Xây dựng đường cao tốc từ Ninh Bình đến Nam Định

Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND tỉnh Nam Định chủ trì nghiên cứu triển khai đoạn Ninh Bình đến Nam Định thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo hình thức PPP trong giai đoạn 2017 - 2021.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Nam Định và Ninh Bình phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp thu ý kiến các Bộ, thực hiện đánh giá đầy đủ về sự cần thiết, nhu cầu giao thông và khả năng cân đối nguồn lực, trên cơ sở thống nhất về quy mô phân kỳ đầu tư, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai đầu tư tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua tỉnh Nam Định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 2136/TTg-KTN ngày 28/11/2016.

Nghiên cứu ý kiến về minh bạch trong bán lẻ

Vừa qua, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Minh Phú trao đổi với Báo Hải quan cho rằng "Khâu bán lẻ đang ăn quá nhiều lợi nhuận của người sản xuất và đề xuất để tạo môi trường bình đẳng, minh bạch, phải công khai thuế và tiến tới các siêu thị lớn phải nối phần mềm bán hàng thường xuyên với Cục thuế để kiểm soát doanh thu".

Sau khi xem xét, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý vấn đề trên.

Tổ chức Chương trình Xuân Quê hương hàng năm

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan quyết định việc tổ chức Chương trình Xuân Quê hương và các hoạt động dành cho người Việt Nam ở nước ngoài hàng năm theo đúng quy định hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm đạt mục đích và yêu cầu đề ra.

Năm 2017 cổ phần hóa 4 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng

Thực hiện cổ phần hóa trong năm 2017 các Tổng công ty: Sông Đà, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Công nghiệp Xi măng Việt Nam theo quy định pháp luật.

Nội dung trên tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc sắp xếp đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, giai đoạn 2011-2016, nhiệm vụ đến năm 2020.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thực hiện thoái vốn nhà nước, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tại 12 tổng công ty đã cổ phần hóa và 4 tổng công ty đang tiến hành cổ phần hóa theo quy định, bảo đảm tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ theo đúng quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 với lộ trình gồm 3 nhóm.

Nhóm 1: Giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước 40,71% vốn điều lệ tại Tổng công ty LICOGI-CTCP và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quý I năm 2017.

Nhóm 2: Thực hiện thoái vốn nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2018 về mức 0%, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đối với 10 doanh nghiệp gồm các Tổng công ty: Vật liệu xây dựng số 1, Xây dựng số 1, Sông Hồng, Đầu tư và Phát triển xây dựng, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam, Tư vấn xây dựng Việt Nam, Cơ khí xây dựng và Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam.

Nhóm 3: Thực hiện cổ phần hóa, bán bớt phần vốn nhà nước, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại các Tổng công ty: Sông Đà, Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Lắp máy Việt Nam-CTCP và Viglacera-CTCP; xây dựng lộ trình cụ thể chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định. Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các Tổng công ty này theo đúng quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Đối với Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long và Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao, hoàn thiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước 65,76% tại Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty Sông Đà về Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam. Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước 80,79% tại Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị về Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bảo đảm tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, quản lý tốt tài sản, đất đai và giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định pháp luật; không để tồn tại những khó khăn, vướng mắc kéo dài sau khi các tổng công ty được cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, xây dựng phương án thoái vốn nhà nước đối với từng tổng công ty theo lộ trình trên, bảo đảm đúng quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong triển khai thực hiện, khuyến khích và có giải pháp phù hợp đẩy nhanh hơn tiến độ cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết của các tổng công ty, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm. Phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp sau khi chuyển thành công ty cổ phần, phải đăng ký niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam thực hiện tái cơ cấu toàn diện các Công ty cổ phần Xi măng: Hạ Long, Sông Thao, bảo đảm các Công ty ổn định và phát triển, cân nhắc, tính toán về nguồn vốn cho phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, trách nhiệm trả nợ vay của Công ty này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020.

