Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp đã bãi bỏ một số yêu cầu, điều kiện tại thời điểm thành lập doanh nghiệp để từng bước chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong quá trình hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp.

3 lý do cần thiết phải sửa luật

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn hơn hai năm thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các luật này bởi những lý do sau đây:

Một là, theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, Quốc hội giao Chính phủ, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 7 của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Do vậy, việc tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp.

Hai là, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nhau nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các Luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Thực tế cho thấy, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường và một số luật chuyên ngành khác…cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau, nhưng chưa có sự phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật nêu trên.

Ba là, mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng một số quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp còn thiếu cụ thể, chưa thật sự bảo đảm tính khả thi, cụ thể là:

- Luật Đầu tư chưa quy định cụ thể về khái niệm, mục đích, giá trị pháp lý, phạm vi áp dụng của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với từng hình thức đầu tư và nguồn vốn sử dụng, đồng thời chưa phân định rõ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tương ứng của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Luật cũng chưa có quy định hợp lý về phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

- Quy định của Luật Đầu tư về hình thức đầu tư, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và thủ tục triển khai dự án đầu tư (như điều chỉnh, tạm ngừng, giãn tiến độ, chấm dứt dự án đầu tư…) còn một số nội dung thiếu cụ thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong quá trình thực hiện.

- Luật Đầu tư chưa làm rõ mục đích, giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; hình thức đầu tư ra nước ngoài chưa thật sự phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam; hồ sơ, trình tự quyết định đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước chưa được quy định thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

- Quy định của Luật Doanh nghiệp về việc áp dụng luật chuyên ngành liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp dẫn đến phân tán đầu mối đăng ký thành lập doanh nghiệp, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi có yêu cầu thay đổi hoạt động kinh doanh.

Một số nội dung chính dự kiến được sửa đổi tại Dự thảo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp

Tại Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8/6/2018, Quốc hội đã bổ sung Dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019. Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 28/6/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức xây dựng Dự án Luật theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Luật đã được thiết kế phù hợp với chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 138/NQ-CP về phiên họp thường kỳ tháng 12/2017.

Trong quá trình soạn thảo Luật này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành tổng kết 04 năm thi hành Luật nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp hoàn thiện; tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đồng thời có văn bản lấy ý kiến các Bộ, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý KCN cấp tỉnh, VCCI, hiệp hội doanh nghiệp về Dự thảo Luật. Theo đó, nội dung sửa đổi cụ thể như sau:

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư:

Ngoài Phụ lục sửa đổi, bổ sung một số ngành, nghề trong Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Luật này sửa đổi 24 điều, bổ sung 01 điều, bãi bỏ 1 khoản, 2 điểm của Luật Đầu tư 2014, gồm:

1.1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 để làm rõ nội hàm của các khái niệm: “đầu tư kinh doanh”, "kinh doanh", “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, “điều kiện đầu tư kinh doanh”, “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “chấp thuận chủ trương đầu tư”.

1.2. Bổ sung khái niệm "chấp thuận chủ trương đầu tư" tại Khoản 15a Điều 3 để làm rõ mục đích, bản chất của việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện dự án, đồng thời sửa đổi khái niệm tương ứng tại các điều khoản có liên quan. Theo đó, chấp thuận chủ trương đầu tư là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ và các điều kiện khác nhằm bảo đảm việc thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

1.3. Bổ sung khái niệm “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với tiêu chí xác định công ty mẹ con quy định tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế thuộc một trong các trường hợp: (i) Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đó; (ii) Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế đó; (iii) Nhà đầu tư nước ngoài có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức kinh tế đó. Trên cơ sở đó, Điều 23 cũng được sửa đổi tương ứng.

1.4. Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 13 theo hướng bổ sung nguyên tắc không hồi tố về điều kiện đầu tư trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi làm ảnh hưởng bất lợi đến điều kiện đầu tư đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm để Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết trong WTO về việc không hồi tố các điều kiện đầu tư (phạm vi hoạt động, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài).

1.5. Sửa đổi, bổ sung các Điều 15, 16 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật đầu tư, pháp luật về thuế và pháp luật giáo dục về ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Theo đó, Khoản 4 Điều 15 được sửa đổi để loại bỏ dự án nhà ở thương mại ra khỏi đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư; Điểm i Khoản 1 Điều 16 được sửa đổi để bổ sung giáo dục đại học vào Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

1.6. Sửa đổi các Điều 24, 25 và 26 theo hướng:

- Bổ sung quy định để yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ĐTNN, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN khi góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;

- Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp;

- Làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân cũng như doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

1.7. Bổ sung Điều 26b để làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, gồm: (i) đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai; (ii) đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu; (iii) chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.

