Phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh: Cà Mau, Phú Thọ, Bình Dương.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Bùi Minh Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Bùi Văn Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ.

Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Chu Ngọc Anh, để nhận nhiệm vụ mới và miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Đình Cúc, để nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.

Đối với tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Lâm Văn Bi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài chính Cà Mau.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Dương Tiến Dũng (để nghỉ hưu trước tuổi) và ông Lê Dũng (để nhận nhiệm vụ mới).

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Võ Văn Minh, để nhận nhiệm vụ mới.

Bổ nhiệm 2 Thành viên Hội đồng cạnh tranh

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ nhiệm 2 Thành viên Hội đồng cạnh tranh.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ nhiệm ông Trần Mai Hiến, Vụ trưởng - Chánh Văn phòng Hội đồng cạnh tranh kiêm giữ chức Thành viên Hội đồng cạnh tranh.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng bổ nhiệm ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính kiêm giữ chức Thành viên Hội đồng cạnh tranh thay ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Thành viên Hội đồng cạnh tranh đã nghỉ hưu theo quy định.

Hội đồng Cạnh tranh là cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh độc lập do Chính phủ thành lập, có chức năng tổ chức xử lý, giải quyết khiếu nại đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh.

Hội đồng Cạnh tranh có nhiệm vụ tổ chức xử lý, giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh: Tổ chức tiếp nhận Báo cáo điều tra và Hồ sơ vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Điều 93 Luật Cạnh tranh; xử phạt, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định tại Điều 119 Luật Cạnh tranh; yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Hội đồng Cạnh tranh còn có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại đối với các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật cạnh tranh; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định khác của Hội đồng Cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh, Chủ tọa Phiên điều trần theo trình tự, thủ tục của pháp luật khiếu nại.

Hội đồng Cạnh tranh tổ chức và hoạt động theo Quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hội đồng Cạnh tranh có từ 11 - 15 thành viên, bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Hỗ trợ 11 địa phương khắc phục thiên tai

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 1.899,4 tấn hạt giống lúa; 148,6 tấn hạt giông ngô và 52,75 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho 11 địa phương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2015.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Hà Nam 5 tấn hạt giống rau; tỉnh Hải Dương 317 tấn hạt giống lúa và 0,07 tấn hạt giống rau; tỉnh Thái Bình 50 tấn hạt giống ngô và 25 tấn hạt giống rau; tỉnh Ninh Bình 150 tấn hạt giống lúa, 20 tấn hạt giống ngô và 8 tấn hạt giống rau; tỉnh Bắc Giang 350 tấn hạt giống lúa và 20 tấn hạt giống ngô; tỉnh Phú Thọ 50 tấn hạt giống lúa, 10 tấn hạt giống ngô và 5 tấn hạt giống rau; tỉnh Quảng Ninh 32,4 tấn hạt giống lúa và 3,6 tấn hạt giống ngô; tỉnh Quảng Trị 300 tấn hạt giống lúa, 20 tấn hạt giống ngô và 8 tấn hạt giống rau; tỉnh Khánh Hòa 300 tấn hạt giống lúa, 10 tấn hạt giống ngô và 1,68 tấn hạt giống rau; tỉnh Ninh Thuận 200 tấn hạt giống lúa và 10 tấn hạt giống ngô; tỉnh Bình Thuận 200 tấn hạt giống lúa và 5 tấn hạt giống ngô.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh tiếp nhận, quản lý và sử dụng số giống cây trồng nêu trên theo đúng quy định hiện hành.

Năm 2015, sản xuất trồng trọt của các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận bị thiệt hại nặng do hạn hán, bão số 1 và đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 25/7-05/8/2015 gây ra.

Bổ sung kinh phí điều tra thực trạng KTXH 53 dân tộc thiểu số

Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung kinh phí năm 2015 để thực hiện Đề án điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 99,852 tỷ đồng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2015 cho: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (95,252 tỷ đồng), Ủy ban Dân tộc (4,6 tỷ đồng) từ nguồn chi quản lý hành chính của ngân sách trung ương năm 2015 để thực hiện Đề án điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số.

Việc quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung thực hiện theo quy định hiện hành, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số nhằm hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Đề án điều tra, thu thập thông tin về dân số và phân bố dân cư; tiếp cận cơ sở hạ tầng; kinh tế; nghèo đói, an sinh xã hội; văn hoá, xã hội; giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; y tế và vệ sinh môi trường nông thôn; cán bộ, đảng viên; di cư tự do; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Đồng Tháp

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định chuyển mục đích sử dụng 12ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, việc chuyển mục đích sử dụng đất trên để thực hiện dự án nhà máy xay xát, chế biến, tồn trữ lúa gạo Tân Hồng tại Ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất trên phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa được phép chuyển mục đích theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu của tỉnh Đồng Tháp được Chính phủ xét duyệt tại Nghị quyết số 114/NQ-CP ngày 15/10/2013.

Vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Mã

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, hàng năm, các hồ Hủa Na và Cửa Đạt trên lưu vực sông Mã phải vận hành theo thứ tự ưu tiên.

Cụ thể, trong mùa lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Hủa Na, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 năm; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình hồ chứa nước Cửa Đạt, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 10.000 năm; đảm bảo mực nước sông Chu tại Xuân Khánh không vượt quá cao trình 13,71 m với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 200 năm; đảm bảo hiệu quả cấp nước và phát điện.

Trong mùa cạn, đảm bảo an toàn công trình; đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước ở hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện.

Nguyên tắc vận hành các hồ chống lũ cho hạ du là không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước lũ kiểm tra để điều tiết lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn đối với hồ Hủa Na, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Khi vận hành chống lũ cho hạ du phải tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả đã được cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa.

Trong thời kỳ mùa lũ, khi chưa tham gia vận hành chống lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt mức nước cao nhất trước lũ đối với hồ Cửa Đạt 110 m, hồ Hủa Na 235 m.

Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại Trạm thủy văn Xuân Khánh; mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo thời tiết tiếp theo để vận hành, điều tiết cho phù hợp với tình hình thực tế.

Khi kết thúc quá trình chống lũ cho hạ du phải đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước cao nhất trước lũ nêu trên, trừ trường hợp quy định tích nước cuối mùa lũ.

Theo Quy trình, mùa lũ từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 30 tháng 11; mùa cạn từ ngày 1 tháng 12 đến ngày 30 tháng 6 năm sau./.