Trong buổi chiều 22/11, đã có 24 vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại hội trường, có 6 vị đại biểu Quốc hội tranh luận, nhưng còn 45 vị đại biểu Quốc hội đã đăng ký, nhưng không đủ thời gian để phát biểu.

Qua ý kiến thảo luận, tuyệt đại đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao về chủ trương và tán thành sự cần thiết phải ban hành luật này.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý cho rằng, Dự thảo Luật cần xem xét, quy định cụ thể một số chính sách về mức phân bổ ngân sách, nguồn thu để lại tại các đặc khu; các chính sách an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng là người dân đã sinh sống lâu năm tại địa phương và ảnh hưởng của chính sách sử dụng đất có thời hạn lên tới 99 năm...

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường

Vẫn có những cơ chế giám sát tương đối chặt chẽ đối với Trưởng đơn vị HCKTĐB

Mặc dù đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ càng của Ban soạn thảo, song đại biểu Bùi Thu Hằng - Hoà Bình cho rằng, đây là một luật khó và phức tạp, đưa vào luật các chính sách đặc biệt về hành chính và kinh tế, tạo điều kiện phát triển năng động vừa có tính đột phá, vừa ổn định bền vững. Vì thế, đòi hỏi Ban soạn thảo nghiên cứu sao cho kết quả có một luật vận hành đồng bộ với các luật đã ban hành như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và một số luật chuyên ngành khác.

“Theo quan điểm "dò đá qua sông" vừa làm vừa hoàn thiện, tôi đề nghị luật được sớm ban hành, đây là luật khung, sau Chính phủ sẽ chi tiết trong khuôn khổ đó là cơ sở pháp lý để quản lý, tổ chức thực hiện”, đại biểu Hằng đề xuất.

Về phương án tổ chức chính quyền đặc khu, đại biểu Hằng đồng tình phương án 1. Song, vị đại biểu này cho rằng, Chính phủ cần có giải trình rõ hơn và thuyết phục hơn vì Luật Tổ chức chính quyền địa phương Quốc hội ban hành năm 2015 quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương bao gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Vị đại biểu này cũng băn khoăn cơ chế giám sát khi mô hình tổ chức không có Hội đồng nhân dân và trưởng đặc khu được giao quá nhiều quyền lực.

Chia sẻ với sự băn khoăn của đại biểu Bùi Thu Hằng về việc thực hiện chức năng giám sát đối với Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, song đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Nam Định cho rằng, không nên quá lo lắng về vấn đề này. Bởi, vị đại biểu này cho rằng, chúng ta vẫn có những cơ chế giám sát tương đối chặt chẽ đối với Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thứ nhất, đó là giám sát của đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, giám sát của hội đồng nhân dân tỉnh, đây là cơ chế giám sát quyền lực từ trên xuống của cơ quan dân cử.

Thứ hai, đó là giám sát trực tiếp của nhân dân thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thông qua việc tiếp công dân và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của của Mặt trận Tổ quốc cũng như giám sát của báo chí trên địa bàn.

Thứ ba, với tư cách là người do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, thì Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chịu sự giám sát của Thủ tướng Chính phủ, các bộ cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

“Với cơ chế giám sát của cơ quan dân cử giám sát ngang cấp của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, giám sát từ trên xuống của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên thì rõ ràng chúng ta có thể yên tâm luôn có sự giám sát đối với Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên địa bàn”, đại biểu Hoa phân tích.

Nguyễn Thị Quyết Tâm - TP Hồ Chí Minh đánh giá việc đưa ra 2 phương án đề lựa chọn đối với tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Chính phủ là thận trọng cần thiết để cho Quốc hội có không gian để thảo luận và có sự lựa chọn.

