Bởi vậy, Chỉ thị 23 sắp ra đời sẽ là một cuộc tổng rà soát có ý nghĩa và đầy trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp có công nhưng chưa được hưởng, đồng thời xử lý những trường hợp không đúng.

Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền tại Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 30/3.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhận định, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều cố gắng với trên 8 triệu đối tượng người có công và 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp thường xuyên. Chính những chính sách trợ giúp đó đã tạo điều kiện cho đại bộ phận người có công có điều kiện có cuộc sống tốt.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, cũng còn có những đối tượng chưa được hưởng, còn có những đối tượng hưởng chưa đầy đủ, nhưng cũng còn có những đối tượng hưởng sai chính sách.

Chính vì vậy, các thư phản ánh của công dân chính là cơ sở để giúp cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt là ngành Lao động có trách nhiệm phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tốt nhất để làm thế nào các đối tượng người có công sớm được hưởng.

Người đứng đầu ngành Lao động cũng cho biết, hiện nay, Bộ đang tham mưu cho Thủ tướng để ra đời Chỉ thị 23 về tổng rà soát, thực hiện chính sách đối với người có công. Đây là một trong những cuộc tổng rà soát đầu tiên mang tính diện rộng với 7 đối tượng cơ bản đó là: liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng, nạn nhân ảnh hưởng chất độc da cam, cựu thanh niên xung phong, người có công giúp đỡ cách mạng.

“Tôi nghĩ rằng, đây là một cuộc tổng rà soát có ý nghĩa và đầy trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với những người có công nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp có công nhưng chưa được hưởng, đồng thời xử lý những trường hợp không đúng”, Bộ trưởng Hải Chuyền nói.

Đồng thời, bà cũng cho biết thêm, đợt rà soát này, Bộ sẽ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc để huy động các lực lượng của toàn xã hội cùng tham gia, đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội. Các đối tượng cùng tham gia rà soát cũng được tập huấn hướng dẫn kỹ trên cơ sở có kế hoạch lộ trình từng bước để thực hiện đạt kết quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng của đợt rà soát, Bộ trưởng cũng chia sẻ, cần phải có sự giám sát của nhân dân và trong quá trình giám sát nếu phát hiện ra cá nhân các thành viên trong đoàn giám sát làm chưa đủ, chưa đúng so với yêu cầu hoặc chưa đúng với sự việc thì có quyền phản ánh đến Mặt trận Tổ quốc hoặc ngành Lao động từ cấp cơ sở, đến huyện, tỉnh. “Dựa trên căn cứ vào phản ánh đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo xem xét”, bà Chuyền nói.

Trên cơ sở rà soát, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tất cả các trường hợp, xem xét từng trường hợp, để báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh và xử lý.

Đối với trường hợp chưa được giải quyết thì phải được sớm giải quyết ngay, trường hợp thiếu thì bổ sung, trường hợp sai thì phải cắt không cho hưởng.

Nữ Bộ trưởng lấy ví dụ, trong trường hợp đối với những người tham gia kháng chiến là đối tượng có công nhưng chưa được hưởng ra mắt hồ sơ thì đã có Thông tư số 28 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Quốc phòng để giải quyết vấn đề này.

Đối với thanh niên xung phong sẽ giao cho Bộ Nội vụ, cựu thanh niên xung phong sẽ lập danh sách báo cáo với tỉnh, trên cơ sở đó có quyết định thì giải quyết. Còn những trường hợp là nạn nhân chất độc da cam thì bản thân Nghị định 31 của Chính phủ đã triển khai Pháp lệnh người có công (sửa đổi) cũng đã quy định rất là rõ là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn cách lập thủ tục hồ sơ những trường hợp còn tồn đọng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Y tế triển khai giám định khả năng mất sức lao động của từng đối tượng do ảnh hưởng của chất độc màu da cam để có kết quả làm hồ sơ./