Mục tiêu của Đề án là hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất phi nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 triển khai thí điểm tại 08 huyện, sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá để triển khai cho giai đoạn sau 2020, triển khai nhân rộng tại các tỉnh, thành phố các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện.

Nội dung của Đề án, cần phải xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hài hòa, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, đô thị hóa hướng tới đô thị xanh có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nguyên tắc thực hiện là phát huy tính chủ động sáng tạo của địa phương, tránh lãng phí nguồn lực; các Bộ, ngành cần xác định được nhiệm vụ, khuôn khổ về quy hoạch phát triển cho nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa ở cấp huyện hay tại các xã được chuyển đổi thành đô thị; các địa phương, vùng miền có đặc điểm tự nhiên và sản xuất khác nhau nên Đề án cần triển khai thí điểm để tìm ra các hình mẫu phù hợp cho mỗi vùng (không tạo ra một khuôn mẫu nông thôn mới duy nhất); tính toán quy hoạch, đặt ra tỷ lệ hợp lý về số xã, huyện được quy hoạch theo Đề án (lưu ý đến cơ cấu loại hình, thiết chế, mô hình doanh nghiệp hay sự nghiệp công); đô thị hóa trong lòng huyện (cơ cấu loại hình, chất lượng dịch vụ, hạ tầng, cơ chế miễn giảm thuế, sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu, nông nghiệp công nghệ cao), hình thành các trung tâm hỗ trợ sản xuất cho các vùng.

Về nguồn lực cho Đề án, việc thực hiện theo nguyên tắc sử dụng nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách của địa phương, vốn tín dụng, doanh nghiệp và huy động sức dân; phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong cách lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện, cơ chế đất đai, quyền sử dụng đất, tích tụ ruộng đất, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Về tiến độ thời gian, hình thức, theo hình thức xây dựng mô hình khung thí điểm, lưu ý cách tính chọn mô hình thí điểm (huyện kiểu mẫu, xã ven đô lên phường …). Triển khai Đề án đồng bộ tại các nơi, không chờ xong mô hình thí điểm. Năm 2019 tổng kết, rút kinh nghiệm cho giai đoạn sau.

Trên cơ sở những ý kiến trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện Đề án, Dự thảo Quyết định phê duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2017.

Tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Gần đây một số tờ báo phản ánh tình hình trẻ em bị xâm hại, gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây lo lắng cho các gia đình có trẻ em gái.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan đề xuất, tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường giáo dục, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp trẻ em, học sinh nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh bị xâm hại.

Lựa chọn phương án thiết kế sân bay Long Thành

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng nhà ga hành khách Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng nhà ga hành khách Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (phương án thiết kế kiến trúc) được lựa chọn phải hợp lý về công năng, đảm bảo tính kinh tế, thân thiện với môi trường và có dấu ấn mang tính hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam cả về kiến trúc không gian và nội thất, ngoại thất công trình.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải thành lập Tổ tư vấn lựa chọn 1 phương án trong số 3 phương án thiết kế kiến trúc đã được Hội đồng thi tuyển kiến trúc sân bay Long Thành tuyển chọn và Bộ Giao thông vận tải đề nghị (gồm: Phương án LT-07 của Liên danh CPG giữa Singapore, Việt Nam và Nhật Bản; phương án LT-03 của HEERIM, Hàn Quốc và phương án LT-04 của Liên danh Japan Airport Consultants giữa Nhật Bản và Pháp), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2017.

Thành phần của Tổ tư vấn gồm từ 20-30 chuyên gia trong các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc và kỹ thuật hàng không thuộc các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an và các Hội: Kiến trúc sư Việt Nam, Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Khoa học công nghệ hàng không Việt Nam, Tổng hội xây dựng Việt Nam và Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam.

Trên cơ sở phương án thiết kế kiến trúc đã được Tổ tư vấn lựa chọn, Hội kiến trúc sư Việt Nam đề xuất các nội dung cần chỉnh sửa về kiến trúc công trình làm cơ sở cho các bước thiết kế tiếp theo./.