Ngày 01/5/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2995/VPCP-KTTH gửi Bộ Tài chính; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo dự trữ quốc gia trong tình huống đột xuất, cấp bách cho các địa phương.

Công văn này là hành động cụ thể sau cuộc làm việc cùng ngày của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý cấp 4.500 tấn gạo cho ngư dân đánh bắt xa bờ với mức 15 kg/người trong 1 tháng rưỡi; miễn lãi suất 6 tháng đối với ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67.

Công văn 2995 nêu rõ, về đề nghị của Bộ Tài chính tại Công văn số 5892/BTC-TCDT ngày 29 tháng 4 năm 2016 về việc xuất cấp gạo dự trữ quốc gia trong tình huống đột xuất, cấp bách cho các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính; đồng thời giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan chủ động cấp phát gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ các địa phương cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng của tình trạng cá chết bất thường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Theo báo cáo, Tỉnh Quảng Trị là địa phương chịu tác động nặng nề từ hiện tượng cá chết trong thời gian qua. Số lượng cá bị chết dạt bờ dọc các vùng ven biển ước tính khoảng gần 35 tấn. Khoảng 2.300 tàu thuyền của ngư dân Quảng Trị bị ảnh hưởng, 7.000 lao động không có việc làm do bị hạn chế đánh bắt, tiêu thụ.

Trước đó một ngày, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có Công điện gửi chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế về việc khắc phục hậu quả do hiện tượng thủy, hải sản chết bất thường gây ra.

Để xử lý kịp thời đối với các khoản nợ bị thiệt hại do hiện tượng thủy, hải sản chết gây ra, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, Ngân hàng Chính sách xã hội đã yêu cầu Giám đốc chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế phối hợp với chính quyền địa phương, Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội nắm bắt kịp thời những thiệt hại do cá chết bất thường.

Căn cứ theo mức độ thiệt hại của từng khoản vay, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn bà con lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu vay vốn bổ sung để chuyển đổi ngành nghề sản xuất do hiện tượng thủy, hải sản chết gây ra./