Lập Đề án "Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười"

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án "Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười".

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Long An và các cơ quan liên quan chủ động xây dựng Đề án gắn với việc triển khai Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020; lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan, các nhà khoa học và tổng hợp theo quy định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2016.

Phê chuẩn nhân sự tỉnh Cao Bằng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với: bà Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Trịnh Hữu Khang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Nguyễn Trung Thảo, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Cần thay đổi công tác quản lý nhà nước đối với ngành Công Thương

Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu công tác quản lý nhà nước đối với ngành Công Thương cần thay đổi cơ bản để xây dựng nền kinh tế thị trường thực chất và hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành Công Thương tập trung tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu đổi mới, với trách nhiệm kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân kinh doanh trong lĩnh vực ngành quản lý.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đồng bộ để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển nhanh hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tăng năng suất dựa trên ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để nâng cấp nền kinh tế.

Khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo động lực và điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển ngày càng lớn mạnh, trừ một số lĩnh vực quan trọng nhà nước cần chi phối.

Nêu cao cung cách làm việc với tinh thần khởi nghiệp, tinh thần phục vụ doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới cải cách thể chế, cơ chế chính sách; xây dựng chiến lược, quy hoạch theo hướng thị trường; xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi phải phù hợp với cơ chế thị trường đồng thời tạo động cơ mạnh mẽ cho các chủ thể của nền kinh tế lựa chọn hành động để đạt mục tiêu đề ra.

Thông báo nêu rõ, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi, tiến tới chấm dứt cơ chế “xin - cho”; không bao cấp, hỗ trợ cho sự yếu kém; chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm. Phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư, nhất là môi trường sống của người dân. Lãnh đạo các Bộ, các địa phương phải chịu trách nhiệm chính trị trước Đảng và Nhà nước, trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra thảm họa môi trường.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục tập trung xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách của ngành Công Thương; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, tận dụng triệt để, hiệu quả những lợi ích do hội nhập mang lại.

Thành lập Phân ban Việt Nam trong các Ủy ban liên Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập, tổ chức và hoạt động của Phân ban Việt Nam trong các Ủy ban liên Chính phủ với nước ngoài.

Theo đó, Ủy ban liên Chính phủ được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ và có thể có tên gọi là Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban hợp tác song phương, Ủy ban chỉ đạo hợp tác, Ủy ban công tác, Ủy ban đối tác, Diễn đàn đối tác, Hội đồng hoặc các tên gọi khác phù hợp với điều ước quốc tế mà Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (gọi chung là Ủy ban liên Chính phủ).

Tổ chức phía Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao để thúc đẩy quan hệ hợp tác với nước ngoài, có tên gọi là Phân ban Việt Nam, Ủy ban hợp tác, Ban hợp tác, Ban Chỉ đạo hợp tác hoặc các tên gọi khác theo thoả thuận với phía nước ngoài (gọi chung là Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ, gọi tắt là Phân ban).

Phân ban có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ điều phối mối quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực với nước ngoài trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ; thúc đẩy việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác, triển khai thực hiện các điều ước quốc tế và thoả thuận quốc tế đã ký kết với nước ngoài, bảo đảm cho các Ủy ban liên Chính phủ hoạt động có hiệu quả.

Phân ban không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, không có con dấu riêng. Các thành viên của Phân ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Phân ban có nhiệm vụ đề xuất, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu khả năng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, khoa học kỹ thuật, văn hoá, thể thao và du lịch với nước ngoài; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ…

Đẩy nhanh GPMB xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về quy hoạch Đại học Quốc gia Hà Nội, Dự án ĐHQGHN tại Hoà Lạc chậm tiến độ, chưa đạt được mục tiêu theo quy hoạch do nguyên nhân chưa bố trí đủ kinh phí đầu tư xây dựng, chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù, giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn đầu tư.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc - Bộ Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ, rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc cụ thể để tháo gỡ dứt điểm và hiệu quả, trong đó tiếp tục thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 354/TB-VPCP ngày 30/8/2014 của Văn phòng Chính phủ, coi giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí vốn và giải quyết dứt điểm; do ngân sách không thể đáp ứng được việc đầu tư xây dựng đồng bộ nên ưu tiên xây dựng các cụm công trình thiết yếu, kèm hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc cần tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các dự án, công trình triển khai trong giai đoạn 1 và xây dựng các khối nhà và hạ tầng thiết yếu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với ĐHQGHN và các Bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn 1 của Đề án quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQGHN; rà soát chi phí cần thiết cho việc giải phóng mặt bằng và tái định cư 100% trong giai đoạn 1; rà soát quy hoạch giai đoạn 2, giai đoạn 3 theo hướng xây dựng khu đô thị đại học, có thể bao gồm cả một số trường, viện khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới (nguồn vốn IBRD) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự Dự án, báo cáo, xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2016./.