Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” ngày 18/8 về giải pháp để Luật Phổ biến giáo dục pháp luật sớm đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thực chất.

Vướng mắc trong phổ biến giáo dục pháp luật

Trước thắc mắc của người dân về việc không rõ thời điểm áp dụng và chế tài như thế nào về quy định phạt xe không chính chủ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ rằng, đây không phải là quy định mới, vì trong Nghị định 34 năm 2010 của Chính phủ đã có quy định về “xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu đối với phương tiện là mô tô và ô tô”. Theo Nghị định 71 năm 2012 thì mức phạt tăng lên gấp 5 - 8 lần. Khi đó người dân mới chú ý.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận định rằng, đúng là “có vấn đề về phổ biến giáo dục pháp luật”.

Vào tháng 6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và có hiệu lực từ 1/1/2013. Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện nay chỉ có Việt Nam mới có Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường, thúc đẩy ý thức chấp hành pháp luật của công chức, viên chức, người dân có sự chuyển biến cơ bản.

Từ khi Luật được thông qua cho đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trong quyền hạn của mình có thể có các giải pháp đồng bộ để đưa Luật vào cuộc sống, thực thi được quyền được tiếp cận pháp luật của công dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật từ Trung ương đến cấp huyện.

Về ngân sách, do chưa ban hành được thông tư liên tịch về vấn đề này, nên Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã thống nhất và có công văn hướng dẫn các tỉnh lập kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật năm 2014, từ đó lập dự toán ngân sách cho năm 2014. Đặc biệt, những tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách Trung ương sẽ chi cho vấn đề này.

Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận của người dân về thông tin pháp luật, nhưng mặt khác, để đảm bảo quyền được thông tin về pháp luật cũng như vấn đề Nhà nước đảm bảo công dân có quyền được thông tin về pháp luật và để Luật Phổ biến giáo dục pháp luật sớm đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả thực chất, người dân phải có trách nhiệm tự tìm hiểu, nghiên cứu, học tập về thông tin pháp luật. Đặc biệt trách nhiệm của các thành viên trong gia đình như ông, bà, bố, mẹ phải giáo dục con cháu có ý thức tuân thủ pháp luật.

Ngày 9/11 là Ngày pháp luật Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, Luật cũng quy định Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật ở cấp cơ sở mới chỉ có quyết định ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, huyện.

Riêng cấp xã, dù có tới 83% xã trong cả nước trước đây đã có Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật nhưng Quốc hội thảo luận thấy rằng cấp xã là cấp thực thi pháp luật nên không tổ chức Hội đồng này, mà chỉ có sự chỉ đạo của Hội đồng từ Trung ương đến cấp huyện và cấp huyện phải có trách nhiệm hướng dẫn cho cấp xã thực hiện.

“Hội đồng trên sẽ có trách nhiệm tư vấn cho chính quyền của cấp đó chứ không có trách nhiệm là cung cấp thông tin pháp luật. Thông tin phải được đặt ở bộ phận một cửa của cấp huyện, Văn phòng UBND huyện, Phòng Tư pháp của cấp huyện, ở các tổ chức đoàn thể. Còn Hội đồng không phải là cơ quan thực hiện việc đó”, người đứng đầu ngành tư pháp nhấn mạnh.

Ngày 9/11/1946 là ngày Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên của đất nước, vì vậy, theo Bộ trưởng Cường, ngày này sẽ là ngày “Pháp luật Việt Nam” với mục đích tổ chức để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, qua đó giáo dục được ý thức thượng tôn của pháp luật của cán bộ công chức, viên chức và người dân.

“364 ngày còn lại của năm, với một Nhà nước pháp quyền thì ngày nào cũng là “ngày pháp luật”, ông nói./.