Làm rõ phản ánh việc lạm thu tiền đóng góp của dân tại Thanh Hóa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo điện tử Trí Thức Trẻ phản ánh về tình trạng lạm thu tiền đóng góp của người dân tại Thanh Hóa.

Trước đó, từ ngày 12-15/8/2016, Báo điện tử Trí Thức Trẻ có loạt bài phản ánh về tình trạng lạm thu tiền đóng góp của người dân ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, gây bức xúc trong dư luận.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo phản ánh; nếu có việc thu các loại phí, đóng góp của người dân sai quy định của pháp luật thì phải hủy bỏ và hoàn lại cho dân, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/9/2016.

Báo cáo Thủ tướng kết quả điều tra vụ phá rừng pơ mu tại Quảng Nam

Tiếp theo văn bản số 6067/VPCP-KTN ngày 21/7/2016 về việc phá rừng pơ mu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả điều tra, xử lý vụ việc phá rừng, khai thác gỗ pơ mu trái phép tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trước ngày 25/8/2016.

Chuyển mục đích sử dụng đất tại 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng 136.339 m2 đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định chuyển mục đích sử dụng 23,36 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.

Tiếp tục thanh tra việc sử dụng thủy lợi phí tại Hải Phòng

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ thủy lợi nội đồng và nguồn thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng tại các xã Vĩnh Phong, Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Trước đó, Chương trình thời sự tối ngày 9/7/2016 của Đài Truyền hình Việt Nam có đưa tin phản ánh nhiều năm nay cán bộ xã Tam Cường và xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã "ăn chặn" tiền thủy lợi phí nội đồng mà nhà nước hỗ trợ cho các hộ dân.

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh của Đài Truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2016.

Xét báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng về kết quả thanh tra bước đầu việc quản lý, sử dụng thủy lợi phí tại các xã theo phản ánh của Đài truyền hình Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ thủy lợi nội đồng và nguồn thu phí dịch vụ thủy lợi nội đồng tại các xã Vĩnh Phong, Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, đảm bảo kết quả thanh tra khách quan và xử lý các vi phạm đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/10/2016.

Giải quyết khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo các Bộ liên quan giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an khẩn trương tiến hành rà soát, đề xuất phương án cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực được phân công và gửi kết quả về Bộ Tư pháp trước ngày 25/10/2016 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực được phân công, chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất phương án xử lý sự trùng lặp, chồng chéo, sớm trình Chính phủ xem xét, quyết định đối với các Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013, Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013, Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014; nghiên cứu, quy định cụ thể hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lực lượng chức năng đối với từng hành vi vi phạm hành chính nhằm tạo điều kiện tối đa cho các lực lượng thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xử phạt vi phạm hành chính.

Bộ Tư pháp khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính đối với những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ cho ý kiến tháng 7/2017; xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, trình Chính phủ xem xét, ban hành tháng 12/2016.

Điều chỉnh Quy hoạch phát triển KTXH tỉnh Bình Dương

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý chủ trương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11/6/2014.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương thực hiện việc lập, trình phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Đảm bảo ATGT, an ninh trật tự trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc khai thác, vận hành đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với UBND các địa phương liên quan chỉ đạo tổ chức rà soát, thiết lập biển báo giao thông trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương, bảo đảm an toàn cho các công trình đường bộ, an toàn giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.

Đồng thời, rà soát việc điều chỉnh mức phí các dự án BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6370/VPCP-KTTH ngày 2/8/2016.

Đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng chiều dài 105,5 km với điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội (cách mố bắc cầu Thanh Trì 1,025 km thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6 km), Hưng Yên (26,5 km), Hải Dương (40 km), Hải Phòng (33 km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).

Con đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A có 6 nút giao liên thông khác mức tại giao cắt với các quốc lộ. Tuyến đường có 9 cầu lớn, 21 cầu trung, 22 cầu vượt với tổng chiều dài cầu khoảng 11 km, 124 cống chui và cầu vượt dân sinh.

Tốc độ ô tô thiết kế đạt 120 km/giờ. Mặt cắt ngang bình quân là 100 m, mặt đường rộng 33 m với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa, dải cây xanh hai bên đường, có đường gom ở các vị trí cần thiết.

Hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và hệ thống thu phí tự động, khép kín, tổ chức giao thông hiện đại và thông suốt, có lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát và ghi nhận hình ảnh, có các trạm dịch vụ, các thiết bị cung cấp xăng dầu, sửa chữa nhỏ./.