Tỷ lệ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sử dụng công nghệ cao rất thấp

Doanh nghiệp và xu hướng công nghệ cao

Phát biểu tại tại Hội thảo “Các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ cao” do KorCham phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, trong số các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam hiện nay, chỉ có 5-6% sử dụng công nghệ tiên tiến, 80% sử dụng công nghệ trung bình còn lại là lạc hậu. Vì thế, mặc dù doanh nghiệp FDI đóng vai trò lớn về xuất khẩu, nhưng giá trị mang lại chưa cao. Phần lớn doanh nghiệp FDI nhập nguyên liệu từ nước ngoài, chỉ 20% nhập từ trong nước, đặc biệt đại đa số doanh nghiệp FDI không đầu tư vào hoạt động R&D.

Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển quan trọng, rõ ràng các chính sách để phát triển công nghệ là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu đề ra và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, trong 25 năm thu hút FDI, hàm lượng công nghệ thu được của Việt Nam không đáng kể. Theo nghiên cứu của TS. Bùi Trinh, chiến lược thu hút công nghệ của khu vực kinh tế có vốn FDI cho nền kinh tế chưa phát huy tác dụng.

Điều này được thể hiện qua yếu tố TFP. Trong giai đoạn 2000-2006, TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế 11,6%, trong đó khu vực kinh tế nhà nước đóng góp 4,5%; kinh tế ngoài nhà nước: 5,4% và kinh tế có vốn FDI chỉ đạt 1,7%.

Đến giai đoạn 2007-2012, yếu tố này chỉ đóng góp vào tăng trưởng 6,4%. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước đóng góp 2,2%, ngoài nhà nước: 3,0% và kinh tế có vốn FDI: 1,2%.

Còn kết quả một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho biết, chưa có bằng chứng đủ thuyết phục cho thấy đã diễn ra quá trình chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI cho các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đặt ra hai khả năng: Các doanh nghiệp FDI không muốn chuyển giao công nghệ, hoặc các doanh nghiệp Việt Nam không muốn hoặc không đủ năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ.

Một điều tra của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EximBank), đa số nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tập trung vào khai thác nguồn lao động rẻ của Việt Nam (chiếm 65,3%), phát triển thị trường mới (61,1%) và xuất khẩu sang nước thứ ba (28,4%).

Tuy nhiên, với việc lợi thế cạnh tranh bằng nhân công, nguồn nguyên liệu giá rẻ đang ngày càng ít đi, các doanh nghiệp sẽ không còn sự lựa chọn nào khác là phải đầu tư nhiều hơn cho công nghệ nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hấp dẫn công nghệ cao bằng chính sách

Thực tế, đối với lĩnh vực phát triển công nghệ cao, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển.

Theo Luật Công nghệ cao năm 2009, các doanh nghiệp được chứng nhận công nghệ cao đều được hưởng những ưu đãi về thuế, phí, thậm chí được hưởng mức ưu đãi cao nhất.

Cụ thể: doanh nghiệp công nghệ cao sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi là 10% trong vòng 15 năm, trong đó 4 năm đầu được miễn thuế (0%) và 9 năm tiếp theo được giảm 50% (còn 5%). Nhà đầu tư còn được miễn thuế nhập khẩu cho máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dụng nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên vật liệu xây dựng tài sản cố định trong nước chưa sản xuất được… So với doanh nghiệp chế xuất (với thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 20% trong vòng 15 năm, trong đó có 2 năm đầu được miễn thuế và 4 năm tiếp theo được giảm 50% (còn 10%)…;

Đây là những hành động cụ thể thúc đẩy đầu tư công nghệ cao của Việt Nam.

Việt Nam cần cẩn trọng khi áp dụng chính sách giấy chứng nhận

Lưu ý về điều này, Đại sứ Ha đề nghị thận trọng khi điều hành chế độ chứng nhận công nghệ cao để nó không trở thành gánh nặng, cản trở với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.

Thực tế, ngay sau khi Luật Công nghệ cao có hiệu lực (1/7/2009), đã có không ít ý kiến phản hồi về việc các tiêu chí công nghệ cao được xây dựng quá cao và chưa phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Vấn đề không chỉ nằm ở danh mục các sản phẩm công nghệ cao, mà còn ở quy định doanh nghiệp phải có tổng chi bình quân cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hàng năm phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu; có số lao động có bằng đại học trở lên trực tiếp tham gia thực hiện R&D phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động của dự án.

Các quy định này được cho là quá cao, khiến ngay cả các tập đoàn hàng đầu thế giới, như Samsung, Nokia… cũng khó với tới, đang cản trở Việt Nam thu hút đầu tư vào CNC, mặc dù đây là lĩnh vực đang được khuyến khích đầu tư.

“Quy định chi 1% doanh thu cho R&D là quá cao. 5% tổng số lao động phải tham gia R&D cũng như vậy”, ông Kim Yong Seok, Giám đốc Kế hoạch Samsung Complex bình luận và cho biết, thời gian qua, Samsung cũng đã đề nghị Chính phủ cho phép công ty này tính toán lại và điều chỉnh một cách hợp lý hơn các tỷ lệ này.

Nhìn nhận nhiều vấn đề còn hạn chế trong Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, các tiêu chí đánh giá thế nào là sản phẩm công nghệ cao không rõ ràng, còn rất nhiều điểm cần làm rõ, cũng như điều chỉnh để phù hợp hơn với điều kiện phát triển của Việt Nam.

“Chúng tôi đã đề nghị và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã chấp nhận sẽ xem xét, sửa đổi trong thời gian tới đây, khi hàng loạt cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư sẽ được sửa đổi nhằm cải cách môi trường đầu tư của Việt Nam, theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Vinh cho biết.

Tuy vậy, cái khó hiện nay là các tiêu chí này lại được quy định trong Luật Công nghệ cao, và luật này, nhiều khả năng phải tới năm 2014 mới được sửa đổi. “Đó là vướng mắc rất lớn. Rất nhiều quy định đang gây cản trở hoạt động đầu tư, cần phải sửa đổi ngay, nhưng lại ‘vướng’ luật ở bên trên, mà luật, thì chưa thể sửa đổi ngay được”, Bộ trưởng Vinh nói và cho biết, cũng chính vì điều này, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất xây dựng một luật để sửa nhiều luật, nhằm đảm bảo Việt Nam có một môi trường đầu tư không kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia trong khu vực./.