Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 102/2013 về quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Trong đó, Nghị định quy định chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong 2 trường hợp:

1- Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài.

2- Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, Nghị định 102 quy định, lao động nước ngoài là chuyên gia phải là người “có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành đào tạo”. Quy định này đã có nhiều bất cập trong thực thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên gia là người nước ngoài.

Với việc sửa đổi như trên, cơ quan quản lý kỳ vọng vừa đảm bảo được tính thực thi, hạn chế được các trường hợp chuyên gia “rởm”, song vẫn khắc phục những bất cập đang hiện hữu.

Riêng đối với nhà quản lý, giám đốc điều hành là người lao động nước ngoài, Nghị định mới quy định, sẽ thuộc một trong các trường hợp: Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức; Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 12/2014 cả nước có tổng số 76.309 lao động nước ngoài đang làm việc.

Số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 5.610 người (chiếm 7,35% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam);

Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 70.699 (chiếm 92,65%), trong đó số người đã được cấp giấy phép lao động là 55.263 người (chiếm 78,17% số người thuộc diện cấp giấy phép lao động); số còn lại 15.436 người (chiếm 21,83%) bao gồm số người đã nộp hồ sơ chờ cấp giấy phép lao động, số người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.

Lao động nước ngoài đến từ 74 quốc gia, trong đó quốc tịch Châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan...) chiếm 58%; quốc tịch Châu Âu chiếm 28,5% và các nước khác chiếm 13,5%. Lao động nước ngoài là nam giới chiếm 89,9%, lao động có độ tuổi từ 30 trở lên chiếm 86% tổng số lao động nước ngoài./.