Nhiều lợi ích

Chỉ rõ rằng, Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 là một gói giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: Nghị quyết chính là câu trả lời quan trọng giúp Việt Nam vượt qua thách thức suy giảm năng lực cạnh tranh.

Ông Cung đánh giá, nếu cải thiện môi trường kinh doanh, thì tốc độ tăng GDP sẽ được cải thiện đáng kể. So với các nước trong khu vực, thời gian làm thủ tục xuất khẩu của Việt Nam trung bình khoảng 21 ngày, chi phí 610 USD, thì Malaysia là 11 ngày và 450 USD.

Chỉ cần lấy ví dụ về một chỉ số theo tiêu chuẩn thời gian thông quan xuất nhập khẩu của các nước hàng đầu năm 2010 (TOP 10) mất tối đa 7 ngày. Nếu rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu còn 7 ngày thì GDP sẽ tăng lên khoảng 27 tỷ USD.

Đồng tình với TS. Cung, ông Joakim Parker, Giám đốc Văn phòng USAID Việt Nam nói "Chúng tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam coi việc nâng thứ hạng về môi trường kinh doanh như một ưu tiên. Nghị quyết 19 sẽ tạo ra những cải tiến thực sự cho môi trưởng kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế".

Mục tiêu cụ thể được Chính phủ trong 2 năm 2014-2015 là sẽ đạt được các tiêu chuẩn tương đương với các nước ASEAN-6 trong “6 chỉ số hoạt động kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới.

Các chỉ số này rõ ràng tạo ra các cột mốc đo lường các hoạt động: Cấp giấy phép kinh doanh; Nộp thuế; Thực hiện thủ tục hải quan, tiếp cận hệ thống điện; Bảo hộ các nhà đầu tư; Tiếp cận tín dụng; và Làm thủ tục phá sản.

TS. Nguyễn Đình Cung cho biết: ASEAN-6 có "chiếu trên" (Malaysia, Singapore, Thái Lan) và "chiếu dưới" (Brunei, Indonesia, Philippines). Hiện nay, chúng ta vẫn còn một khoảng cách đáng kể với các nước ASEAN-6, cho nên nếu thu hẹp được khoảng cách này trong 3 năm tới là một thành tích đáng kể.

"Nếu đạt mức trung bình của ASEAN-6 thì môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể. Trong số các chỉ số về môi trường kinh doanh, có chỉ số chúng ta đạt tốt hơn ASEAN-6 như xây dựng, thực thi hợp đồng. Nhưng nếu ta đạt mức như ASEAN-6, thì môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh về căn bản sẽ tốt hơn các nước này", TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng thừa nhận: “Ngay cả có đạt được mức này, môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn chưa bằng Thái Lan và còn thua kém nhiều Malaysia, Singapore”.

Song, việc triển khai còn rất yếu

Mặc dù Nghị quyết 19 được đánh giá cao về nội dung, nhưng việc triển khai còn yếu và chậm. Theo TS. Nguyễn Đình Cung l, Viện trưởng CIEM cho biết, đến nay, mới có 1/3 địa phương có kế hoạch hành động.

Mặc dù nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19 được nằm nhiều ở các bộ hơn. Tuy nhiên, việc triển khai ở các bộ cũng chưa đạt yêu cầu.

Ông Joakim Parker cũng nhìn nhận, trong khi một số nước ASEAN đã nâng cao năng lực đáng kể trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh thì Việt Nam vẫn chưa bắt kịp tiến độ này.

Ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: "Việc thực hiện các nội dung trong Nghị quyết 19 vẫn giao cho các bộ, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện. Nhưng nếu không đạt được, phải giải trình và chịu trách nhiệm. Việc giải trình theo quy trình chuẩn của từng chỉ số, đó là đã làm gì, đạt được gì, chưa đạt được gì và tại sao?"

Cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các cơ quan quản lý

Về góc độ là cơ quan tham mưu chính sách, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm hai chỉ số là khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư. Nhưng để thực hiện các mục tiêu này vẫn rất cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Bộ Tài chính cũng cần sự phối hợp của các bên, nhất là bảo hiểm xã hội để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cụ thể: Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện một nhiệm vụ không hề dễ dàng là: (1) Đảm bảo thời gian hoàn thành thủ tục thông quan xuất khẩu 14 ngày và nhập khẩu 13 ngày (tức là phải giảm 7 ngày so với hiện nay). (2) Thời gian nộp thuế của doanh nghiệp còn 171 giờ/năm (hiện nay là 872 giờ).

Bộ Công Thương và EVN giảm thời gian tiếp cận điện xuống còn tối đa 70 ngày. Hiện nay là 115 ngày, trong khi trung bình của ASEAN-6 là 50,3 ngày.

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giảm thời gian, thủ tục và chi phí giải quyết tranh chấp hợp đồng. Đặc biệt, giảm thời gian giải quyết thủ tục phá sản xuống còn 30 tháng

Để Nghị quyết 19 đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, các văn bản pháp quy về thủ tục nộp thuế cần thống nhất, có hướng dẫn rõ ràng, ứng dụng tối đa thông tin, tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Cần xây dựng kênh tham vấn, giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp nhanh hơn, có giá trị pháp lý cao hơn, tránh tình trạng “chỉ giải quyết trả lời bằng văn bản” hay “chờ Tổng cục trả lời”.

Bà Cúc cũng chỉ rõ, cần phát triển các đại lý thuế chuyên nghiệp, vì điều này sẽ giúp làm nhanh thủ tục, giảm thiểu rủi ro cho các cơ quan thuế. “Con số 700 doanh nghiệp khai thuế qua đại lý Thuế hiện nay là quá ít”, bà Cúc thẳng thắn.

Về phía hải quan, ông Bùi Thái Quang cho biết: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành Hải quan đã có Chiến lược phát triển đến năm 2020, cơ bản các thủ tục và chế độ quản lý hải quan phải đơn giản, hiệu quả, hài hòa và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Thủ tục hải quan chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử tại các địa bàn trọng điểm.

Đến 2015 có 100% các cục hải quan, 100% các chi cục hải quan tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm), 60% các loại hình hải quan cơ bản, 70% kim ngạch xuất nhập khẩu, 60% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Tuy nhiên, triển khai hải quan điện tử hiệu quả cần có sự phối hợp, đầu tư đồng bộ về công nghệ thông tin ở các ngành khác nhau, như: thuế, kho bạc…

Chia sẻ với những khó khăn của từng bộ, ngành, ông Phan Vinh Quang, đại diện Dự án USAID/GIG cho rằng: Việc đề ra Nghị quyết 19 là tốt nhưng để thực hiện được nó không phải là điều đơn giản. Chẳng hạn trong lĩnh vực thuế, việc cải thiện chỉ số về thời gian nộp thuế không chỉ mình cơ quan thuế làm được.

“Cho nên để thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết 19, không chỉ cần sự phối hợp của nhiều cơ quan Chính phủ mà cần phải có sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu chỉ các cơ quan Chính phủ với nhau thì không đủ”, ông Vinh chỉ rõ./.