Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, chuẩn bị báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan trong việc thu thập thông tin, dữ liệu, trao đổi với Ngân hàng Thế giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Báo cáo môi trường kinh doanh 2020; làm việc với Bộ Tài chính để xác định cơ quan chủ trì theo dõi về chỉ số mua sắm công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trong quá trình đánh giá các hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm tính bền vững của những cải cách này tại Việt Nam; tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách mạnh mẽ các chỉ số môi trường kinh doanh trong những năm tiếp theo.

Văn phòng Chính phủ đôn đốc thực hiện kịp thời, đầy đủ Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; kiểm tra việc chuẩn bị chu đáo báo cáo về môi trường kinh doanh 2020 do Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Báo cáo môi trường kinh doanh Doing Business 2019 do nhóm Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam tụt 1 bậc trong Doing Business 2019 dù điểm số có cao hơn năm trước. Cụ thể, điểm tổng của Việt Nam có tăng từ 66,77 lên 68,36. Tuy vậy Việt Nam vẫn tụt 1 bậc từ thứ hạng 68/190 nền kinh tế xuống 69/190 nền kinh tế trong bảng xếp hạng về Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh của WB.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau các nước Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan.

Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Những bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 19 cũng là những bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì được thứ hạng cao hoặc có bước cải thiện mạnh về thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố); Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index (do Bộ Nội vụ công bố);...

Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, các quốc gia, nền kinh tế đều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, sáng tạo nhằm thích ứng với nền sản xuất mới. Mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn trước rất nhiều. Trong nước, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội song cũng đòi hỏi các cơ quan công quyền phải đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện thông thoáng nhất để mọi người dân đều đóng góp công sức, của cải phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu cho mình, cho đất nước.

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 tiếp nối các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4./.