Theo đó, bỏ quy định về ưu đãi thuế đối với chủ tàu khai thác hải sản được hoàn thuế giá trị gia tăng của tàu dùng để khai thác hải sản đối với tàu được đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.

Đối với những hợp đồng đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được ký và hoàn thành, bàn giao thực tế trước ngày 01/1/2015, chủ tàu được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng tại thời điểm ký hợp đồng.

Trường hợp chủ tàu tự đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên phát sinh trước ngày 01/1/2015 (không ký hợp đồng) được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với những hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động đóng tàu (bao gồm cả đóng mới và nâng cấp) kể từ ngày 25/8/2014 đến trước ngày 01/1/2015.

Đối với những hợp đồng đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được ký trước ngày 01/1/2015 nhưng hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao từ ngày 01/1/2015 trở đi và những trường hợp đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ được ký từ ngày 01/1/2015, thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội và Điều 1 của Nghị định này. Số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định phục vụ cho việc đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ không được hoàn thuế mà tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Chủ tàu được Nhà nước hỗ trợ vay ưu đãi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/ 7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP); giá trị tàu đóng mới, nâng cấp được vay ưu đãi bao gồm cả các khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào (nếu có).

Nghị định có hiệu lực từ 15/2/2017.

Trước đó, Chính phủ đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng của Nghị định 67 bằng Nghị định 89/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, mục tiêu của việc sửa đổi này vẫn theo hướng tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển xa gắn chặt với bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Theo đó, Chính phủ ưu tiên hỗ trợ đầu tư, phát triển đội tàu vỏ thép, hiện đại hóa nghề cá, tăng năng lực khai thác hải sản đi đôi với hiệu quả chuyến biển, ứng phó tốt hơn với các hiểm họa tiềm tàng trong quá trình sản xuất trên các vùng biển xa.

Còn tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2016 của Chính phủ, chiều 29/12, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng đã đồng ý kéo dài thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản thêm 1 năm, đến hết năm 2017.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết việc thực hiện Nghị định này để xem “thủ tục cho vay, lãi suất, thời gian vay có vấn đề gì hay không, mẫu mã của tàu có phù hợp không và các chính sách hỗ trợ khác”.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014 của Chính phủ, có hiệu lực từ 25/8/2014, với nhiều chính sách phát triển thủy sản, ưu tiên đánh bắt xa bờ.
Trọng tâm của nghị định này, là Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa trên cơ sở hỗ trợ lãi suất, để ngư dân và các ngân hàng có thể làm việc trực tiếp với nhau có hiệu quả nhất.
Điểm mới cốt yếu, quan trọng nhất của Nghị định 67/CP là quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta.
Nghị định cũng quy định rõ các chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên./.