Báo cáo Thủ tướng hoạt động của Cty Xổ số điện toán Vietlott

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về hoạt động của Công ty Vietlott, trong đó có việc các địa phương chưa đồng tình với khẳng định của Bộ Tài chính (hoạt động của Vietlott không ảnh hưởng đến xổ số kiến thiết, lo ngại việc đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương sẽ bị ảnh hưởng do doanh thu xổ số kiến thiết giảm) và kiến nghị Bộ Tài chính kịp thời chấn chỉnh một số hoạt động kinh doanh không đúng quy định của Vietlott.

Đầu tư 2 dự án giao thông nối Quốc lộ 1

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo việc tổ chức triển khai Dự án tuyến nối quốc lộ 1 với thị xã Cửa Lò đoạn Quán Hành - Chợ Sơn (quốc lộ 48E), tỉnh Nghệ An và Dự án tuyến nối quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, tỉnh Quảng Bình.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An là người quyết định đầu tư và tiếp tục tổ chức thực hiện Dự án tuyến nối quốc lộ 1 với thị xã Cửa Lò đoạn Quán Hành - Chợ Sơn (quốc lộ 48E), tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình là người quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện Dự án tuyến nối quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, tỉnh Quảng Bình; thống nhất với Bộ Giao thông vận tải trước khi quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Bình có trách nhiệm tổ chức triển khai các dự án nêu trên, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Hỗ trợ giống cây trồng cho 9 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 2.016 tấn hạt giống lúa; 325 tấn hạt giống ngô và 58 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Ninh Thuận để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc được hỗ trợ 200 tấn giống lúa, 50 tấn giống ngô và 8 tấn giống rau; tỉnh Hà Giang 16 tấn giống lúa, 50 tấn giống ngô, 5 tấn giống rau; tỉnh Lào Cai 100 tấn giống lúa, 60 tấn giống ngô, 10 tấn giống rau; tỉnh Yên Bái 100 tấn giống lúa, 60 tấn giống ngô, 8 tấn giống rau; tỉnh Hà Tĩnh 500 tấn giống lúa, 30 tấn giống ngô, 10 tấn giống rau; tỉnh Quảng Bình 200 tấn giống lúa, 30 tấn giống ngô, 2 tấn giống rau; tỉnh Quảng Trị 300 tấn giống lúa, 30 tấn giống ngô, 10 tấn giống rau; tỉnh Thừa Thiên Huế 200 tấn giống lúa, 5 tấn giống ngô, 5 tấn giống rau; tỉnh Ninh Thuận 400 tấn giống lúa, 10 tấn giống ngô.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh nêu trên chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và sử dụng số giống cây trồng được cấp, hỗ trợ kịp thời theo đúng quy định hiện hành.


Bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Theo đó, tổng diện tích lập quy hoạch là 433,2 ha được xác định theo Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm 2 khu: Khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A), diện tích 143,9 ha; khu vực cánh đồng Óc Eo (khu B), diện tích 289,3ha.

Nhiệm vụ quy hoạch chủ yếu là đánh giá môi trường tự nhiên và xã hội; các yếu tố kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng về cơ sở kỹ thuật của khu vực quy hoạch, bao gồm: Khảo sát, đo vẽ và đánh giá hiện trạng quy hoạch, kiến trúc, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực quy hoạch; đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dân số, lao động và thực trạng hoạt động du lịch; thực trạng quản lý bảo tồn di tích và đầu tư xây dựng trong khu vực di tích.

Bên cạnh đó, xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích, bao gồm: xác định các đặc trưng của di tích về vị trí, niên đại, cấu trúc của di tích, ngôn ngữ kiến trúc, nghệ thuật...; các giá trị tiêu biểu của di tích về lịch sử, văn hóa, giá trị khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và các giá trị khác.

Đồng thời, định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, bao gồm: Xác định nguyên tắc chung đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của toàn khu vực quy hoạch; lập danh mục các đối tượng di tích cần bảo quản, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với từng hạng mục; xác định nguyên tắc và giải pháp cơ bản đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích...

Tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam - ASEAN

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình quan hệ thương mại Việt Nam với ASEAN.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, cam kết về thương mại trong ASEAN với nội dung cụ thể, phương thức phù hợp cho từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân về cơ hội, thách thức để kịp thời xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.

Đồng thời nghiên cứu, làm rõ nhu cầu hàng hóa của thị trường ASEAN gắn với phân tích khả năng cạnh tranh của hàng hóa từ thị trường các nước có điều kiện kinh tế, năng lực sản xuất tương đồng với Việt Nam; trên cơ sở đó, rà soát các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN để xác định những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, sức cạnh tranh và tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu đối với thị trường từng nước thuộc ASEAN, trước hết là các mặt hàng nông sản (thủy sản, gạo, rau quả, tiêu, cà phê, điều), cao su, vật liệu xây dựng, sản phẩm Halal, sắt thép và sản phẩm sắt thép… để tập trung thực hiện các biện pháp phù hợp khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của hiệp hội, doanh nghiệp liên quan tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm thương mại, tổ chức chương trình giao thương, kết nối, tìm kiếm cơ hội kinh doanh để mở rộng thị trường, bạn hàng nhập khẩu, tập trung cho các mặt hàng tiềm năng, có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Tăng cường công tác thông tin thị trường, các hoạt động giới thiệu, trưng bày hàng hóa tại nước ngoài; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổ chức Hội chợ hàng Việt thường niên tại các thị trường tiềm năng để tăng cường tiếp cận thị trường nước sở tại, quảng bá hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt tại nước ngoài; thâm nhập và thiết lập quan hệ đối tác lâu dài, chiến lược với các chuỗi phân phối ở thị trường các nước ASEAN nhằm tiếp tục mở rộng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tập trung rà soát các rào cản thương mại của nước nhập khẩu, nhất là các hàng rào về kiểm dịch, chất lượng, an toàn thực phẩm để khẩn trương làm việc với các cơ quan có chức năng có liên quan của nước nhập khẩu nhằm đẩy nhanh đàm phán, ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau, kịp thời tháo gỡ khó khăn về hàng rào kỹ thuật đối với nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (như xuất khẩu thịt, sản phẩm thịt và trứng gia cầm sang Singapore; trái cây sang Thái Lan; việc công nhận hệ thống kiểm soát, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Việt Nam…).

Phó Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, rà soát cụ thể tình hình nhập khẩu từng mặt hàng và nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật quản lý chuyên ngành phù hợp để tăng cường quản lý nhập khẩu, có tính đối đẳng như các nước áp dụng với hàng xuất khẩu của Việt Nam./.