Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai

Sẽ cố gắng tối đa để sớm ban hành chính sách

Liên quan đến việc giảm lệ phí trước bạ 50% theo Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5 của Chính phủ, với ý kiến là việc xây dựng để ban hành nghị định này mất khoảng 2 tháng và liệu có chậm không và trong trường hợp chậm thì như thế nào, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong Nghị quyết 84 cũng đã cho phép các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Nghị quyết ban hành ngày 29/5 và có nhiều nội dung các bộ, ngành phải thực hiện, trong đó có Bộ Tài chính được phân công nhiều nhiệm vụ và có nhiều văn bản phải xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi cũng đã ban hành thông báo phân công các đơn vị liên quan trong Bộ thực hiện và cho đến nay, hồ sơ chuẩn bị cho dự thảo nghị định về lệ phí trước bạ đã được chuẩn bị và đang xin ý kiến nội bộ các đơn vị trong Bộ. Theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì dự thảo này sẽ được xin ý kiến các bộ, ngành và sau khi tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ hoàn chỉnh và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Tiếp đó sẽ trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ban hành. Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa để có thể trình Chính phủ sớm nhất và ban hành được văn bản”, Thứ trưởng Mai nhấn mạnh.

Về câu hỏi liệu có hồi tố nếu các văn bản ban hành chậm không? Thứ trưởng Mai chỉ rõ, có một số văn bản chính sách cũng có thể có quy định về hối tố, ví dụ như Nghị định 20 vừa rồi đang sửa đổi, bổ sung thì cấp có thẩm quyền sẽ trên cơ sở xem xét các ý kiến để cân nhắc có hồi tố hay không?

Thứ trưởng dẫn chứng thêm trường hợp nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân, vì thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân quyết toán theo năm và tạm nộp hằng tháng hoặc hằng quý và đối với thuế thu nhập doanh nghiệp là tạm nhập hằng quý, nên hiệu lực có thể là trong năm, nhưng vẫn có thể cả năm được. Cho nên mặc dù tháng 5 vừa rồi mới thông qua nghị quyết giảm trừ gia cảnh nhưng được áp dụng cho kỳ tính thuế của năm 2020.

“Ngay như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong Nghị quyết 84 thì trong dự thảo chúng tôi đã trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, có nghĩa là kỳ họp Quốc hội này mà được thông qua, thì doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ sẽ được áp dụng cho cả kỳ tính thuế của năm 2020”, Thứ trưởng nói thêm.

Tuy nhiên, về lệ phí trước bạ, mục tiêu của việc giảm 50% lệ phí trước bạ là nhằm kích cầu tiêu dùng, cho nên, Thứ trưởng Mai cho biết, quan điểm của cơ quan soạn thảo là kích cầu tiêu dùng bắt đầu từ thời điểm này trở đi, từ thời điểm ban hành chính sách.

“Như vậy thì không nên hồi tố bởi hồi tố có nghĩa là phải trả lại tiền lệ phí trước bạ cho những người đã mua rồi, rất phức tạp, không hợp lý và cũng không có tác dụng kích cầu. Chính vì vậy, đối với nghị định lệ phí trước bạ chúng tôi đang soạn thảo, quan điểm là với mục tiêu Chính phủ đặt ra đó là kích cầu tiêu dùng đối với xe sản xuất trong nước thì sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký”, Thứ trưởng nói rõ.

Nếu giãn một số loại thuế quá 5 tháng, thì phải trình Quốc hội

Về câu hỏi Chính phủ đã có chính sách giãn một số loại thuế trong vòng 5 tháng cho doanh nghiệp. Nhưng nay nhiều doanh nghiệp đề xuất lên 12 tháng, vì 5 tháng chưa đủ phục hồi, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, nếu dài hơn 5 tháng, thì phải trình Quốc hội.

Hiện nay, Nghị định 41 gia hạn thuế với thời gian gia hạn 5 tháng và các doanh nghiệp được gia hạn dài hơn, cụ thể là 12 tháng. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, việc gia hạn thuế, phí nếu ảnh hưởng đến dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì phải trình Quốc hội.

Trường hợp gia hạn thuế không làm ảnh hưởng đến ngân sách đã được Quốc hội thông qua thì tuỳ thuộc vào thẩm quyền của Chính phủ. Chính vì vậy, các trường hợp gia hạn thuế 5 tháng theo Nghị định 41 không ảnh hưởng đến dự toán của năm 2020.

“Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định 41 thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trường hợp gia hạn dài hơn phải trình Quốc hội”, Thứ trưởng Mai cung cấp thêm thông tin.

Trước đó, ngày 8/4, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất.

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất sẽ áp dụng cho một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý được gia hạn như sau: Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020; Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 4/2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020; Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 5/2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020; Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 6/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020; Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 1/2020 chậm nhất là ngày 30/9/2020; Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 2/2020 chậm nhất là ngày 30/12/2020./.