Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định là tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050 trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Cơ cấu tổ chức của Hội đồng thẩm định gồm: Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng và cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Thành viên Hội đồng thẩm định là Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và một số chuyên gia về quy hoạch. Chủ tịch Hội đồng quyết định việc lựa chọn các chuyên gia về quy hoạch tham gia Hội đồng thẩm định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định được sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoạt động.

Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ thông qua.

Theo Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia tích hợp những hợp phần quy hoạch từ ngành, lĩnh vực và lãnh thổ. Để bảo đảm tính khả thi về nguồn lực, thời gian, tuân thủ đúng luật định, phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam và khả năng tích hợp, cần phải lựa chọn số lượng và tên các hợp phần phù hợp.

Trong Dự thảo Dự thảo Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, các hợp phần của Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ gồm: Không gian biển quốc gia, sử dụng đất quốc gia; các lãnh thổ trọng điểm, đặc biệt có vai trò quan trọng, có đóng góp lớn vào tổng thể phát triển của quốc gia (tích hợp theo chiều ngang); một số ngành quan trọng, cốt yếu là đối tượng trực tiếp của Quy hoạch tổng thể quốc gia (theo Điều 22 Luật Quy hoạch) (tích hợp theo chiều dọc).

Theo đó, 17 bộ, ngành sẽ được giao nhiệm vụ tổ chức lập hợp phần Quy hoạch tổng thể quốc gia. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lập 2 hợp phần; Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập 8 hợp phần; Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập 2 hợp phần; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lập 3 hợp phần; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập 4 hợp phần…

Theo Kế hoạch Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt, thời hạn lập Quy hoạch tổng thể quốc gia tính từ khi ban hành Nghị quyết quyết định nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia cho đến khi công bố Quy hoạch, dự kiến là 25 tháng, từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2022./.