Miễn, giảm tiền sử dụng đất ở tại địa bàn đặc biệt khó khăn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao (cấp) không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.

Theo đó, đối tượng áp dụng là: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có nguồn gốc được giao (cấp) không đúng thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, gồm:

- Đất được Nhà nước giao hoặc cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuê quản lý, sử dụng nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phân (cấp) không đúng thẩm quyền cho cán bộ, công nhân viên, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị làm nhà ở.

- Đất do người đứng đầu điểm dân cư; UBND cấp xã giao (cấp) không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở.

Mức miễn giảm tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất đối với hộ gia đình, cá nhân được giao (cấp) đất không đúng (trái) thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 cụ thể như sau:

- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất đối với hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.

- Giảm 50% tiền sử dụng đất theo mức thu quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP trong hạn mức giao đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở (nếu có) thì hộ gia đình, cá nhân nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 45/2014/NĐ-CP.

Quyết định có hiệu lực từ 1/6/2015.

Chỉ định thầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Nhân Cơ

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn các gói thầu cấp bách thuộc Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nhân Cơ.

Các gói thầu cấp bách được thực hiện chỉ định thầu theo quy trình rút gọn kể trên gồm: lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, san nền và taluy, làm đường nối từ hàng rào nhà máy đến quốc lộ 14, đập nước, hàng rào.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đắk Nông chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc giá các gói thầu cấp bách nêu trên phải thấp hơn mức giá dự toán được duyệt.

Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính ưu tiên bố trí vốn để Tỉnh thực hiện Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Nhân Cơ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Kon Tum

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Kon Tum sử dụng 123.330,56 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2011, 2012 chưa có đối tượng chi trả để thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc sử dụng số tiền trên cụ thể như sau:

1. Hỗ trợ chi trả bổ sung cho các lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng có đơn giá chi trả cho chủ rừng thấp (dưới 200.000 đồng/ha/năm) để đạt mức tối thiểu 200.000 đồng/ha/năm, mức hỗ trợ bổ sung cụ thể do UBND tỉnh Kon Tum quyết định; thời gian hỗ trợ từ năm 2015 đến khi có quy định mới của Chính phủ có hiệu lực thi hành.

2. Hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư thôn, làng giáp ranh hoặc nằm trong các khu rừng đặc dụng để thực hiện đồng quản lý theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020; thời gian hỗ trợ đến năm 2016.

3. Hỗ trợ UBND các xã, thị trấn để thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra rừng, bồi dưỡng cho những người được huy động để ngăn chặn chặt phá rừng và chữa cháy rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ; mức hỗ trợ cụ thể do UBND tỉnh Kon Tum quyết định theo thẩm quyền và quy định hiện hành; thời gian thực hiện đến năm 2016.

4. Hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng hàng rào và các công trình bảo vệ, phòng cháy chữa cháy khoảng 500 ha rừng gỗ trắc tại khu rừng đặc dụng Đắk Uy; thời gian thực hiện 02 năm 2015-2016; UBND tỉnh Đắk Nông xây dựng phương án làm hàng rào và các công trình bảo vệ khoảng 500 ha rừng gỗ trắc nêu trên thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phê duyệt theo quy định.

5. Bổ sung vốn trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng đối với các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trước năm 2015 có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhưng ngân sách nhà nước không có điều kiện bố trí vốn để đầu tư; thời gian thực hiện từ năm 2015-2018 (trồng năm 2015 và chăm sóc 03 năm tiếp theo).

6. Số kinh phí còn lại (nếu có) sau khi tính toán hỗ trợ đầu tư các nội dung từ mục (1) đến mục (5) nêu trên được chuyển sang dự phòng để chi trả cho các chủ rừng trong trường hợp nguồn thu dịch vụ môi trường rừng bị giảm sút trong các năm sau.

Trong quá trình thực hiện công tác đầu tư các nội dung từ mục (1) đến mục (5), trường hợp phát sinh lãi tiền gửi ngân hàng (nếu có), thì số tiền lãi được sử dụng để hỗ trợ như đã nêu tại mục (1) nêu trên.

