Không nên biến thuế TNDN thành thuế buôn chuyến

Khoản 3 Điều 7 được dự kiến sửa đổi như sau: " Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế; thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế”.

Sửa đổi nêu trên được coi là một "tiến bộ". Bởi, Luật Thuế TNDN hiện hành không cho phép bù trừ phần lỗ, lãi giữa hoạt động kinh doanh bất động sản với các hoạt động kinh doanh khác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và chủ doanh nghiệp cho rằng, sự phân biệt giữa kinh doanh bất động sản với hoạt động kinh doanh khác trong một doanh nghiệp là không có cơ sở pháp lý. Bởi, đối tượng chịu thuế TNDN là doanh nghiệp với toàn bộ hoạt động kinh doanh trong một năm tài chính. Vì vậy, sự phân biệt giữa kinh doanh bất động sản với các hoạt động kinh doanh khác là đã biến thuế TNDN thành thuế buôn chuyến đánh vào từng hành vi kinh doanh. Hơn nữa, trong hoạt động, các doanh nghiệp thường kinh doanh trong nhiều ngành nghề để lấy lãi của hoạt động này bù cho lỗ của hoạt động kia. Đó là điều bình thường và pháp luật không cấm. Mặt khác, thị trường bất động sản rất "đỏng đảnh", lên, xuống thất thường. Và, vì vậy, Luật không thể chạy theo sự "đỏng đảnh" của thị trường này.

Không nên giới hạn về chi phí quảng cáo, tiếp thị

Luật Thuế TNDN luôn có quy định khống chế tỷ lệ tối đa của các khoản chi phí khuyến mại, quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán (gọi chung là chi phí quảng cáo). Tỷ lệ này được quy định là 7% (Luật năm 1997) và được nâng lên 10% (Luật năm 2003) tổng số chi phí hợp lý, hợp lệ (với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại không bao gồm giá vốn hàng bán). Luật thuế TNDN năm 2008 đã "cởi mở" hơn với quy định doanh nghiệp mới thành lập, trong ba năm đầu tỷ lệ khống chế nêu trên là 15%.

Trong dự thảo Luật sửa đổi trình UBTVQH, Ban soạn thảo dự kiến sửa đổi mức khống chế không được trừ của chi phí quảng cáo vượt quá 15% tổng số chi được trừ; tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi cho quảng cáo, tiếp thị; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hoá bán ra.

Điểm mới của quy định trên là loại ra khỏi mức khống chế một số khoản chi không liên quan hoặc không được coi là chi phí quảng cáo, như: chiết khấu thanh toán, chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí... Đồng thời, áp dụng một tỷ lệ khống chế thống nhất là 15%, không có sự phân biệt cho doanh nghiệp mới thành lập như Luật Thuế TNDN năm 2008.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, những "cải tiến" nêu trên vẫn trong vòng luẩn quẩn, thể hiện một tư duy xơ cứng.

Thứ nhất, quy định một mức khống chế chung cho tất cả các doanh nghiệp ở các ngành, dù mới thành lập hay đã có thương hiệu là không hợp lý. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng đòi hỏi chi phí quảng cáo cao hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, khai khoáng... Những doanh nghiệp có nhiều đối thủ cạnh tranh cần chi phí quảng cáo lớn hơn nhiều lần so với những doanh nghiệp độc quyền; doanh nghiệp mới tham gia thị trường cần quảng cáo, xây dựng thương hiệu nhiều hơn so với những doanh nghiệp đã có thương hiệu (tính theo tỷ lệ % chi phí như quy định của Luật).

Thứ hai, đưa "chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị" vào nội dung của chi phí quảng cáo và nằm trong mức khống chế là không đúng. Bởi, rất ít (nếu không nói là tất cả) khoản chi cho tiếp tân, khánh tiết, hội nghị đều nhằm mục đích quảng cáo. Hơn nữa, "sự nhầm lẫn" nêu trên tạo kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí ở các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không cần quảng cáo, khuyến mãi.

Thực tế đã xảy ra, một doanh nghiệp sản xuất có 100% vốn nhà nước, doanh thu 100 tỷ đồng/năm, "tổng chi phí được trừ" - cơ sở để xác định chi phí quảng cáo là 80 tỷ đồng, với tỷ lệ khống chế 10%, chi phí quảng cáo là 8 tỷ đồng/năm. Trong năm, doanh nghiệp chỉ chi thực sự cho quảng cáo 2 tỷ đồng, số còn lại 6 tỷ đồng được đưa hết vào "chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị". Thế cho nên, đại hội công nhân viên chức được tổ chức linh đình, ăn tiệc thoải mái; Tổng giám đốc có mức lương 30 triệu đồng/tháng, nhưng chi tiếp khách bình quân 50 triệu đồng/tháng. Đến cuối năm, "chi phí quảng cáo" vẫn không dùng hết và doanh nghiệp vẫn có "thành tích"... tiết kiệm!

