai tiêu chí về diện tích và dân số. Trong số 63 xã phải nhập của Hà Tĩnh có 10 xã là nhập 3 xã lại một chứ không phải 2 xã.

“Quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. Đề án nêu có thể dư, nhưng thực ra là dư rất nhiều. 3 xã nhập 1 thực ra là dư 2/3. Vậy phải có 1 nội dung bàn rất kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được. 3 bí thư chỉ còn 1 bí thư, 3 chủ tịch giờ còn 1 chủ tịch thì xử lý thế nào, vô cùng khó!”, ông Lê Đình Sơn băn khoăn.

Đánh giá rằng việc xử lý nhân sự dôi dư là “đại vấn đề” mà nhiều địa phương trăn trở, TThứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đề nghị, Chính phủ ban hành một nghị định riêng về chế độ chính sách áp dụng cho trường hợp này.

“Chưa kể ngoài địa phương thì có cả ngành dọc như thuế, hải quan, thi hành án. Do đó, cần có chính sách thống nhất, mỗi địa phương có cách khác nhau thì lại khó”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết .

Đồng tình với các quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhìn nhận hiện trạng khi sáp nhập từ 3 xã còn 1, thì dôi dư 2 bí thư, 2 chủ tịch và hàng loạt cán bộ khác và nêu quan điểm, nên xem xét chính sách, thậm chí có thể có quy định nâng số lượng cấp phó cũng như chế độ, lương phù hợp với phân loại đơn vị hành chính để đảm bảo sắp xếp ổn định, cán bộ an tâm.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận Hội nghị

Đề nghị UBTVQH ban hành một Nghị quyết riêng về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Đề án đã xác định được đầy đủ mục tiêu, yêu cầu, chỉ ra được kết quả đạt được, những bất cập và đưa ra nguyên tắc, lộ trình, giải pháp thực hiện.

Để bổ sung, làm rõ thêm các nội dung của Đề án và thực hiện một cách thuận lợi, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị:

Thứ nhất, về mục tiêu và số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ tiến hành sắp xếp đến năm 2021, có 16 đơn vị hành chính cấp huyện, 637 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn, cần phải xem xét, sắp xếp đến 2021; nếu các địa phương chủ động sắp xếp nhiều hơn nữa thì cần chủ động và được khuyến khích thực hiện.

Tuy nhiên, cần xem xét các yếu tố đặc thù khác của địa phương để sắp xếp, đảm bảo tính kế thừa và không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…, đặc biệt, phải chú ý đến các yếu tố tiềm ẩn có sự ảnh hưởng đến việc sắp xếp.

Thứ hai, việc lấy ý kiến Nhân đối với việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Như vậy, khi tiến hành sắp xếp phải lấy ý kiến Nhân dân và phải có trên 50% nhất trí mới trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của Nhân dân, thể hiện sự dân chủ của Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa Việt Nam.

“Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân để tạo sự đồng thuận trong việc sắp xếp được thuận lợi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba, Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định các tiêu chí cho việc sắp xếp, vì vậy, nếu sửa đổi Nghị quyết này để áp dụng thì sẽ khó khăn. Do vậy, Phó Thủ tướng thống nhất với đề xuất của các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để thực hiện thuận lợi, trong đó quy định trình tự, thủ tục đơn giản, dễ hiểu trong việc trình cấp có thẩm quyền, có quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp. Chính phủ và các Bộ, ngành cần xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện, triển khai đồng bộ, đầy đủ trình tự, thủ tục, có đánh giá tác động, có bước đi vững chắc.

Thứ tư, để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo đảm bảo đồng bộ, thuận lợi việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn cấp ủy đảng xây dựng tổ chức bộ máy các cấp, hướng dẫn nhân sự, hướng dẫn chuẩn bị nội dung Đại hội Đảng đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các hội nghị, cuộc họp nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính và sự đồng thuận của Nhân dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trong tháng 8/2018. Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Các Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường … và các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Nội vụ đánh giá tác động đối với việc sắp xếp, đảm bảo thực hiện toàn diện, sâu sắc, đạt kết quả tốt.

Đặc biệt, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ tạo nguồn lực để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các địa phương.

"Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính từ nay đến 2021 và gửi Bộ Nội vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp đạt kết quả cao theo quy định", Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ./.