Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Văn phòng HĐND cấp tỉnh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 48/2016/NĐ-CP quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Văn phòng HĐND cấp tỉnh).

Theo đó, Văn phòng HĐND cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Văn phòng HĐND cấp tỉnh có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Văn phòng HĐND cấp tỉnh có nhiệm vụ giúp HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND cấp tỉnh xây dựng chương trình làm việc, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và cả năm; tổ chức phục vụ việc thực hiện chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.

Văn phòng HĐND cấp tỉnh phục vụ Thường trực HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch điều hành việc chung của HĐND cấp tỉnh; điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của HĐND cấp tỉnh; bảo đảm việc thực hiện quy chế hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND cấp tỉnh, nội quy kỳ họp HĐND; giúp Thường trực HĐND giữ mối liên hệ với Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cấp tỉnh; phục vụ HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND cấp tỉnh trong hoạt động đối ngoại.

Văn phòng HĐND cấp tỉnh còn có nhiệm vụ tham mưu, phục vụ Thường trực HĐND, Ban của HĐND cấp tỉnh xây dựng báo cáo công tác; tham mưu, phục vụ Ban của HĐND thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án; giúp thường trực HĐND hoàn thiện các dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; đồng thời, tham mưu, phục vụ HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND cấp tỉnh trong hoạt động giám sát; khảo sát, theo dõi, tổng hợp, đôn đốc cơ quan, tổ chức, các nhân thực hiện nghị quyết về giám sát.

Bên cạnh đó, Văn phòng HĐND cấp tỉnh còn phục vụ Thường trực HĐND và đại biểu HĐND cấp tỉnh tiếp công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của cơ quan, tổ chức, công dân gửi đến HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cơ quan, tổ chức, công dân...

Cơ cấu tổ chức Văn phòng HĐND cấp tỉnh gồm 2 phòng: Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị.

Quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tại Lào

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào” với mục tiêu quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Đồng thời, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa đối ngoại, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại; tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các dân tộc trên thế giới nói chung và văn hóa Lào nói riêng.

Xây dựng Trung tâm là biểu tượng của tinh hoa văn hóa Việt Nam tại Lào, là công trình văn hóa cấp quốc gia ở nước ngoài, trên nguyên tắc phù hợp với luật pháp Việt Nam, thông lệ quốc tế và pháp luật của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ở nước ngoài; trụ sở tại Thủ đô Viêng Chăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; có con dấu, tài khoản ngân hàng riêng theo quy định của pháp luật của Việt Nam và Lào.

Trung tâm có chức năng tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, hỗ trợ hoạt động xúc tiến du lịch và thể thao; chịu sự quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chịu sự quản lý về hoạt động đối ngoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Trung tâm phục vụ nhiệm vụ chính trị, không hoạt động kinh doanh vì mục đích lợi nhuận.

Lập quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì lập Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hang Con Moong được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt tháng 12/2015.

Theo các tài liệu khảo cổ học, hang này được phát hiện vào năm 1975 và được khai quật hầu như toàn bộ trong năm 1976. Tầng văn hóa trong hang rất dày (khoảng từ 3 đến 3,2m), chứa đựng vết tích văn hóa của nhiều thời đại, từ đá cũ, qua đá mới. Kết quả phân tích bằng phương pháp Carbon (C14) trên 10 mẫu của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định niên đại của lớp sớm nhất là cách đây khoảng 15.000 năm, lớp giữa là khoảng 10.000 năm, lớp trên là khoảng 7.000 năm.

Giá trị nổi bật nhất của hang Con Moong là lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại.

Những di tích liên quan như động người Xưa, hang Đắng, mái đá Mộc Long, hang Lai... quanh khu vực cùng với hang Con Moong tạo thành quần thể di tích cho thấy một cộng đồng dân cư cư trú trong một thung lũng rộng lớn, có sự thay đổi về dân số, vị trí cư trú và phương thức sản xuất. Chính các cư dân ở đây đã góp phần tạo dựng nên văn hóa Đa Bút (huyện Vĩnh Lộc) - là văn hóa của cư dân đầu tiên chiếm lĩnh đồng bằng ven biển Bắc Bộ, tạo dựng nên một nền văn hóa ngoài trời.

Hang Con Moong đặt trong quần thể của Vườn quốc gia Cúc Phương, với "thiên thời, địa lợi", còn nguyên vẹn, hoang sơ và kỳ bí là một trong những điều kiện thuận lợi để UNESCO xem xét, công nhận trở thành di sản thế giới. Bên cạnh đó, cuộc sống của cư dân bản địa (dân tộc Mường), với những nét đẹp văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, giao tiếp sẽ là một trong những "điểm nhấn" để thu hút khách du lịch đến với nơi đây.

Bảo đảm an toàn dân cư trong các tình huống thiên tai

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Năm 2015, do diễn biến nhanh của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cường độ mạnh, kéo dài, tình hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Nê pan, Myanmar, Nhật Bản,... Ở nước ta tình hình thời tiết, thiên tai cũng diễn biến rất bất thường, cực đoan, đặc biệt là hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nắng nóng, rét đậm rét hại, mưa lớn kỷ lục, mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra; tình hình tai nạn, sự cố cháy nổ, cháy rừng, sự cố môi trường, sự cố hàng không, tai nạn trên biển, trên sông, sập đổ công trình, hầm lò,... xảy ra nhiều.

