Sẽ phản ánh đúng thực trạng mức độ hoàn thành công việc của CBCCVC

Với việc công bố dự thảo sửa đổi Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định 56/2015/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy trình, thủ tục chặt chẽ với các tiêu chí và mức đánh giá, phân loại tương đối cụ thể, chi tiết, các bước đánh giá và các cấp độ đánh giá được chia thành các mức độ khác nhau, như: bản thân tự đánh giá, đánh giá của tập thể nơi công tác, cơ quan tổ chức theo dõi CBCCVC…

Tuy nhiên, dù có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp đánh giá theo vị trí việc làm, nhưng công tác đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ xác định công tác đánh giá CBCCVC là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thế, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến, cụ thể ở các mặt sau:

(i) Các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể, chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc được giao CBCCVC dẫn tới những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phản ánh không đúng thực trạng mức độ hoàn thành công việc của CBCCVC.

(ii) Chưa có sự liên thông trong kết quả đánh giá giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể dẫn tới việc đánh giá nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, trùng lặp, tốn kém thời gian, vật chất.

Từ những vướng mắc nêu trên, việc sửa đổi quy định về công tác đánh giá CBCCVC để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng là cần thiết.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 56 được Bộ Nội vụ đưa ra có nhiều điểm mới.

Cụ thể, mức đánh giá cán bộ, công chức có sự thay đổi.

Nghị định số 56 quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ.

Thể chế hóa Quy định số 89-QĐ/TW, dự thảo Nghị định quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong đó có mức Hoàn thành nhiệm vụ thay cho mức Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đã đảm bảo thống nhất giữa quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).

Về tiêu chí đánh giá, để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý CBCCVC lãnh đạo, quản lý, Quy định số 89-QĐ/TW đã quy định cụ thể các tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống. Về tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Quy định 89-QĐ/TW đã bổ sung một số nội dung như xây dựng và thực hiện chương trình hành động, thực hiện công tác cải cách hành chính, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và CBCCVC thuộc quyền quản lý…

Trên cơ sở đó, dự thảo đã quy định cụ thể các tiêu chí liên quan đến đánh giá, phân loại đối với CBCCVC.

Về việc liên thông trong đánh giá CBCCVC, dự thảo Nghị định bổ sung nguyên tắc “Kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn”. Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phối hợp với cấp ủy, công đoàn cùng cấp thống nhất việc liên thông sử dụng kết quả đánh giá CBCCVC trong đánh giá đảng viên, đoàn viên công đoàn.

Chính sách quản lý CBCCVC sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới

Những dự kiến thay đổi trong quy định về vị trí việc làm

Song hành với việc thay đổi Nghị định số 56, Bộ Nội vụ cũng đã công bố xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương tiến hành xây dựng, gửi Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng công chức theo đúng vị trí việc làm, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, Nghị định số 36 đã bộc lộ những bất cập và hạn chế sau: Cơ sở pháp lý ban hành Nghị định số 36/2013/NĐ-CP là Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 đã được thay thế bằng Luật tổ chức Chính phủ năm 2015.

Nghị định 36 chưa quy định hình thức xử lý đối với người đứng đầu Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi thực hiện không đúng quy định về vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch. Do vậy, dự thảo Nghị định cần bổ sung cho phù hợp.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị trực tiếp xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu ngạch công chức và khung năng lực của từng chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, bảo đảm tinh giản biên chế theo quy định, coi đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề thực hiện cải cách tiền lương. Theo đó, việc quy định Bộ Nội vụ trực tiếp phê duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức như quy định tại Nghị định 36 không còn phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết này.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên và để đẩy mạnh phân cấp, giao trách nhiệm cho các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh việc xây dựng, phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức thì việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 36/2013/NĐ-CP là cần thiết.

Theo Bộ Nội vụ, dự thảo Nghị định mới bổ sung quy định về vị trí việc làm được phân loại theo khối lượng công việc và tính chất, nội dung công việc. Theo đó, dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 3 như sau:

“Vị trí việc làm được phân loại như sau:

a. Phân loại theo khối lượng công việc: Vị trí việc làm do một người đảm nhận; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận; vị trí việc làm kiêm nhiệm.

b. Phân loại theo tính chất, nội dung công việc: Vị trí việc làm lãnh đạo, quan lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ”.

Về thẩm quyền phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức: Để đẩy mạnh phân cấp theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 và Hội nghị Trung ương 7 khóa XII nêu trên, dự thảo đề nghị sửa đổi quy định về thẩm quyền và quyết định phê duyệt danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức trong các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành, địa phương quản lý từ Bộ Nội vụ để phân cấp và giao người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định vị trí việc làm, việc tổ chức xây dựng và quyết định phê duyệt Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện do các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Do vậy, dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 9; Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4 Điều 10; Khoản 3 Điều 11; Khoản 2 Điều 13 và Khoản 2 Điều 14; đồng thời, bổ sung 03 khoản tại Điều 13, 02 khoản tại Điều 14 và bỏ nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 15./.