Giảm thuế suất là cần thiết

Đánh giá việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lần này, các đại biểu đều cho rằng rất cần thiết, bởi luật cũ còn quá nhiều hạn chế chưa theo kịp thực tế. PGS.TS Đinh Dũng Sỹ (Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật - Văn phòng Chính phủ) chỉ rõ, trong luật cũ không có ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng. Một số quy định về các khoản chi phí được trừ và không được trừ chưa thật sự phù hợp, chưa góp phần vào việc kiểm soát thu nhập, chi phí doanh nghiệp. Ông Sỹ nêu thêm, một số thu nhập chịu thuế mới phát sinh chưa được điều chỉnh trong luật, trong khi đó một số khoản thu nhập cần phải được miễn thuế.

Với việc sửa đổi Luật Thuế TNDN lần này, vấn đề được bàn luận nhiều nhất là mức thuế suất mà theo như nhiều đại biểu ví von là "linh hồn" của đạo luật thuế. Đa số đại biểu tham gia Hội thảo đều tán đồng với việc giảm mức thuế suất trong dự thảo lần này, bởi nó phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới và nhất là phù hợp với bối cảnh phát triển của kinh tế nước ta.

TS. Nguyễn Thị Minh Hằng (Học viện Tài chính) cho rằng, trong khi các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía nhà nước. Bởi vậy, giảm 2% thuế cũng chưa thể đáp ứng được. Bà Hằng cho rằng, một số nước trong khu vực đã có mức thuế suất thấp hơn. Do đó, chúng ta có thể xem xét giảm xuống mức 20% để Việt Nam cạnh tranh hơn trong việc thu hút đầu tư.

Đồng quan điểm này, LS Lương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty Luật Basico) nhận xét, quy định về thuế suất trong Dự thảo vẫn còn rất cao, cần phải giảm thuế suất phổ thông xuống mức 20%, thậm chí thấp hơn nữa.

Việc dự thảo đưa ra 2 mức thuế suất khi giảm thuế suất phổ thông từ 25 xuống 23%, riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ được áp dụng mức thuế suất 20% cũng gây nhiều tranh cãi. TS. Nguyễn Thị Minh Hằng cho rằng, nếu cùng lúc vừa áp dụng thuế suất 23% cùng với thuế suất 20% sẽ làm cho chính sách thuế thêm phần phức tạp.

TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung (ĐH Luật - Kinh tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) nêu quan điểm, quy định như vậy là tạo ra một sự phân biệt đối xử không cần thiết và không hẳn sẽ tạo ra chuyển biến tích cực cho nền kinh tế như kỳ vọng. Theo bà Nhung, việc phân biệt như vậy vô hình chung đã khuyến khích việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra một nền kinh tế nhỏ lẻ, sức cạnh tranh kém. "Để hưởng lợi chính sách, doanh nghiệp sẽ chia tách ra thành nhiều doanh nghiệp với quy mô vốn nhỏ, số lượng lao động ít, hoạt động manh mún không tập trung. Do vậy khó mà cạnh tranh được với các tập đoàn lớn trên thế giới, nơi đòi hỏi phương thức quản trị hiện đại, nguồn lực dồi dào", bà Nhung nói.

Thuế suất cao không hẳn sẽ thu được nhiều

LS. Lương Thanh Đức cho rằng, đánh thuế nặng sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng trốn thuế, nhất là với khả năng quản lý còn khá yếu kém hiện nay, như vậy chúng ta không thu được gì. Nếu Nhà nước giảm thuế suất, thì doanh nghiệp sẽ hạch toán thu nhập trung thực hơn.

Thuế suất giảm, có khi chúng ta lại thu được nhiều hơn. Ông Bành Quốc Tuấn (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.HCM) nêu quan điểm, việc giảm thuế suất sẽ không làm giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp thu được. Bởi việc giảm thuế sẽ thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp trong nước thành lập mới và doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích các doanh nghiệp đang kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, tăng thêm doanh thu và thu nhập cho nên diện nộp thuế và số thuế đều có cơ hội tăng lên cao hơn.

Việc giảm mức thuế suất cũng trực tiếp góp phần làm cho công tác thu nộp thuế trở nên dễ chịu hơn, số vi phạm và số thuế gian lận, nợ đọng cũng vì thế mà có xu hướng giảm bớt, dẫn đến số thu thuế vào ngân sách nhà nước có điều kiện tăng cao hơn, ông Tuấn dự báo.

Mặc dù hầu hết ý kiến đều cho rằng cần giảm thuế suất, tuy nhiên lộ trình giảm cũng phải cân nhắc kỹ. Ông Nguyễn Văn Phụng (Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính) cho rằng, trước mắt chỉ cần giảm thuế suất xuống 23%. Cùng lúc, Chính phủ nên mạnh dạn đề xuất với Quốc hội quy định rõ lộ trình áp dụng thuế suất phổ thông 20% từ năm 2016. Đồng thời, giữ nguyên các mức thuế suất ưu đãi là 20% và 10% tùy theo lĩnh vực, địa bàn. Đây là phương án hợp lý để cân đối được giữa nhu cầu ngắn hạn với mục tiêu trung và dài hạn mà vẫn tạo thêm động lực đầu tư.

PGS, TS Đinh Dũng Sỹ cũng ủng hộ phương án chỉ giảm 2% và công bố lộ trình giảm tiếp vào năm 2016. Theo ông Sỹ, chúng ta cần thận trọng, hết sức cân nhắc các tác động tới ngân sách quốc gia nếu giảm thuế xuống còn 20% ngay lập tức. Bởi vì, ưu điểm là tăng mức độ hấp dẫn thu hút đầu tư, nhưng phương án này có tác động quá lớn tới thu ngân sách 2 năm tới.

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 tới./.