1.8. Sửa đổi, bổ sung Điều 31 theo hướng:

- Áp dụng thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở và đô thị để tránh trùng lặp về thẩm quyền, thủ tục quyết định/chấp thuận đầu tư dự án nhà ở, đô thị theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở, đô thị.

- Loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư, bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ trở lên, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài;

- Bổ sung quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;

1.9. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 theo hướng:

- Bổ sung dự án của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển vào diện chấp thuận chủ trương đầu tư để thống nhất với Luật Đất đai.

- Phân cấp cho UBND cấp huyện chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án do hộ gia đình, cá nhân thực hiện để thống nhất với thẩm quyền quản lý đất đai của UBND cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai.

1.10. Sửa đổi khoản 8 Điều 33 về nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh để thống nhất với khái niệm chấp thuận chủ trương đầu tư được bổ sung tại Khoản 15a Điều 3 Luật này.

1.11. Sửa đổi các Điều 34 và 35 theo hướng quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan trực tiếp tiếp nhận, tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội để đơn giản hóa thủ tục, xóa bỏ sự trùng lặp về quy trình thẩm định chủ trương đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan đăng ký đầu tư.

1.12. Sửa đổi khoản 1 Điều 42 theo hướng bổ sung biện pháp bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhằm tháo gỡ khó khăn, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

1.13. Sửa đổi Điểm đ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 52 để quy định các hình thức đầu tư ra nước ngoài khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này nhằm bổ sung các hình thức đầu tư ra nước ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.

1.14. Sửa đổi Khoản 4 Điều 59 để thay cơ chế thẩm định bằng cơ chế đăng ký đầu tư ra nước ngoài (giao Chính phủ quy định chi tiết) nhằm phản ánh đúng mục đích, bản chất của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cũng như cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

1.16. Bãi bỏ khoản 4 Điều 58, điểm c khoản 2 Điều 59 và điểm d khoản 2 Điều 61 để bảo đảm thống nhất về quy trình, thủ tục quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

1.17. Sửa đổi Khoản 2 Điều 71 để bãi bỏ chế độ báo cáo tháng.

1.18. Bổ sung quy định cho phép sử dụng số định danh các nhân thay cho thành phần hồ sơ là “Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân”.

1.19. Sửa đổi Phụ lục 4 Luật Đầu tư theo hướng:

- Bãi bỏ 26 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không phù hợp với mục đích quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư.

- Sửa đổi ngành, nghề “Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán” thành “Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng”.

- Bổ sung 03 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để thống nhất với Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và Luật Báo chí, bao gồm: (i) tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp; (ii) đăng kiểm tàu cá; (iii) kinh doanh sản phẩm báo chí.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp:

Luật này sửa đổi 19 điều, bãi bỏ 01 điều và 7 khoản của Luật Doanh nghiệp; cụ thể là:

2.1. Sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó.

2.2. Bãi bỏ Bãi bỏ Điều 12, khoản 1 Điều 34, khoản 2 và khoản 5 Điều 44, khoản 4 Điều 46, khoản 2 Điều 65, điểm c khoản 3 Điều 139 để bãi bỏ:

- Yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng;

- Chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp;

- Chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới;

- Yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh;

- Mẫu văn bản ủy quyền.

2.3. Sửa đổi khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (Khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đồng thời thay thế thuật ngữ “doanh nghiệp nhà nước” bằng thuật ngữ “doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ” quy định tại các Điều 88, 89 Chương IV Luật Doanh nghiệp.

2.4. Sửa đổi Điều 36 theo hướng quy định thống nhất quy định về tài khoản với pháp luật về ngoại hối.

2.5. Sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức, hoạt động, quản trị doanh nghiệp (khoản 2 Điều 13, khoản 4 Điều 78, khoản 2 Điều 90, khoản 1 Điều 105, khoản 2 Điều 114, điểm b khoản 1 Điều 134, khoản 2 Điều 163) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị của các doanh nghiệp.

2.6. Bãi bỏ các yêu cầu về thời gian sở hữu cổ phần khi thực hiện quyền của cổ đông (Khoản 4 Điều 149, khoản 1 Điều 161).

2.7. Sửa đổi khoản 1 Điều 192 và khoản 2 Điều 193 theo hướng cho phép doanh nghiệp linh hoạt trong việc chia, tách doanh nghiệp theo quyết định của doanh nghiệp thay cho việc giới hạn trong các phương thức cụ thể như hiện nay./.