Kiểm tra "một cửa, một lần dừng" tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và kiểm tra "một cửa, một lần dừng" (SWI/SSI) tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đen - sa - vẳn.

Sau gần 10 năm thúc đẩy, ngày 6/2/2015, tại cửa khẩu quốc tế Đen - sa - vẳn, tỉnh Sa-van-na-khét của Lào, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam và Lào, cùng UBND tỉnh Quảng Trị và Chính quyền tỉnh Sa-van-na-khét đã phối hợp đồng tổ chức Lễ khai trương chính thức triển khai kiểm tra SWI/SSI tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đen - sa - vẳn.

Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị và kinh tế quan trọng, không chỉ khẳng định quyết tâm của Chính phủ hai nước Việt - Lào trong thúc đẩy kết nối, giảm thiểu các rào cản mềm về thủ tục, cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và giao thương qua biên giới, mà còn góp phần củng cố hơn nữa quan hệ đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa các địa phương của hai nước.

Được biết, đây là lần đầu tiên mô hình kiểm tra SWI/SSI được thực hiện tại một cặp cửa khẩu giữa biên giới hai nước trong khu vực Mê Công nói riêng và giữa các nước ASEAN nói chung, được các nước trong khu vực và cộng đồng tài trợ, nhất là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá cao, góp phần thúc đẩy các nước khác trong tiểu vùng Mê Công mở rộng sớm triển khai các cam kết về tạo thuận lợi cho giao thương qua biên giới. Đây cũng là kinh nghiệm tốt để các Bb, ngành của ta triển khai mô hình kiểm tra này cho các cặp cửa khẩu quốc tế khác.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, cần phải đánh giá toàn diện và đầy đủ. Qua đánh giá của một số cơ quan chức năng cho thấy việc triển khai SWI/SSI cũng cần tiếp tục giải quyết một số việc như tiếp tục tiến hành sửa chữa; tiếp tục đơn giản hóa, hài hòa hóa quy định; tăng cường biên chế cán bộ của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu...

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND tỉnh Quảng trị (đầu mối Ban Chỉ đạo thực hiện kiểm tra SWI/SSI) chỉ đạo và giám sát việc triển khai kiểm tra SWI/SSI tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, kịp thời phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan giải quyết những khó khăn, vướng mắc; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt thẩm quyền.

Đồng thời, tỉnh cũng cần tiếp tục tiến hành sửa chữa, cải tạo Nhà liên hợp phục vụ cho kiểm tra chung xuất nhập khẩu hàng hóa trong triển khai kiểm tra SWI/SSI tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan đề xuất số lượng biên chế công chức cần thiết để triển khai hiệu quả kiểm tra SWI/SSI tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đen - sa - vẳn.

Bộ Giao thông vận tải cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động ADB quan tâm hỗ trợ triển khai các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới (GMS-CBTA), trong đó hỗ trợ nghiên cứu đánh giá mô hình kiểm tra SWI/SSI tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đen -sa- vẳn

Bên cạnh đó, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trao đổi với phía Lào thống nhất các mẫu Tờ khai và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch y tế, động thực vật, quy trình kiểm tra và thủ tục kiểm dịch động thực vật giữa hai nước tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Đen - sa - vẳn.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thoái vốn tại 7 công ty cổ phần

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý thoái toàn bộ phần vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tại Công ty cổ phần Toa xe Hải Phòng.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam thực hiện thoái vốn tại 6 Công ty cổ phần gồm: Tổng công ty Công trình đường sắt; Công trình 6; Đầu tư và Xây dựng công trình 3; Tư vấn đầu tư và Xây dựng Giao thông vận tải; Đầu tư công trình Hà Nội; Vận tải và Thương mại đường sắt.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến về phát triển ngành dịch vụ lo-gi-stíc.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp liên quan rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng ngành lo-gi-stíc Việt Nam, xác định những hạn chế, bất cập, đề ra các giải pháp đồng bộ, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ lo-gi-stíc Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lo-gi-stíc theo đúng quy định của Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ lo-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ lo-gi-stíc./.