Điều chỉnh quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH đến năm 2020

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020.

Quyết định 22/2009/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 16/2/2009 với nội dung là mở rộng vùng phủ sóng phát thanh, truyền hình trong nước và quốc tế, nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, quốc phòng an ninh của Đảng và Nhà nước; đảm bảo cung cấp cho đại đa số người dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài các dịch vụ phát thanh truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao... đồng thời phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng hiện đại, hiệu quả về tiêu chuẩn công nghệ, thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, để đáp ứng tình hình thực tế và sự thay đổi của công nghệ trong thời gian tới, Quyết định 22/2009/QĐ-TTg đã được sửa đổi, bổ sung một số quy định về mục tiêu quy hoạch, định hướng phát triển.

Cụ thể, một trong những mục tiêu của Quyết định 22/2009/QĐ-TTg là từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng trên cơ sở tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước.

Để mở rộng thu hút các nguồn lực phát tiển hạ tầng kỹ thuật, Quyết định sửa đổi đặt mục tiêu là từng bước hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng trên cơ sở tham gia của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm thu hút các nguồn lực để phát tiển hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sự quản lý thống nhất, có hiệu quả của Nhà nước.

Quyết định mới cũng sửa đổi định hướng về phát triển công nghệ và tiêu chuẩn; theo đó, sẽ xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất Việt Nam trên cơ sở áp dụng bộ tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất theo họ tiêu chuẩn châu Âu (DVB-T2) và các phiên bản tiếp theo để triển khai cho truyền hình số mặt đất tại Việt Nam.

Về dịch vụ phát sóng quảng bá, các doanh nghiệp đã có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp triển khai phủ sóng, cung cấp dịch vụ ở địa phương nào thì bắt buộc phải bố trí, sắp xếp dung lượng theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông để truyền tải các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Nhà nước.

Quyết định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2015

Điều kiện cấp GCN hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

Nghị định này quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; hồ sơ và thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, tạm thời đình chỉ hiệu lực, thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

Trong đó, Nghị định quy định điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong 2 lĩnh vực: quan trắc tại hiện trường và phân tích môi trường.

Cụ thể, tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực quan trắc tại hiện trường phải có đủ 3 điều kiện:

1- Có Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận hoạt động khoa học và công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp trong đó có hoạt động quan trắc môi trường.

2- Có đủ điều kiện về nhân lực thực hiện hoạt động quan trắc hiện trường. Cụ thể, người đứng đầu của tổ chức phải có trình độ từ đại học trở lên. Có đủ số lượng người thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường theo các thành phần môi trường và thông số quan trắc đề nghị chứng nhận.

Phải có người trực tiếp phụ trách đội quan trắc tại hiện trường có trình độ đại học trở lên với một trong các chuyên ngành về môi trường, hóa học, sinh học, lâm nghiệp, thổ nhưỡng, vật lý hạt nhân, phóng xạ, địa lý, địa chất và có tối thiểu 24 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực quan trắc môi trường.

Người thực hiện quan trắc tại hiện trường tối thiểu phải có trình độ sơ cấp tương ứng với ngạch quan trắc viên sơ cấp tài nguyên môi trường; trong đó, số người có trình độ sơ cấp chiếm không quá 30% đội ngũ người thực hiện quan trắc tại hiện trường.

3- Có đủ điều kiện về trang thiết bị, phương pháp và cơ sở vật chất thực hiện hoạt động quan trắc tại hiện trường. Cụ thể, phải có các trang thiết bị, dụng cụ và hóa chất đủ để thực hiện việc lấy mẫu, bảo quản mẫu và đo, thử nghiệm, phân tích mẫu tại hiện trường các thông số quan trắc môi trường của các thành phần môi trường đề nghị chứng nhận bảo đảm độ chính xác và theo đúng phương pháp do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định; có quy trình bảo quản, sử dụng an toàn, bảo dưỡng và kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của nhà sản xuất;..

Nghị định cũng quy định tổ chức được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực phân tích môi trường phải đáp ứng 3 điều kiện, trong đó về điều kiện nhân lực thực hiện hoạt động phân tích môi trường, người đứng đầu của tổ chức phải có trình độ từ đại học trở lên; người quản lý phòng thí nghiệm phải có trình độ đại học trở lên với một trong các chuyên ngành về hóa học, môi trường, sinh học, thổ nhưỡng, vật lý hạt nhân, phóng xạ, địa lý, địa chất và phải có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm đối với trường hợp có trình độ đại học, 3 năm kinh nghiệm đối với trường hợp có trình độ Thạc sỹ, 2 năm kinh nghiệm đối với trường hợp có trình độ Tiến sỹ trong lĩnh vực phân tích môi trường.

