Summary

The goal of building an independent and self-sufficient economy in Vietnam was set out right after our country gained independence. However, the process of building an independent and self-reliant economy is not easy and has experienced many difficulties and challenges. Fortunately, thanks to the reform process and unceasing efforts, our country has overcome many difficulties and achieved remarkable results in economic development. The article analyzes the influence of the international economic integration process on building an independent and self-reliant economy of Vietnam over the past 3 decades, the difficulties, challenges and opportunities that Vietnam needs to recognize to build an independent and self-reliant economy in accordance with the policy set out by the Party.

Keywords: international economic integration, building an independent economy, Vietnam

GIỚI THIỆU

Tại Việt Nam, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ luôn là chủ trương được Đảng đề ra trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế đất nước. Nguyên tắc này đã được Đảng xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết đại hội. Gần đây, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã xác định quan điểm "Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại".

Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi với nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định, như: xung đột chính trị, biến đổi khí hậu, cạnh tranh chiến lược; rủi ro khủng hoảng tài chính - tiền tệ…, việc tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động hội nhập quốc tế là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. Đây là đòi hỏi khách quan và cấp thiết giúp Việt Nam tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, sáng tạo và đổi mới, đảm bảo cho phát triển bền vững, mở rộng quan hệ quốc tế, và giữ vững được sự độc lập, tự chủ, ổn định chính trị ở Việt Nam đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM

Trải qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã có quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ và có tác động sâu sắc đến quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ của đất nước. Quá trình hội nhập quốc tế ấn tượng thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế, phát triển quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia vào nhiều FTA quan trọng, nhằm mở rộng quan hệ thương mại và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Trong số đó, có một số FTA đáng chú ý như:

- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Việt Nam là một trong 11 quốc gia thành viên sáng lập của CPTPP, một FTA đa biên giới. CPTPP tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận các thị trường mới và nâng cao tiêu chuẩn và quy tắc thương mại.

- Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA): Việt Nam là thành viên của ASEAN và tham gia vào AFTA, FTA giữa các quốc gia thành viên của ASEAN. AFTA thúc đẩy cải thiện tiêu chuẩn và quy tắc thương mại trong khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư.

- FTA Việt Nam - EU (EVFTA): Đây là FTA giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). EVFTA tạo điều kiện cho việc tăng cường thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, đồng thời thúc đẩy quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA): Đây là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam, trong đó cả Việt Nam và Nhật Bản dành nhiều ưu đãi cho nhau hơn so với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP). VJEPA tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở cửa thị trường, tăng cường hợp tác đầu tư và nâng cao quyền lợi kinh doanh của các doanh nghiệp 2 nước.

- FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA): Hiệp định này được ký kết giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều. VKFTA đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường và mở cửa cơ hội kinh doanh giữa 2 nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, như: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Điều này cho phép Việt Nam tham gia vào các cuộc đàm phán quan trọng về thương mại và hợp tác kinh tế, tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu.

NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC

Việc phát triển quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới thông qua ký kết các FTA, hợp tác song phương, đa phương và khu vực giúp Việt Nam mở rộng phạm vi hợp tác với các đối tác quốc tế, từ việc trao đổi thương mại đến hợp tác đầu tư, nghiên cứu và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế. Cụ thể, hội nhập kinh tế quốc tế đã có nhiều đóng góp vào thành quả xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam như sau:

Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu và tăng cường xuất khẩu. Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong nhiều năm qua, tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 6% trong giai đoạn từ 2007 đến nay. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ hàng đầu thế giới. Theo số liệu của Bộ Công Thương, từ năm 2007 đến năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ khoảng 48 tỷ USD lên khoảng 370 tỷ USD. Tỷ lệ xuất khẩu/GDP của Việt Nam đã tăng từ khoảng 45% vào năm 2007 lên khoảng 100% vào năm 2021. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam chiếm 180% GDP và tiếp tục giữ vị trí một trong những quốc gia có độ mở thương mại lớn trên thế giới.

Thứ hai, hội nhập kinh tế đã thu hút một lượng lớn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào các lĩnh vực, như: công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch và cơ sở hạ tầng. Điều này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và nâng cao công nghệ sản xuất của Việt Nam. Theo Báo cáo Đầu tư Thế giới 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Việt Nam là quốc gia có lượng FDI đạt mức cao nhất ở khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới vào năm 2020 [1].

Thứ ba, hội nhập kinh tế giúp Việt Nam đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào một số ngành công nghiệp hay nguồn lực chính. Trước khi hội nhập kinh tế, Việt Nam có sự phụ thuộc vào ngành nông nghiệp và nguồn lực thiên nhiên, như: nông sản, nguyên liệu mỏ và thủy sản. Quá trình hội nhập đã giúp Việt Nam mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp khác nhau, như: công nghiệp chế biến, điện tử, ô tô, dịch vụ tài chính, du lịch và nghề đóng tàu… Sự đa dạng hóa nền kinh tế giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào một ngành hoặc nguồn lực duy nhất. Việc mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp mới, như: công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, du lịch và năng lượng tái tạo, giúp tăng cường sự đa dạng và sức bền của nền kinh tế. Đồng thời, hội nhập kinh tế cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận các thị trường quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và tạo ra sự đa dạng hóa trong các mối quan hệ thương mại và đầu tư.

Thứ tư, hội nhập kinh tế đã mở rộng khả năng tiếp cận vốn và công nghệ từ các đối tác quốc tế. Việc thu hút vốn FDI và chuyển giao công nghệ đã góp phần nâng cao khả năng sản xuất và năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện đại và tạo ra những ưu thế cạnh tranh cho Việt Nam trong khu vực và toàn cầu.