Thứ ba, căn cứ để xác định mức khống chế là "tổng số chi được trừ" là khiên cưỡng, lợi bất cập hại. Bởi, "tổng chi phí được trừ" là con số chỉ tính được khi kết thúc năm tài chính, hay nói cách khác là chỉ khi cơ quan thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế. Điều đó tạo thêm rất nhiều việc phải làm cho công chức thuế và là kẽ hở cho sự "đàm phán, ăn chia" giữa công chức thuế và doanh nghiệp.

Thứ tư, việc quy định một tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp gian lận về chứng từ, làm thất thu thuế TNDN. Đó là hiện tượng có thật. Song, đó cũng là sự yếu kém trong quản lý kinh tế của nước ta. Không thể lấy lý do trên để áp dụng một biện pháp "cấm", gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính sách tận thu về thuế TNDN với biện pháp quy định khống chế chi phí quảng cáo như trên được coi là "lợi bất cập hại". Đó là một trong những rào cản lớn nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, điều đó mặc nhiên đã đặt các doanh nghiệp trong nước vào thế "thua trên sân nhà" và yếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Từ những lý do trên, theo tôi triệt để hơn cả là bãi bỏ quy định khống chế về chi phí quảng cáo. Điều đó là phù hợp với thông lệ quốc tế. Đã đến lúc, Việt Nam không thể "một mình một chợ" trong các chính sách kinh tế, bao gồm cả chính sách về thuế TNDN.

Chưa nên phân biệt đối xử về thuế suất

Điều 10. Thuế suất dự kiến được sửa đổi như sau: “Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, trừ trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 20% và thuế suất từ 32% đến 50% quy định tại điểm 2, điểm 3 khoản này và đối tượng được ưu đãi về thuế suất quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 1 của Luật này. Doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Số lao động và doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% tại khoản này là số lao động và doanh thu bình quân của 02 năm trước liền kề và được áp dụng ổn định chô mỗi giai đoạn 02 năm, kể từ năm áp dụng...”.

Về nội dung sửa đổi nêu trên, hiện nay nhiều ý kiến chưa tán thành với hai nội dung:

Một là, chưa nên có sự phân biệt về thuế suất thuế TNDN theo quy mô doanh nghiệp. Bởi lẽ, để đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chúng ta rất cần có những doanh nghiệp có quy mô lớn, ứng dụng phương thức quản trị hiện đại. Vì vậy, phân biệt thuế suất thuế TNDN sẽ có tác động "khuyến khích ngược". Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không có động lực để lớn hơn lên, thậm chí sẽ xảy ra tình trạng chia, tách doanh nghiệp từ quy mô lớn thành nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở các nước phát triển, tác động ngược đó không (hoặc rất ít) xảy ra bởi các doanh nghiệp có quy mô lớn đã thực sự lớn, là những tập đoàn đa quốc gia. Việc chia nhỏ doanh nghiệp để được hưởng thuế suất ưu đãi là điều không dễ thực hiện. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phần lớn là doanh nghiệp gia đình, việc chia, tách đúng luật hoàn toàn có thể xảy ra. Và, đó là điều nền kinh tế không mong đợi. Hơn nữa, cho đến nay, tiêu chí để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta chưa có sự thống nhất. Do đó, nếu có sự phân biệt về thuế suất như dự thảo Luật, sẽ không tránh khỏi sự vận dụng tuỳ tiện nhằm lách luật. Đồng thời, việc xác định mức thuế suất áp dụng cho từng doanh nghiệp theo mỗi giai đoạn 02 năm phá vỡ tính thống nhất của chính sách thuế, tạo thêm thủ tục hành chính và tạo kẽ hở cho tham nhũng, thất thu thuế.

Hai là, nên thu về một mối với thuế suất 20%. Đây có thể coi là "bước đột phá" quan trọng. Với thuế suất này, các doanh nghiệp sẽ có tích luỹ cao hơn để tái đầu tư. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ trở thành doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp lớn sẽ lớn hơn. Và, trong tương lai, Việt Nam sẽ có những tập đoàn kinh tế thuộc khu vực tư nhân sánh ngang với những tập đoàn lớn như Samsung, IBM, Toyota, Honda... ở các nước phát triển. Với thuế suất thấp hơn, số doanh nghiệp thành lập sẽ nhiều hơn và thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu thuế, số thu ngân sách từ thuế TNDN chắc chắn sẽ tăng lên. Thực tế của những lần điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNDN đã chứng minh điều đó. Đồng thời, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp những khó khăn rất lớn như hiện nay, điều đó lại càng có ý nghĩa quan trọng, phục hồi niềm tin kinh doanh cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Còn trường hợp thật rất đặc thù, tùy thuộc vào ngành nghề cụ thể, địa bàn khó khăn cần khuyến khích doanh nghiệp... Ví dụ đối với báo chí, nhất là báo in thì có thể có chính sách ưu đãi riêng về thuế TNDN.

