Huy động các nguồn lực xã hội cho công tác trợ giúp xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 – 2025 (Đề án).

Đề án nhằm mục tiêu phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cùng với chính sách an sinh xã hội khác đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội góp phần phát triển bền vững; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội cho công tác trợ giúp xã hội; phát huy sự quan tâm và chăm sóc của xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác an sinh xã hội.

Theo đó, mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập (mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội) gồm: 1- Cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) chăm sóc người cao tuổi; 2- Cơ sở BTXH chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 3- Cơ sở BTXH chăm sóc người khuyết tật; 4- Cơ sở BTXH chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; 5- Cơ sở BTXH tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng BTXH hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; 6- Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội

Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm phát triển cơ sở trợ giúp xã hội. Cụ thể, xây dựng, ban hành Danh mục dịch vụ trợ giúp xã hội, Khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở trợ giúp xã hội, bảo đảm cho đối tượng tiếp cận sử dụng thuận lợi; có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở trợ giúp xã hội; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác trợ giúp xã hội.

Nhiệm vụ và giải pháp khác của Đề án là quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các yêu cầu: Rà soát, sắp xếp các cơ sở trợ giúp xã hội, tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập; khuyến khích hình thức hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội.

Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động của các cơ sở trợ giúp xã hội đạt cơ cấu, định mức và tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định.

Đồng thời, đổi mới cơ chế và phương thức quản lý, vận hành các cơ sở trợ giúp xã hội theo phương châm phòng ngừa, trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại gia đình, cộng đồng là chính; cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian nhất định.

Đầu tư phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giai đoạn 3” sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Phần Lan.

Dự án trên được thực hiện trong 2 năm (2015-2017) với tổng mức vốn đầu tư hơn 16 triệu Euro, trong đó vốn ODA vay Phần Lan hơn 15,8 triệu Euro và vốn đối ứng hơn 200 nghìn Euro.

Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường trang thiết bị chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên cả nước để góp phần nâng cao năng lực chiến đấu, hiệu quả hoạt động của lực lượng này, góp phần tăng cường hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Kết quả chủ yếu mà Dự án mang lại là đội ngũ cán bộ các chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được đào tạo và huấn luyện sử dụng thành thạo và khai thác có hiệu quả các trang thiết bị đầu tư từ Dự án bao gồm cả việc bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; đầu tư trang bị các phương tiện chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

Nhà nước hỗ trợ vốn làm đường nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai đến SaPa

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc đầu tư xây dựng đường nối từ đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị trấn SaPa.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc Nhà nước hỗ trợ vốn để thực hiện Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT.

UBND tỉnh Lào Cai là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện Hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 510/TTg-KTN ngày 18/4/2014; chịu trách nhiệm xây dựng phương án tài chính của Dự án để làm cơ sở tính toán phần hỗ trợ của nhà nước; phối hợp với các Bộ liên quan triển khai Dự án theo đúng quy định hiện hành về đầu tư BOT.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định nguồn vốn hỗ trợ cho UBND tỉnh Lào Cai, tổ chức thẩm định nguồn vốn theo đúng quy định hiện hành.

Điều tra, xử lý hành vi gian lận kinh doanh xăng dầu

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương có kế hoạch điều tra, phát hiện, xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9/2015.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu.

Theo thông tin phản ánh, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu ở một số địa phương bị các cơ quan chức năng phát hiện hành vi tác động, sử dụng các thiết bị khác (IC chương trình) để điều chỉnh sai số của phương tiện đo, vượt quá giới hạn cho phép trong kinh doanh xăng, dầu. Hình thức kinh doanh xăng dầu gian lận, thu lợi bất chính của các chủ doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của người tiêu dùng, gây hoang mang dư luận.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh Nghệ An và Cục Kỹ thuật nghiệp vụ II - Bộ Công an trong thời gian qua đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng thiết bị điện tử để gian lận khi bán xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Rà soát chính sách dân tộc

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện việc rà soát các chính sách giảm nghèo nói riêng, chính sách dân tộc nói chung.

Theo Báo cáo kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2006-2014 của Ủy ban Dân tộc, hiện nay có 130 chính sách dân tộc được thể hiện qua 177 văn bản tại 37 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và 140 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Ủy ban dân tộc quản lý 9 chính sách và các bộ, ngành quản lý 121 chính sách. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước bằng việc ban hành chính sách riêng phù hợp với địa bàn.

Chính sách dân tộc hiện nay là khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn dân tộc và miền núi. Cơ chế, chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ cho không chuyển sang cho vay.

Bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi được thay đổi rõ nét, nhất là hạ tầng kinh tế-xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm nhanh 3-4%/năm; lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa có bước phát triển tích cực; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế như nhiều chính sách được ban hành còn chồng chéo; nhiều chính sách ban hành thiếu tính khả thi; cơ chế phối hợp chưa tốt; bố trí nguồn lực chưa tương xứng, sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả... Những hạn chế này đã làm cho vùng dân tộc và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giảm nghèo chưa bền vững; cơ sở hạ tầng còn yếu kém; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi thấp...

Để bộ mặt vùng dân tộc và miền núi thay đổi toàn diện, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu Ủy ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thực hiện việc rà soát các chính sách giảm nghèo nói riêng, chính sách dân tộc nói chung một cách toàn diện, cụ thể, chi tiết; chú trọng rà soát sự trùng lặp của các chính sách. Trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách mới.

Về việc lồng ghép các chỉ tiêu về phát triển dân tộc thiểu số trong kế hoạch trung hạn của các Bộ, ngành, đảm bảo sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất đưa vào Đề án Kế hoạch thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ tại vùng dân tộc và miền núi, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách đặc thù hỗ trợ lương thực cho đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng biên giới trên cơ sở các quy định hiện hành, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm tra tình trạng ô nhiễm chì tại Hưng Yên

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên kiểm tra thông tin báo chí phản ánh tình trạng ô nhiễm chì do hoạt động nghề tái chế phế liệu tại xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Trước đó, báo Thanh Niên điện tử ngày 13/4/2015 có đăng bài "Làng nhiễm độc chì" phản ánh thực trạng ô nhiễm chì do hoạt động nghề tái chế phế liệu tại xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và gây nhiễm độc cho trẻ em trong khu vực.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Hưng Yên kiểm tra, xác minh tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiễm độc của người dân tại xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm như bài báo nêu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết trước ngày 15/5/2015./.