Triển khai thi hành Luật Hộ tịch

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch.

Kế hoạch nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật hộ tịch, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật hộ tịch trên phạm vi cả nước.

Cụ thể, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch; xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định về việc quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến; xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Tư pháp cũng chủ trì xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hộ tịch; ban hành, hướng dẫn sử dụng, quản lý Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, trích lục hộ tịch và các biểu mẫu hộ tịch khác; điều kiện, trình tự đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử lưu động; ủy quyền thực hiện đăng ký hộ tịch. Thông tư này sẽ được hoàn thành vào tháng 10/2015.

Bộ Công an chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định trong đó có nội dung quy định về thủ tục cấp Số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; việc kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nghị định này sẽ được hoàn thành vào tháng 7/2015.

Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch quy định về thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch, việc cấp bản sao trích lục hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Thông tư này sẽ được hoàn thành vào tháng 10/2015.

Kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch

UBND các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn thành việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương trước ngày 31/7/2015, báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết quả rà soát và đề xuất UBND cấp tỉnh bố trí đủ công chức Phòng Tư pháp làm công tác hộ tịch, bảo đảm đủ công chức làm công tác hộ tịch khi chuyển giao thẩm quyền theo quy định của Luật.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương, đề xuất lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 31/8/2015.

Bộ Ngoại giao hoàn thành việc rà soát đội ngũ viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự làm công tác hộ tịch tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 31/8/2015. Bộ Tư pháp tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất kế hoạch đào tạo đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch xây dựng Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2015.

Trước ngày 31/12/2019, bảo đảm 100% công chức làm công tác hộ tịch đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật hộ tịch. Từ ngày 1/1/2016, UBND các cấp chỉ bố trí, tuyển dụng mới những người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật hộ tịch làm công tác hộ tịch.

Nghiên cứu việc nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc nhập khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số trường hợp xem xét, cho phép nhập khẩu đối với những sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu.

Trong đó quy định rõ các điều kiện, tiêu chí, quy trình thủ tục nhập khẩu, có thể ủy quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định các trường hợp này và phải bảo đảm hạn chế tối đa việc nhập khẩu sản phẩm cũ, lạc hậu, chất lượng kém, rác thải công nghệ nhằm bảo vệ môi trường và sản xuất trong nước... báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2015.

Trong khi chưa có văn bản quy định chung về vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông giải trình rõ sự cần thiết phải cho phép Công ty TNHH MTV Nidec Seimitsu và Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam được nhập khẩu các sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu, chủng loại, số lượng sản phẩm nhập khẩu và cơ chế quản lý bảo đảm kiểm tra, giám sát sử dụng đúng mục đích; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Xử lý vướng mắc trong GPMB đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) huy động tạm thời nguồn thu phí từ các dự án khác do VEC thực hiện để tạm ứng cho các địa phương chi trả cho công tác GPMB, tái định cư của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nguồn hoàn trả sẽ lấy từ kế hoạch vốn đối ứng hàng năm của Bộ Giao thông vận tải.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương liên quan, rà soát phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo đảm phù hợp với Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp cần hỗ trợ phần chêch lệch cho hộ gia đình, cá nhân vào khu tái định cư theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009, Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, bảo đảm không vượt phần vốn đối ứng cho công tác GPMB của dự án đã được phê duyệt.

Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam và là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng, thiết yếu được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 11/4/2007 và đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2656/QĐ-BGTVT ngày 10/9/2010.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, mặt cắt ngang đường rộng 26 m, xây dựng 9 nút giao liên thông, 126 cầu các loại, 1 hầm đường bộ dài 540m và nhiều hạng mục khác. Toàn dự án có tổng mức đầu tư 1,472 tỷ USD.

Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, và đảm bảo an ninh giao thông, cứu trợ khẩn cấp trong thiên tai các tỉnh thành từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng và các khu vực lân cận. Dự án còn góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế Lào - Campuchia - Việt Nam qua hành lang kinh tế Đông – Tây.

Phương án cổ phần hóa Cty mẹ - TCty Điện lực – Vinacomin

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực - Vinacomin thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Theo đó, Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP (tên giao dịch quốc tế Vinacomin) kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Điện lực - Vinacomin trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tổng công ty Điện lực - Vinacomin đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.

Quyết định nêu rõ, hình thức cổ phần hóa là kết hợp bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Tổng công ty có vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng. Về cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, tổng số cổ phần là 680 triệu cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng.

