Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Đang có khoảng hơn 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, Luật Doanh nghiệp là một đạo luật quan trọng và có tác động sâu rộng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong những năm vừa qua, Luật Doanh nghiệp đã liên tục được hoàn thiện, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng được yêu cầu thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp trong từng thời kỳ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, những nội dung sửa đổi của Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã khẳng định được tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp.

“Môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi và số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây đều tăng rất cao, khoảng 65% đến 70%, đạt mức cao nhất trong 20 năm qua. Cho đến nay đang có khoảng hơn 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Cùng với việc thực hiện Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa hàng ngàn các điều kiện kinh doanh, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, thiết lập cơ chế liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính... Riêng trong năm 2018 đã có gần 3.000 điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ.

Bên cạnh kết quả đạt được như vậy, nhưng thực tiễn trong hơn 4 năm qua cũng cho thấy, việc thi hành luật này đang đặt ra các yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số các quy định nhằm thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân , doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao hiệu lực quản trị và hoạt động của doanh nghiệp. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cần hỗ trợ cho khu vực hộ kinh doanh phát triển

“Theo tôi hiểu, các đại biểu đều thống nhất việc chúng ta coi hộ kinh doanh là một thành phần hết sức quan trọng trong nền kinh tế và đóng góp rất nhiều cho phát triển chung của đất nước, cần phải luật hóa. Tuy nhiên, luật hóa lên ở cấp bộ luật để chúng ta có thể định danh cũng như bảo vệ, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hộ kinh doanh”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ quan điểm.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, cần hỗ trợ cho khu vực hộ kinh doanh phát triển.

Bộ trưởng Dũng dẫn quan điểm của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi cho rằng, hộ kinh doanh về bản chất nó là một loại hình kinh doanh, thế nên là các vấn đề liên quan đến loại hình này đều phải được định danh, phải được hỗ trợ, bảo vệ hay là hỗ trợ của nhà nước và nghĩa vụ đối với Nhà nước, đối với người lao động, đối với các đối tác của mình... tất cả phải được luật hóa.

“Hộ kinh doanh này không phải là nội dung mới hoàn toàn trong Luật Doanh nghiệp, như đại biểu Trần Hoàng Ngân vừa nói, tại khoản 2 Điều 212 của Luật Doanh nghiệp chúng ta đã đề cập vấn đề hộ kinh doanh rồi. Đã nói là 10 lao động phải đăng ký theo doanh nghiệp, nếu nhỏ hơn phải đăng ký theo quy định của Chính phủ”, Bộ trưởng tiếp tục giải trình.

Trên cơ sở Điều 212 này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78 để hướng dẫn 1 chương về các vấn đề liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh. “Do vậy, chúng tôi cho rằng, tất cả những nội dung của Nghị định 78 đến nay qua thực tế đã kiểm nghiệm thấy rằng, đã ổn định và đã phù hợp, đã đến lúc chín muồi để chúng ta luật hóa, chuyển nó sang ở cấp luật cao hơn, đấy cũng là phù hợp với chủ trương của Quốc hội khi chúng ta xây dựng được một nhà nước pháp quyền”, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.

Giải trình các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo luật được soạn thảo như thế nào, bộ trưởng Dũng cho biết, nguyên tắc là tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, nhằm bảo đảm sự đa dạng hóa các hình thức kinh doanh và trao thêm quyền cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp và nguyên tắc là không ép buộc các hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp.

“Đấy là nguyên tắc hết sức cơ bản và cũng không xóa bỏ các hình thức hộ kinh doanh, bổ sung quy định về hộ kinh doanh là nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh, bảo đảm rằng các nguồn lực đầu tư dưới mọi hình thức là hộ kinh doanh hay doanh nghiệp đều có thể phát huy hết các tiềm năng, lợi ích và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh, do vậy theo quy định của Hiến pháp những hạn chế quyền của con người và công dân thì đều được quy định của Luật, cho nên những vấn đề đó để ở nghị định thì không được coi là phù hợp với quy định trong Hiến pháp.

“Tất cả những vấn đề liên quan đến quyền và sự hạn chế của công dân và con người thì phải được quy định ở luật. Chúng ta muốn bổ sung hay muốn hạn chế vấn đề gì của hộ kinh doanh thì cũng phải thể hiện ở luật, chứ không ở các nghị định được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo rõ hơn, Bộ trưởng khẳng định, đây cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các hộ kinh doanh, đảm bảo đăng ký sử dụng hơn 10 lao động có thể mở các chi nhánh văn phòng ở ngoài địa điểm đăng ký kinh doanh của mình hoặc được hoạt động kinh doanh ngoài địa điểm đăng ký hộ kinh doanh.

“Các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo luật thì được soạn thảo trên cơ sở là hoàn thiện các quy định của Nghị định 78 và theo hướng là khắc phục những bất cập đối với hộ kinh doanh, bao gồm quy định rõ ràng hơn về địa vị pháp lý, trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, bãi bỏ các hạn chế như là chỉ được sử dụng dưới 10 lao động và giới hạn phạm vi kinh doanh trong quận, huyện đã đăng ký”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đánh giá tác động của việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh và nhận thấy, việc bổ sung quy định này thì không phát sinh các tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh, không tạo thêm thủ tục hành chính, không tạo thêm gánh nặng về chi phí cho các hộ.