“Cả 2 phương án Chính phủ và Ban soạn thảo đều có phân tích rất thấu đáo, ưu điểm của nó là gì? Hạn chế của nó là gì? Cuối cùng Ban soạn thảo, Chính phủ chọn phương án 1. Tôi thấy điều đó rất có trách nhiệm. Tôi đồng ý như Chính phủ chọn phương án 1”, đại biểu Tâm thẳng thắn.

Tán thành phương pháp tiếp cận của Dự thảo Luật là không ưu đãi dàn trải, chỉ tập trung vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu, tuy nhiên đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy - tỉnh Bến Tre cũng đề nghị Dự thảo Luật nên quy định cụ thể mức phân bổ ngân sách và nguồn thu để lại tại các đặc khu trong thời gian đủ để các đặc khu hoàn chỉnh chính sách, bộ máy và cũng là cơ sở để cơ quan chức năng thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả mang lại của các đặc khu. Đặc biệt, đại biểu bày tỏ băn khoăn và cho rằng nên xem xét lại đối với một số các chính sách có tính chất áp dụng lâu dài không dễ gì khắc phục, sửa chữa. Nếu có sửa chữa thì hậu quả của chính sách không chỉ gây xung đột lợi ích của tổ chức, cá nhân mà còn gây xung đột lợi ích quốc gia như việc cho thuê đất 99 năm.

Ở một góc độ khác, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công - tỉnh Vĩnh Long lưu ý, ngoài các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đặc khu cần tính đến các nhóm đối tượng là người dân đã sinh sống lâu năm tại địa phương này. Các nhóm đối tượng này cần có các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ để người dân có thể yên tâm tiếp tục sinh sống bình thường trên quê hương của mình. Tránh việc để người dân bản địa bị mất nơi cư trú, mất nghề nghiệp, không được đáp ứng các yêu cầu cơ bản về sinh sống, học tập, lao động, sẽ tạo ra những bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và phát triển của đặc khu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm tại Hội trường Quốc hội/ Ảnh: baodautu.vn

Một mô hình mới và cần phải triển khai thực hiện từng bước vững chắc

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung lớn trong dự thảo của luật mà nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu quốc hội.

Thứ nhất là phạm vi và điều chỉnh đối tượng áp dụng, một số đại biểu cho rằng cần xây dựng một luật khung chung, hoặc không nên xây dựng một luật chung, quy định các tiêu chí thành lập các đơn vị này, khu vực nào đạt được các tiêu chí thì Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết thành lập và được hưởng các cơ chế chính sách quy định tại luật này.

“Thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị thì Chính phủ cũng đã nghiên cứu và lựa chọn kỹ lưỡng trong số 15 khu kinh tế ven biển dựa trên hệ thống 10 tiêu chí để xác định về vị trí địa lý, quy mô, các điều kiện phát triển như kết nối giao thông và có khả năng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực và thu hút đầu tư các nhà đầu tư chiến lược”, Bộ trưởng giải trình.

Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy nhiều mô hình rất đa dạng với các tên gọi khác nhau như đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, khu thương mại tự do, thành phố tự do… được điều chỉnh theo cả luật chung và luật riêng. Đồng thời cũng có mô hình ở các nước đã phát triển thành công hoặc thất bại.

“Đối với nước ta, đây là một mô hình mới và cần phải triển khai thực hiện từng bước vững chắc, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và phù hợp với khả năng nguồn lực của ngân sách có hạn của nhà nước. Cho nên phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng cho 3 đơn vị này là phù hợp”, Bộ trưởng Dũng lý giải.

Từ thực tiễn phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này chúng ta sẽ tiến hành tổng kết đánh giá và có thể nhân rộng những thể chế chính sách và mô hình quản lý mới hiệu lực, hiệu quả cho các khu vực khác có đủ điều kiện.

“Còn về việc thành lập 3 khu đơn vị hành chính này thì chúng ta sẽ có 3 nghị quyết riêng để thành lập khi chúng ta ban hành luật này”, Bộ trưởng Dũng cho biết thêm.