Cần thay đổi cơ chế miễn thuế TNDN với đầu tư mở rộng

“Khoản 4 Điều 14. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế, dự kiến bổ sung như sau: “Doanh nghiệp có dự án đầu tư phát triển, dự án đầu tư đang thực hiện thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật này nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ sản xuất được miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại. Thời gian miễn thuế, giảm thuế quy định tại khoản này bằng với thời gian miễn thuế, giảm thuế áp dụng đối với dự án đầu tư mới trên cùng địa bàn, lĩnh vực ưu đãi thuế TNDN.

Dự án đầu tư mở rộng được miễn thuế, giảm thuế quy định tại khoản này phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn đầu tư hình thành tài sản, công suất tăng thêm theo quy định của Chính phủ. Phần thu nhập tăng thêm do thực hiện dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi thuế TNDN quy định tại khoản này phải được hạch toán riêng...".

Ban soạn thảo đã "hát" bài "lối cũ ta về" vì quy định này đã có trong Luật thuế TNDN năm 2003 và bị bỏ đi trong Luật thuế TNDN năm 2008.

Khuyến khích sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư là cần thiết và hoàn toàn đúng. Song, không nên áp dụng trở lại biện pháp cũ đã được chứng minh là không khả thi vì trong thực tế, rất khó xác định được phần thu nhập tăng thêm do thực hiện đầu tư mở rộng. Các Chuẩn mực kế toán Việt Nam và Chế độ Kế toán doanh nghiệp không hề có hướng dẫn về "hạch toán riêng" chi phí và thu nhập của việc đầu tư mở rộng. Từ đó, việc kiểm tra xác định đủ điều kiện hưởng ưu đãi rất phức tạp, thiếu hành lang pháp lý và tạo kẽ hở cho tham nhũng.

Từ những phân tích trên, xin đề nghị áp dụng cơ chế hoàn thuế TNDN đối với phần lợi nhuận sử dụng để đầu tư mở rộng. Đây là biện pháp có tính khả thi cao. Bởi, việc sử dụng lợi nhuận để đầu tư mở rộng do chủ sở hữu quyết định trên cơ sở dự án được phê duyệt, và doanh nghiệp có đầy đủ chứng từ chứng minh đã sử dụng lợi nhuận sau thuế để đầu tư mở rộng. Tất nhiên, doanh nghiệp chỉ được hoàn thuế TNDN với phần lợi nhuận đã sử dụng để tái đầu tư khi công trình, hạng mục đầu tư mở rộng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng và phần thuế TNDN tương ứng với số lợi nhuận đã sử dụng để đầu tư mở rộng được trừ vào số thuế TNDN phải nộp của năm sau hoặc được hoàn lại trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Những vấn đề nêu trên đã được nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp nêu trong nhiều hội nghị, hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN. Tiếc thay, trong bản Dự thảo đã trình UBTVQH, những ý kiến tâm huyết và có cơ sở khoa học nêu trên vẫn chưa được tiếp thu. Nguyên nhân chính là ở chỗ, nếu chấp thuận những thay đổi mang tính "đột phá" như kiến nghị, theo tính toán của Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo - số thu của ngân sách nhà nước sẽ bị giảm đi khá nhiều trong năm tới. Đó là lý do đúng nhưng chỉ trong ngắn hạn.

Tại phiên thảo luận của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý Bộ Tài chính nên tính toán và cân nhắc khả năng giảm thuế TNDN về 20%. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giảm thuế sẽ khuyến khích làm ăn và doanh nghiệp sẽ đóng thuế nhiều hơn, ngân sách thu thêm được không nhỏ. “Nếu giảm thuế suất mà chỉ tính toán ngân sách mất bao nhiêu nghìn tỷ thì chưa khách quan. Cần tính xem tác động vào sản xuất kinh doanh như thế nào”. Đó là ý kiến hoàn toàn đúng với một tầm nhìn xa.

Trong hoạch định các chính sách kinh tế nói chung, xây dựng các văn bản luật nói riêng, không thể chỉ hướng tới những mục tiêu ngắn hạn, trước mắt. "Tiếc một bát, bỏ một mâm" là điều ông cha ta đã tổng kết để chỉ những trường hợp thiếu tầm nhìn xa trong cuộc sống. Trong sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN, xin đừng "...bỏ một mâm" để chỉ giữ được "một bát"!./.

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10/2013