Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ Tư pháp

Số văn bản “nợ đọng” giảm so với cùng kỳ 2018

So với cùng kỳ năm 2018, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tiếp tục giảm ở hầu hết các cấp, đặc biệt giảm mạnh ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 348 văn bản quy phạm pháp luật (giảm 22,5% so với cùng kỳ 2018); các địa phương ban hành 1.293 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh (tăng 1,7%), 391 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện (giảm 57,6%) và 1.758 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã (giảm 69%).

Bộ Tư pháp cũng nhận định rằng, chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng, nâng cao.

Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp đã tổ chức thẩm định 171 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Toàn Ngành đã thẩm định 2.853 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (giảm hơn 19% so với cùng kỳ 2018), trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 105 dự thảo; Tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 300 dự thảo và 2.448 dự thảo do các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định.

Đối với công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 6.454 văn bản quy phạm pháp luật (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018); qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền (giảm 40,5%); có 66/122 văn bản đã được xử lý.

Trong đó, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.226 văn bản (gồm 170 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1.056 văn bản của địa phương); phát hiện 70 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền (gồm 07 văn bản của các bộ, 63 văn bản của địa phương) và 12 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng có chứa quy phạm pháp luật (01 văn bản cấp bộ và 11 văn bản của địa phương). Bộ đã tập trung mạnh vào việc xử lý các văn bản trái pháp luật; đến nay, có 29/82 văn bản đã được xử lý.

Sáu tháng đầu năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 31 văn bản (25 nghị định, 06 thông tư) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh; số lượng văn bản “nợ đọng” còn 07 văn bản, giảm 04 văn bản so với cùng kỳ 2018.

Trong xây dựng pháp luật, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng một số Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ vẫn để xảy ra tình trạng xin lùi, rút hoặc bổ sung dự án vào Chương trình; gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định. Có dự án không chuẩn bị kịp hồ sơ trình nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định rút ra khỏi Chương trình phiên họp.

Tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của các bộ, ngành đã kéo dài nhiều năm, nhưng chưa được khắc phục hiệu quả (sáu tháng đầu năm còn “nợ” 07 văn bản).

Việc rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định xử phạt vi phạm hành chính chưa kịp thời. Việc xử lý văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền vẫn còn chậm.

Xóa bỏ quy hoạch công chứng không có nghĩa là buông lỏng quản lý

Trong bối cảnh sửa đổi, bổ sung 11 luật liên quan đến Luật Quy hoạch, thì vấn đề quy hoạch công chứng là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại Hội nghị sơ kết tư pháp 6 tháng đầu năm 2019.

Khẳng định bỏ quy hoạch công chứng không có nghĩa là buông lỏng quản lý, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, đối với việc địa phương đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu ban hành chính sách phát triển ngành công chứng, tới đây, có thể trình ban hành Nghị quyết phát triển công chứng theo hướng đảm bảo chất lượng, tránh tràn lan.

“Đây là dịch vụ công của nhà nước, không phải doanh nghiệp đơn thuần. Chúng ta không cấm thành lập, nhưng muốn thành lập phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn về điều kiện đồng thời sẽ có các biện pháp để kiểm soát sai phạm trong lĩnh vực công chứng như tăng các hình phạt bổ sung, tăng mức phạt tiền, tước thẻ hành nghề… ”.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long đặc biệt lưu ý đến vấn đề đảm bảo quản lý nhà nước về công chứng. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động này để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các Văn phòng công chứng thành lập ồ ạt.
Nhắc đến lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch có yếu tố nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn có những trường hợp tại địa phương chưa phân định rạch ròi thuộc quản lý nhà nước của bộ, ngành nào. Do vậy các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này và có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho ý kiến chỉ đạo đối với các lĩnh vực công tác khác của Bộ, như: lý lịch tư pháp; quản lý, xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự…

Bộ trưởng Tư pháp yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, nhất là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng xếp hạng chỉ số “Chi phí tuân thủ pháp luật” (Chỉ số B1).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, ngành Thi hành án dân sự cần thực hiện các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao./.