Nghị định có hiệu lực từ 15/2/2015..

Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai

Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai vừa được Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, dự báo tổng lượng chất thải rắn phát sinh, xác định phương thức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn; xác định các cơ sở xử lý chất thải rắn và phạm vi phục vụ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn cho lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Năm 2030, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn 90%

Năm 2020, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị 95%, nông thôn 70%; năm 2030, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị 100%, nông thôn 90%.

Với khu vực đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn,...), thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày từ nơi phát sinh tới các điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc được vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch. Thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết thôn, xã và vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn cấp huyện hoặc thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt.

Thực hiện thu gom, vận chuyển từ trạm trung chuyển của các khu, cụm công nghiệp; điểm tập kết của các làng nghề hoặc trực tiếp từ cơ sở sản xuất đến các cơ sở xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh, vùng tỉnh theo quy hoạch; chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng đến cơ sở xử lý theo quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu an toàn và vệ sinh môi trường.

Đến năm 2030, có 34 cơ sở xử lý chất thải rắn

Các địa phương cần rà soát, xây dựng giải pháp cụ thể hạn chế ảnh hưởng tới môi trường của các cơ sở xử lý chất thải rắn hiện hữu đang gây ô nhiễm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai như: Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác, chuyển đổi công nghệ, hạn chế chôn lấp hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh, thực hiện quan trắc và giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường sau khi đóng bãi chôn lấp chất thải rắn; nâng cấp, cải tạo, xử lý và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn khác nhằm bảo vệ nguồn nước trong toàn khu vực.

Quy hoạch xử lý chất thải rắn thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 bao gồm 34 cơ sở xử lý, cụ thể: 2 cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh và 32 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh, trong đó xác định 18 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước và 14 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước.

Ước tính vốn đầu tư triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn các tỉnh thuộc lựu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 khoảng 35.000 tỷ đồng.

Tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều Việt Nam - Lào

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải thông qua về nguyên tắc nội dung cơ bản của Đề án nghiên cứu chung về tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hoạt động vận tải nói chung và vận tải hàng hóa nói riêng giữa Việt Nam - Lào đã phát triển nhanh sau khi hai nước ký Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa hai nước (năm 2009) và Nghị định thư thực hiện Hiệp định (năm 2010). Tuy nhiên đến nay vận tải đường bộ và vận tải hàng hóa nói riêng còn nhiệu nội dung cần tiếp tục phối hợp, đổi mới, hiện đại hóa để đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài Hiệp định song phương hai nước, Việt Nam và Lào còn tham gia Hiệp định đa phương về tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông...

Việc xây dựng thực hiện Đề án nghiên cứu chung về tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào là cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hàng hóa liên vận, hàng hóa quá cảnh, khai thác tối ưu mạng lưới đường bộ hiện có giữa hai nước, đề ra các giải pháp thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại giữa hai nước.

Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết, mục tiêu của Đề án nhằm hạn chế xe chạy rỗng, tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều, tăng kim ngạch thương mại hai nước lên 2 tỷ USD vào năm 2015 và 5 tỷ USD vào năm 2020, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút hàng quá cảnh từ Lào sang Việt Nam để xuất đi các nước và ngược lại; cơ sở để công tác quản lý nhà nước về vận tải hàng hóa giữa hai nước tổ chức các dịch vụ công phục vụ cho hoạt động vận tải hàng hóa hai nước.

Triển khai các dự án đường cao tốc

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai các dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt và Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quyết định phương án phân kỳ đầu tư, bảo đảm đáp ứng nhu cầu giao thông và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư theo phương án tài chính của các dự án.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa (Nghi Sơn) dài 106 km, quy hoạch 6 làn xe, nền đường 32,25m, dự kiến sẽ khởi công vào nửa đầu năm 2015; dự án Thanh Hóa - Bãi Vọt dài 98,2 km, quy hoạch 4-6 làn xe, phấn đấu năm 2016 khởi công và hoàn thành vào năm 2020.

Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km, quy hoạch 6 làn xe, dự kiến khởi công trong tháng 1 này; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 24,5km, quy hoạch 6 làn xe, dự kiến sẽ khởi công vào nửa đầu năm 2015

Thành lập 3 Tổng công ty thuộc VNPT

Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập các Tổng công ty Hạ tầng mạng, Dịch vụ viễn thông và Truyền thông và sắp xếp Công ty Viễn thông quốc tế như đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), cơ cấu của VNPT sau khi tái cơ cấu có Công ty hạ tầng mạng (VNPT Net) hạch toán phụ thuộc và 2 công ty con hạch toán độc lập là Công ty TNHH MTV Dịch vụ viễn thông (VNPT Vinaphone) và Công ty TNHH MTV Truyền thông (VNPT Media).

Thực hiện Quyết định trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức 3 Công ty trên theo mô hình tổng công ty.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net) là hoạt động viễn thông có dây, không dây, vệ tinh và hoạt động viễn thông khác; sản xuất, bán buôn các sản phẩm, dịch vụ viễn thông-công nghệ thông tin trong nước và quốc tế cho VNPT-Vinaphone, VNPT-Media và các nhà khai thác khác; tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông; kinh doanh các ngành nghề khác theo sự phân công của Tập đoàn VNPT và phù hợp với quy định của pháp luật.

Tổng công ty Dịch vụ viễn thông Vinaphone (VNPT-Vinaphone) có vốn điều lệ là 5.200 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông-CNTT, truyền thông, truyền hình; dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng; kinh doanh dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, CNTT, truyền thông; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn, bán lẻ các vật tư, trang thiết bị thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, viễn thông, CNTT; đại lý bán vé máy bay và các phương tiện vận tải khác.

Mục tiêu đến năm 2020 của VNPT-Vinaphone đạt doanh thu 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49%/năm; chiếm thị phần dịch vụ di động trên 30%, dịch vụ băng rộng trên 80%.

Vốn điều lệ của Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) là 2.300 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh của VNPT-Media là tổ chức nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bán buôn các sản phẩm dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng, truyền thông, truyền hình; quản lý và thực hiện hoạt động truyền hình, cung cấp chương trình thuê bao; thực hiện các hoạt động xuất bản sách, ấn phẩm định kỳ; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chưong trình truyền hình...

Xét đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập các Tổng công ty Hạ tầng mạng, Dịch vụ viễn thông và Truyền thông; đồng thời giao Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam quyết định thành lập và phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của các tổng công ty trên theo các quy định hiện hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam trong việc các đơn vị trực thuộc của các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn có con dấu, tài khoản.

Kế hoạch giáo dục quốc phòng, an ninh 2015 – 2020

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương vừa ký Kế hoạch công tác giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2015 - 2020.

Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) từ Trung ương đến cơ sở; thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh đồng bộ, hiệu quả, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng

Để đạt được mục đích trên, Kế hoạch yêu cầu cần phải đổi mới phương pháp, có nhiều giải pháp, biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQPAN các cấp và công tác GDQPAN; sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác GDQPAN ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời, bổ sung, đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp GDQPAN cho phù hợp với từng đối tượng; đẩy mạnh đào tạo giáo viên, giảng viên GDQPAN, từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên phấn đấu đến hết năm 2016 có trên 70% và hết năm 2020 có trên 90% giáo viên, giảng viên GDQPAN được đào tạo đạt trình độ chuẩn. Quy hoạch hệ thống và quy định điều kiện thành lập trung tâm GDQPAN trên phạm vi cả nước, phấn đấu đến hết năm 2018 có 60% đến 70% sinh viên học tập tập trung tại trung tâm GDQPAN.

Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (BDKTQPAN) cho các đối tượng, bảo đảm 100% các cán bộ cơ quan, tổ chức Trung ương, địa phương, cán bộ xã, phường, đảng viên trong nhiệm kỳ công tác được BDKTQPAN; đẩy mạnh BDKTQPAN cho cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Xây dựng mô hình điểm GDQPAN

Theo Kế hoạch, từ nay đến năm 2020 phải thực hiện một số nội dung như tuyên truyền, phổ biến luật GDQPAN; xây dựng hệ thống văn bản về GDQPAN; xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng và an ninh...

Trong đó sẽ triển khai xây dựng mới các trung tâm GDQPAN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng mô hình điểm 1 trung tâm GDQPAN thuộc nhà trường quân đội và xây dựng mô hình điểm tại 1 trung tâm GDQPAN thuộc cơ sở giáo dục đại học..../.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