Doanh nghiệp mất tới 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ để kiểm tra

Tại buổi kiểm tra 11 bộ, sáng 21/8, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ các hạn chế trong cải cách các hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu:

Thứ nhất là kiểm tra chồng chéo. Trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần bộ thủ tục kiểm tra. Đây là tỷ lệ rất lớn, điển hình như một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm.

Thứ hai, còn tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp, kiểm định. Nhiều mặt hàng do các nhà sản xuất uy tín hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm định trong khi không đủ điều kiện về nhân lực, kỹ thuật. Có những đơn vị được Bộ chỉ định kiểm tra mang tính độc quyền, như cả nước chỉ có 1 đơn vị kiểm tra tại Hà Nội, “miền Nam cũng ra, miền núi cũng xuống, miền biển cũng phải lên”.

Thứ ba, việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối điện tử giữa các Bộ trên một cửa quốc gia còn rất hạn chế. Thủ tục còn thủ công rất nhiều.

“Quan trọng nhất là kiểm tra rất nhiều, thủ tục rất nhiều, nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp. Trong khi doanh nghiệp mất tới 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ để kiểm tra. Chi phí không chính thức cũng cực lớn mà không ai liệt kê được hết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thứ tư, việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực… cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn hạn chế.

Cuối cùng, qua kiểm tra, nổi lên các thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm, đây là vấn đề được các doanh nghiệp, người dân và các cơ quan liên quan quan tâm nhất, đặc biệt là trong thực hiện Nghị định 38.

Cần giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%

Cũng tại buổi họp trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu rõ có 8 vấn đề cần tập trung xử lý trong thời gian tới.

Trước hết, đề nghị các Bộ tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản mà Nghị quyết 19 và Quyết định 2026 của Thủ tướng đã giao. Tinh thần là lần kiểm tra sau, các Bộ phải hoàn thành 100%.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra, đây là nhiệm vụ tiên quyết. Danh mục hàng hóa phải kiểm tra cũng phải gắn liền với mã HS để công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục.

Thứ ba, rà soát số lượng các văn bản quy định về kiểm tra, quản lý chuyên ngành, theo hướng một văn bản có thể điều chỉnh nhiều mặt hàng, thay vì như hiện nay, một mặt hàng nguyên liệu sản xuất bánh kẹo phải thực hiện theo 4 văn bản cùng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm 3 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng.

Thứ tư, rà soát, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra chuyên ngành. Qua đó chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro.

Thứ năm, tăng cường công nhận chất lượng sản phẩm với các nước.

Thứ sáu, khắc phục tình trạng một mặt hàng do nhiều Bộ cùng chủ trì kiểm tra. Tổ công tác sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng giao 1 bộ chủ trì việc kiểm tra, bộ đó sẽ mời các bộ khác cùng đi kiểm tra, “còn hiện nay các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi”.

Thứ bảy, đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa quốc gia.

Thứ tám, kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị định sửa đổi cùng lúc các nghị định về kiểm tra chuyên ngành, theo đó sẽ cắt giảm thủ tục, giảm mặt hàng phải kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, thay đổi hình thức quản lý… để kéo giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% thay vì 30-35% như hiện nay.

Ngay hôm sau, ngày 25/08, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, cải cách toàn diện công tác quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của các Bộ quản lý chuyên ngành, cần được nghiêm túc thực hiện, tạo chuyển biến rõ rệt ngay từ năm 2017.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp liên quan tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ, Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đặc biệt là phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật được giao tại các Nghị quyết số 19 và Quyết định số 2026/QĐ-TTg nêu trên trong năm 2017.

Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tập trung rà soát từng mặt hàng cụ thể để thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó giao các Bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực xác định cụ thể các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra nhà nước về chất lượng trước thông quan và sau thông quan; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trao đổi thống nhất về cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra chất lượng đối với bình chữa cháy nhập khẩu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định liên quan cho phù hợp.

Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương để chỉ đạo cơ quan hải quan cho phép doanh nghiệp được nộp kết quả kiểm tra, giám định chuyên ngành về hiệu suất năng lượng sau thông quan đối với việc nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm tra hiệu suất năng lượng.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính nghiên cứu thống nhất phương án kiểm tra giảm, chỉ kiểm tra hồ sơ đối với thực phẩm nhập khẩu theo hướng những sản phẩm thực phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, cùng xuất xứ đã được kiểm tra nhà nước và có thông báo đạt yêu cầu nhập khẩu 3 lần liên tiếp thì chuyển sang luồng xanh kiểm tra giảm, chỉ kiểm tra hồ sơ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan, hoàn thành trước tháng 6/2018.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định về kiểm tra chuyên ngành như đã báo cáo tại các văn bản nêu trên, sớm ban hành để triển khai thực hiện, bảo đảm có hiệu quả thực tế, tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các Bộ quản lý chuyên ngành thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát và công bố đầy đủ danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam năm 2017./.