Trong thời gian tới thời tiết, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sự cố, tai nạn trên nhiều lĩnh vực chưa được kiềm chế có hiệu quả. Do vậy, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, có các giải pháp hiệu quả bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương xây dựng, cập nhật phương án bảo đảm an toàn dân cư trong các tình huống thiên tai, đặc biệt là ứng phó một số thiên tai cực đoan như bão mạnh, siêu bão, lũ đặc biệt lớn. Trên cơ sở đó tổng hợp xây dựng phương án ứng phó chung phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Sẵn sàng hỗ trợ ứng phó tình huống thiên tai lớn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó các tình huống thiên tai lớn, đặc biệt là bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, động đất, sóng thần. Tổ chức huấn luyện, diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai, sự cố theo kế hoạch; tiếp tục nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm, xung yếu. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn theo đề nghị của địa phương; phối hợp với các địa phương rà soát, xử lý các chi phí phục vụ lực lượng tham gia hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn theo đúng quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh. Bố trí hệ thống quan trắc, kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, đặc biệt cơ sở sản xuất công nghiệp xả thải ra môi trường, tránh sự cố, thảm họa môi trường.

Bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập phòng chống thiên tai

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực của bộ phận thường trực phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp. Xây dựng phương án chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra ở địa phương. Tổ chức kiểm tra, khắc phục sự cố và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn; chỉ đạo kiểm tra phương án tiêu thoát nước, chống ngập tại các đô thị, khu dân cư ven sông, suối, ven biển, bảo đảm an toàn hầm lò, khu vực khai thác mỏ, tuyến đường giao thông, khu vực có nguy cơ sạt lở, mất an toàn.

Đồng thời tổ chức di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra thiên tai bất thường như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; có phương án chủ động sơ tán khi có thiên tai đối với những hộ chưa có điều kiện di dời để đảm bảo an toàn tính mạng. Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, bảo vệ công trình thủy lợi, xử lý công trình, nhà cửa xây dựng trái phép ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ.

Các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn; chủ động bố trí kinh phí, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kinh phí đối với lực lượng được huy động tham gia khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn theo đúng quy định.

Các Bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước phối hợp các địa phương chỉ đạo kiểm tra các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của mình, nhất là đối với các công trình dễ có nguy cơ sự cố khi xảy ra thiên tai, lũ, bão như hồ đập, các cột, tháp truyền hình, viễn thông, cột điện cao thế,…; kịp thời khắc phục sự cố, tu sửa, nâng cấp công trình chủ động phòng, chống thiên tai.

Kế hoạch quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam

Tại Quyết định 914/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định và triển khai hiệu quả các hoạt động ưu tiên cho giai đoạn 2016 - 2020 và đẩy mạnh việc áp dụng quản lý tổng hợp vùng bờ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, nhằm thực hiện thành công Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nội dung của Kế hoạch gồm: Xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp vùng bờ; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học vùng bờ; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giảm thiểu tổn thất do thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đào tạo, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về quản lý tổng hợp vùng bờ; xây dựng và triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ tại các địa phương ven biển.

Trong đó, sẽ triển khai các hoạt động hoàn thiện hệ thống thông tin tổng hợp phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ; phân vùng chức năng vùng bờ; xây dựng hướng dẫn giám sát ô nhiễm môi trường dựa vào cộng đồng và áp dụng thí điểm tại các địa phương ven biển.

Ngoài ra, với mục tiêu xác định được thực trạng các nguồn thải từ đất liền và trên biển, để đưa ra các giải pháp kiểm soát, bảo vệ môi trường vùng bờ, các cơ quan liên quan sẽ điều tra, đánh giá thực trạng các nguồn thải từ đất liền và trên biển ảnh hưởng chất lượng môi trường vùng bờ; đánh giá thải lượng của các nguồn thải và các tác động của chúng đến tài nguyên, môi trường vùng bờ; xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn thải có nguồn gốc từ đất liền và biển, tác động đến môi trường vùng bờ; đề xuất các giải pháp kiểm soát và quản lý các nguồn thải từ đất liền và trên biển...

TP.HCM thí điểm 3 tuyến xe buýt điện 12 chỗ ngồi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm điểm vận hành 3 tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng xe điện 4 bánh 12 chỗ ngồi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian thí điểm 3 năm.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm quy định về thời gian hoạt động trong ngày, lộ trình tuyến đường được phép hoạt động; lưu ý việc vận hành xe điện nêu trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông; định kỳ 6 tháng thực hiện, tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện tiếp theo.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành các quy định quản lý đối với hoạt động xe buýt sử dụng xe điện 4 bánh để UBND Thành phố Hồ Chí Minh triển khai, thực hiện.

Được biết, theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay nhu cầu sử dụng xe ô tô điện để vận chuyển hành khách công cộng, nhất là khách du lịch trên địa bàn thành phố là rất lớn. Căn cứ tình hình thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn 3 khu vực thí điểm xe buýt điện gồm: Khu trung tâm thành phố, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Đẩy nhanh tuyến nối Thái Bình, Hà Nam với cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình tập trung nguồn lực và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành giai đoạn 1 của tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình.

Phó Thủ tướng lưu ý, việc đầu tư giai đoạn 2 của tuyến đường, UBND tỉnh Thái Bình lập dự án riêng và được xem xét khi có chủ trương về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án.

Tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình-Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình dài 48 km, nền đường chính rộng 22m, gồm 4 làn xe, mỗi chiều có 1 làn xe cơ giới, 1 làn xe thô sơ, có dải phân cách giữa rộng 1,5m, hệ thống đường gom 2 bên, hệ thống thoát nước, an toàn giao thông.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, tốc độ thiết kế 100km/giờ chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I từ 2010-2015 triển khai xây dựng hơn 26km từ xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà) đến điểm giao với Quốc lộ 10 tại khu vực xã An Vinh (huyện Quỳnh Phụ); giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2015-2020 xây dựng 22km còn lại./.