Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh.

Đề án tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115 vào năm 2020. Ở các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 115 trở lên, giảm tỷ số giới tính khi sinh ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016-2020; phấn đấu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Đề án đưa ra giải pháp thực hiện là truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất bằng giới tính khi sinh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; hợp tác quốc tế...

Cụ thể, Đề án sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, nhất là giới và bình đẳng giới bằng các hình thức tiếp cận và thông điệp phù hợp.

Về các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, Đề án sẽ xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo; cho cha mẹ sinh con một bề gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu...

Chuyển mục đích sử dụng đất tại Long An

Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 161,75 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện 3 dự án phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3 dự án gồm: Dự án Khu dân cư và Viện dưỡng lão tại huyện Đức Hòa; Dự án Vùng nguyên liệu sét của Công ty CP Thành Mỹ tại huyện Đức Huệ; Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Thuận tại huyện Đức Hòa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Xử lý nghiêm việc mua bán máy móc cấm nhập khẩu

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh của Đài Truyền hình Việt Nam về việc máy móc, thiết bị cấm nhập khẩu được bán tràn lan.

Trước đó, ngày 25/11/2015, Đài Truyền hình Việt Nam có phóng sự phản ánh tình hình nhiều loại máy móc, thiết bị, linh kiện cũ, phế liệu, phế thải thuộc diện cấm nhập khẩu được bán tràn lan tại các kho, bãi trên đoạn quốc lộ 1A từ ngã ba Thủ Đức đến ngã ba An Lạc thuộc quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kết quả xác minh, kiểm tra trên dọc quốc lộ 1A từ ngã ba Thủ Đức đến ngã ba An Lạc hiện có 185 cơ sở kinh doanh máy móc, thiết bị cũ. Đã kiểm tra 68 cơ cở và lập biên bản 66 cơ sở vi phạm.

Đã xử phạt 60 cơ sở với số tiền phạt là 735.625.000 đồng; tịch thu 426 đơn vị sản phẩm là hàng hóa nhập lậu, gồm: xe nâng, động cơ ô tô, xe cơ giới, máy nổ... ngoại nhập đã qua sử dụng, trị giá khoảng 194 triệu đồng. Phần lớn vi phạm là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt (có 1.971 đơn vị sản phẩm máy móc thiết bị nông nghiệp, máy khoan, máy dập, máy thủy, động cơ xoay chiều, máy phát điện, máy công cụ... trị giá khoảng 42,1 tỷ đồng)

Trước tình hình trên, một trong các giải pháp mà Bộ Công Thương kiến nghị là chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh, kho chứa hàng, ki ốt bày bán các loại hàng hóa đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu. Truy xuất nguồn gốc, xác định hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định. Tập trung vào mặt hàng điện tử, điện lạnh, điều hòa, máy giặt, đồ gia dụng, xe đạp và các mặt hàng thuộc diện cấm nhập khẩu.

Bộ Công an chỉ đạo công tác điều tra, nắm tình hình, lập danh sách, đối tượng, cơ sở kinh doanh, mua bán hàng cấm; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra đồng loạt các cơ sở có dấu hiệu vi phạm này. Tăng cường công tác nghiệp vụ, đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và sớm đưa các đối tượng vi phạm ra xử lý trước pháp luật.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường giám sát đối với các loại hàng hóa nhập khẩu đã qua sử dụng, mặt hàng thuộc diện cấm nhập khẩu, trọng điểm là mặt hàng máy móc, thiết bị, điện tử, điện lạnh, phụ tùng đã qua sử dụng... Chủ động trao đổi cung cấp thông tin với lực lượng Quản lý thị trường, Công an về các doanh nghiệp nhập khẩu số lượng lớn để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định.

UBND các tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu và kinh doanh hàng cấm nhập khẩu. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong kinh doanh và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Xét báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Công an, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để xử lý các kiến nghị trên theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh, cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện; bảo đảm quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, mua bán các loại hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Khẩn trương tổng kết Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vừa có ý kiến về việc tiếp tục thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình) giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài chính về việc tiếp tục thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2011- 2016; đề xuất bổ sung, điều chỉnh cần thiết cho giai đoạn sau, nhằm nâng cao hiệu quả của Chương trình phù hợp với Nghị quyết 100/2015/QH13 của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 3 năm triển khai Quyết định 27/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Chương trình đã góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận mô hình nông thôn mới, làm rõ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở các địa phương; xây dựng được các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, thu nhập của nông dân tăng 20-30%./.