Trong đó, có 442 triệu cổ phần nhà nước, chiếm 65% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 1.608.040 cổ phần, chiếm 0,24% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 236.391.960 cổ phần, chiếm 34,76%% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xây dựng, quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để tổ chức, triển khai bán cổ phần ra công chúng. Khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 1.522 người, tổng số lao động chuyển sang Công ty cổ phần là 1.522 người.

Tăng vốn điều lệ TCty thuốc lá Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt mức vốn điều lệ đến năm 2016 của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam là 7.163.624.443.631 đồng.

Về nguồn vốn bổ sung vốn điều lệ tăng thêm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam sử dụng số tiền 20.661.219.296 đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Công ty mẹ - Tổng công ty để bổ sung vốn điều lệ nêu trên.

Đối với việc sử dụng phần lợi nhuận được chia theo tỷ lệ vốn Nhà nước tại Công ty mẹ và lợi nhuận được chia theo tỷ lệ vốn Nhà nước của Công ty mẹ đầu tư tại các công ty con năm 2011 - 2012 để bổ sung vốn điều lệ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xử lý theo quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Trước đó, tại Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 16/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, sẽ xây dựng Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thành Tổng công ty nhà nước mạnh có quy mô lớn, công nghệ hiện đại; là đầu mối tổ chức sắp xếp, thúc đẩy ngành thuốc lá Việt Nam phát triển; cạnh tranh được với các tập đoàn nước ngoài, từng bước vươn ra khu vực và thế giới;...

Xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

Trên cơ sở đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Theo đó, sẽ xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thành một bảo tàng thiên nhiên quốc gia đầu hệ có năng lực nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, hỗ trợ cho các bảo tàng thành viên trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam về nghiên cứu khoa học, sưu tầm, chế tác và trưng bày bảo quản mẫu vật thiên nhiên.

Đồng thời lưu giữ các giá trị, trưng bày, bảo tồn lịch sử tự nhiên, giá trị thiên nhiên của Việt Nam và thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, nâng cao tự hào về thiên nhiên đất nước và quảng bá các giá trị thiên nhiên Việt Nam.

Địa điểm xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại Khu đô thị sinh thái Quốc Oai, thuộc địa giới hành chính xã Liệp Tuyết, Ngọc Liệp và Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội; hoặc Khu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.

Dự án sẽ xây dựng trên diện tích 32 ha, bao gồm các khu chức năng: Khu trưng bày trong nhà, khu dành cho bộ sưu tập mẫu vật quốc gia, rừng kín thường xanh, hang động, núi đá, công viên đá, khu vườn địa chất, khu trưng bày kết hợp học tập, trung tâm nghiên cứu và văn phòng, khu dịch vụ, hồ nước đảo nổi và aquarium, khu kỹ thuật và chế tác mẫu vật.

Tổng mức vốn đầu tư dự án được xác định trên cơ sở thẩm định các dự án đầu tư cụ thể, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư và được bảo đảm từ các nguồn ngân sách nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác. Đối với nguồn ngân sách nhà nước, việc lập dự toán ngân sách hàng năm thực hiện theo quy định, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ và bố trí vào dự toán ngân sách của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2015-2020, chuẩn bị mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tổ chức tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật, xây dựng kịch bản trưng bày và trưng bày, triển lãm, xây dựng kế hoạch và đào tạo nguồn nhân lực.

Giai đoạn II từ năm 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn thiện các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật, bổ sung hoàn thiện kịch bản trưng bày và trưng bày triển lãm, đào tạo nguồn nhân lực.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan quyết định đầu tư Dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành có liên quan.

Ở nước ta một số cơ sở về bảo tàng thiên nhiên đã có từ thời Pháp thuộc chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học ở một số trường đại học, viện nghiên cứu. Đến nay đã lưu giữ được một số bộ sưu tập có giá trị, là những tư liệu khoa học đặc biệt có giá trị không chỉ với Việt Nam mà còn cả trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống bảo tàng thiên nhiên nên tác dụng phổ biến khoa học, giáo dục, tuyên truyền còn hạn chế. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020, theo đó Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là bảo tàng cấp quốc, đầu hệ trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam; có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ trong mạng lưới bảo tàng thiên nhiên; có chức năng nghiên cứu, trưng bày giới thiệu về thiên nhiên Việt Nam một cách tổng hợp, đại diện tiêu biểu.

Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc xây dựng Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam./.

Nguồn: Văn phòng Chính phủ