“Theo quy định của dự thảo luật là các hộ kinh doanh đang hoạt động thì không phải đăng ký lại hoặc cũng không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động mà đã được cấp”, Bộ trưởng báo cáo thêm.

DNNN: Vì sao lại lựa chọn tiêu chí sở hữu trên 50%

Về tiêu chí doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Dũng báo cáo, trong quá trình soạn thảo luật, đã nhiều phương án khác nhau để xác định tiêu chí doanh nghiệp có cổ phần.

“Phần vốn góp chi phối của Nhà nước đã được Ban soạn thảo phân tích, đánh giá tác động và so sánh cũng như tham vấn, bao gồm 3 phương án: Một là trên 35%; Hai là trên 50%; Ba là trên 65%. So sánh lợi ích và tác động của 3 phương án nêu trên thì phương án 2, tức là phương án sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì được đánh giá là hợp lý nhất”, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.

Thứ nhất, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn góp hoặc cổ phần có quyền biểu quyết sẽ đảm bảo nhà nước chủ động trong việc ban hành đa số các quyết định thông thường của doanh nghiệp.

Đối với quyết định quan trọng thì tỷ lệ sở hữu này cũng vẫn đảm bảo được quyền chi phối quyết định quan trọng khác của doanh nghiệp.

Nói cách khác, thông qua các quyết định quan trọng luôn đòi hỏi phải có sự đồng ý của phía nhà nước.

Ngoài ra, phương án này có mặt tích cực hơn so với các phương án khác là tính tương thích của hệ thống quy định pháp luật hiện hành, bởi vì các quy định về giám sát, quản lý doanh nghiệp có phần vốn nhà nước đã và đang phân loại, tiếp cận đối với doanh nghiệp có phần vốn của nhà nước theo các tiêu chí tương tự như dưới 50%, trên 50% và 100%.

“Hiện nay, cũng đang sử dụng các tiêu chí này rồi. Đồng thời, tỷ lệ 50% cũng phù hợp với cách phân loại doanh nghiệp nhà nước theo các hiệp định thương mại, đầu tư mà nước ta đã tham gia. Ví dụ, Hiệp định CPTPP, FTA”, Bộ trưởng dẫn lý do.

Không bãi bỏ hoàn toàn việc sử dụng con dấu

Theo Bộ trưởng Dũng, Dự thảo Luật chỉ bãi bỏ quy định về thủ tục thông báo mẫu dấu cho các cơ quan đăng ký kinh doanh.

“Sửa đổi này không phải là bãi bỏ hoàn toàn việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp, mà chỉ tiếp tục khẳng định quyền tự quyết của doanh nghiệp trong việc làm dấu và sử dụng con dấu phù hợp với tính chất kinh doanh và mong muốn của nhà đầu tư cũng như là doanh nghiệp”, Bộ trưởng cho biết.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, việc bãi bỏ các thủ tục thông báo mẫu dấu này không chỉ có ích trong việc cắt giảm chi phí không cần thiết, mà còn giúp doanh nghiệp ý thức rõ hơn trong việc sử dụng các con dấu.

“Doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm và sử dụng các công cụ tốt nhằm xác minh năng lực của đối tác đến khi ký hợp đồng, chủ động áp dụng các phương tiện về khoa học công nghệ điện tử mới nói trên để vào kinh doanh và hội nhập tốt hơn vào thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Dũng chỉ rõ.

CTCP và công ty TNHH có quyền phát hành riêng lẻ trái phiếu

Về việc phát hành riêng lẻ trái phiếu và các công ty phải phát hành này không phải là đại chúng, Bộ trưởng cho biết, nội dung này cũng có hai nhóm ý kiến. Một là đồng tình với các nội dung của dự thảo luật. Hai là đề nghị phân tách rõ ràng giữa Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp về các nội dung này.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng cho hay, Dự thảo luật được sửa đổi nhằm quy định rõ cả khi công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền phát hành riêng lẻ trái phiếu.

Về phương thức phát hành trái phiếu, thì Luật Doanh nghiệp sẽ quy định về phát hành riêng lẻ trái phiếu của các đối tượng là các công ty trách nhiệm hữu hạn của công ty cổ phần không phải là đại chúng và Luật Chứng khoán sẽ quy định về việc phát hành ra công chúng đối với trái phiếu của công ty đại chúng và công ty niêm yết.

Dự thảo luật đã bổ sung các quy định chi tiết hơn về điều kiện, trình tự phát hành riêng lẻ trái phiếu của công ty không phải là đại chúng, đồng thời giao cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết hơn vấn đề này.

“Nội dung này Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tổng kết, đánh giá toàn diện với thực trạng về phát hành trái phiếu riêng lẻ trong thời gian qua để có thể quy định chi tiết hơn về nội dung này trong dự thảo luật trên nguyên tắc đảm bảo đảm bảo hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và bảo vệ nhà đầu tư”, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội./.