Về quy hoạch của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có ý kiến đề nghị làm rõ tính đặc biệt so với quy định của pháp luật hiện hành và dự thảo của Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Dũng cho hay, luật quy định chỉ có một quy hoạch tổng thể của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tích hợp các quy hoạch liên quan về kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, các ngành, lĩnh vực, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, nguồn lực, tiến độ thực hiện... với một tầm nhìn dài hạn và là một quy hoạch cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bên cạnh đó, luật cho phép các nhà đầu tư chiến lược tham gia lập và tổ chức triển khai quy hoạch sau khi được phê duyệt.

“Để đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế và thuận lợi trong triển khai công tác xúc tiến đầu tư sau này thì luật cũng quy định cho phép thuê tư vấn nước ngoài có uy tín trên thế giới để xây dựng quy hoạch”, Bộ trưởng Dũng cung cấp thêm thông tin.

Luật cũng chỉ quy định những nguyên tắc xây dựng và nội dung cơ bản của quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo sự chủ động cho nhà đầu tư chiến lược và các tư vấn quốc tế sau này để xuất lập quy hoạch phù hợp với yêu cầu của thị trường và các xu thế phát triển, định hướng phát triển cũng như các chuẩn mực của quốc tế.

Về chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các quy định đặc thù đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, theo Bộ trưởng Dũng, thì “Chúng ta chỉ duy nhất kém thuận lợi hơn là về thuế áp dụng đối với một số thiên đường thuế, tức là ở đó không có thuế, còn lại chúng ta bằng hoặc vượt hơn về thuận lợi so với các khu khác của các nước”.

Giải trình thêm về các chính sách ưu đãi, Bộ trưởng cho biết, các chính sách này đã tập trung thu hút vào các ngành nghề, lĩnh vực quan trọng và có tính cạnh tranh cao, đó là khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu phát triển các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học, y tế, giáo dục, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa, dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay, thương mại, tài chính, các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư có uy tín.

Từ đó, đảm bảo không ưu đãi dàn trải và chỉ tập trung vào các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các đơn vị này với nhau cũng như giữa đơn vị này với các khu hiện có trong nước.

“Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, dự thảo luật đã quy định các yêu cầu cao hơn đối với các dự án đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt về công nghệ, nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, quản trị doanh nghiệp, chất lượng công trình và dịch vụ…”, Bộ trưởng lưu ý.

Sẽ lắng nghe một cách toàn diện và đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Luật

Giải trình thêm về thời hạn cho thuê đất, Bộ trưởng Dũng cho biết, theo Luật Đất đai hiện hành, thời hạn sử dụng đất tối đa đối với đất sản xuất trong các khu kinh tế là 70 năm.

“Dự thảo luật này cho thuê đất tối đa là 99 năm, nhưng chỉ áp dụng đối với một số dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định”, Bộ trưởng Dũng lưu ý.

Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, sau phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu đã phát biểu hôm nay cũng như thảo luận tại tổ.

“Chúng tôi sẽ lắng nghe một cách toàn diện và đầy đủ để hoàn thiện dự thảo luật theo hướng sẽ có một luật đạt chất lượng và đảm bảo sự thành công của các đặc khu này, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt này như mong muốn của quý vị đại biểu”, Bộ trưởng khẳng định.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, đây là đạo luật rất quan trọng, một đạo luật lớn, mới và có những nội dung phức tạp.

Qua ý kiến thảo luận, tuyệt đại đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao về chủ trương và tán thành sự cần thiết phải ban hành luật này.

“Các vị đại biểu Quốc hội cảm nhận rằng đây là một đạo luật quan trọng, phải làm thận trọng nhưng cũng không nên cầu toàn, chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự án luật này trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, phải có một hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận kỹ về dự án luật này, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

“Điểm cuối cùng, đề nghị cơ quan phối hợp để chuẩn bị tốt 3 đề án và các nghị quyết kèm theo cùng với dự án luật này để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở./.