Như vậy, việc mở cửa thị trường và ký các FTA đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế, mở rộng khách hàng và tăng cường cạnh tranh. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế tại Việt Nam. Chính phủ đã triển khai các chương trình cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Hội nhập kinh tế đã đem lại cơ hội tiếp cận công nghệ và quản lý tiên tiến từ các quốc gia phát triển. Việt Nam đã học hỏi và áp dụng các tiến bộ công nghệ, quản lý chất lượng và quy trình sản xuất hiệu quả, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực.

KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo ra những khó khăn và thách thức trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ của Việt Nam. Việc hội nhập kinh tế quốc tế đã làm gia tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào thị trường khu vực và thế giới, kèm theo các rủi ro, như: ô nhiễm môi trường, thiếu tài nguyên và sự bất ổn khi thị trường xuất khẩu biến đổi… Cụ thể, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những khó khăn và thách thức chính trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ của Việt Nam như sau:

Một là, nhìn ở góc độ cơ cấu hàng hóa xuất - nhập khẩu Việt Nam, thì tính độc lập tự chủ về xuất - nhập khẩu Việt Nam còn tương đối thấp, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Thị trường xuất - nhập khẩu có quy mô lớn hơn 4 lần so với thị trường trong nước và xu hướng mất cân đối giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế ngày càng lớn. Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn là động lực chính trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt trong công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây cũng là khu vực nắm giữ nguồn cung ứng nguyên vật liệu, thiết kế, kiểu dáng, máy móc thiết bị, sản xuất, thị trường, khách hàng... tức là gần như toàn bộ các khâu quan trọng và có giá trị gia tăng lớn nhất trong chuỗi.

Ngoài ra, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các nguyên liệu và thiết bị phục vụ sản xuất trong nước, trong khi xuất khẩu chủ yếu tập trung vào các sản phẩm gia công và nguyên liệu thô. Điều này phản ánh tính thiếu độc lập của nền sản xuất trong nước và mức độ phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Hội nhập kinh tế cũng làm cho Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là một số thị trường chủ chốt. Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường châu Á, với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu xấp xỉ 80%; phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu, như: Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ. Điều đó dẫn đến mỗi một sự biến đổi trong thị trường này có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nguy cơ bị trả đũa thương mại. Sự tăng trưởng nhanh của xuất - nhập khẩu ở Việt Nam trong những năm qua đã có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc này cũng đồng nghĩa nền kinh tế Việt Nam dễ bị tác động, ảnh hưởng hơn từ những biến động về kinh tế, địa chính trị trên thế giới thông qua kênh thương mại.

Hai là, mở cửa thị trường và tiếp cận vốn từ nước ngoài một mặt giúp Việt Nam tăng cơ hội huy động nguồn vốn cho phát triển, đồng thời cũng làm tăng sự phụ thuộc, cũng như tăng tổn thất trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Khi Việt Nam vay vốn từ nước ngoài hoặc phụ thuộc vào đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài, đồng nghĩa với việc chúng ta phải đối mặt với rủi ro liên quan đến biến động tỷ giá và các thay đổi chính sách tài chính, tiền tệ của các quốc gia khác và thị trường tài chính quốc tế. Với các nỗ lực, Việt Nam đã giảm tỷ lệ nợ nước ngoài từ mức gần 50% GDP năm 2017 xuống gần 37% năm 2022. Tuy vậy, hiệu quả sử dụng nợ thấp tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Xu hướng này gia tăng khi quốc gia gặp khó khăn về xuất khẩu, cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Gần đây, xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) gia tăng, nổi lên là việc các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các dự án quan trọng trong các ngành, lĩnh vực quan trọng như năng lượng, hạ tầng… Năm 2022, tổng giá trị M&A ở Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD [4]. Đầu tư vốn qua giao dịch M&A tại Việt Nam có xu hướng tăng lên so với đầu tư theo hình thức FDI. Điều này tạo ra nguy cơ doanh nghiệp Việt Nam bị thôn tính, tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia.

Ba là, việc tham gia vào các FTA có khả năng ảnh hưởng đến các quyết định về chính sách và pháp luật của các thành viên tham gia. Khi tham gia vào FTA, các quốc gia thường phải cam kết tuân thủ một số quy tắc và điều kiện được đưa ra trong hiệp định đó. Các FTA thường đề cập đến các lĩnh vực, như: thuế quan, các rào cản phi thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền lao động, quyền môi trường, và các quy tắc về tranh chấp thương mại... Khi ký kết và thực hiện hiệp định này, các quốc gia phải điều chỉnh chính sách và pháp luật của mình để tuân thủ các quy định trong hiệp định. Gần đây, OECD đề xuất thuế suất tối thiểu toàn cầu, mang đến cả lợi ích và thách thức cho Việt Nam; trong đó, thách thức có phần nghiêm trọng hơn, nếu Việt Nam không chủ động thích ứng. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao… vốn là các lĩnh vực đầu tư của các doanh nghiệp lớn thuộc diện điều chỉnh của thuế suất tối thiểu toàn cầu. Việt Nam cần áp dụng chính sách thuế này để một mặt có thể tăng thu ngân sách quốc gia, sử dụng nguồn tăng thu để hỗ trợ và ưu đãi các nhà đầu tư theo các phương thức không vi phạm luật pháp quốc tế (đặc biệt là quy định về trợ cấp bị cấm trong WTO) và tránh việc ưu đãi thuế của mình bị chuyển sang nộp ở quốc gia khác.

Vì vậy, khi điều chỉnh chính sách và pháp luật để đáp ứng các quy tắc và điều kiện của các FTA, thì Việt Nam cần phải đảm bảo các yếu tố khác, như: lợi ích kinh tế, chính trị và xã hội của quốc gia. Việc xây dựng chính sách và pháp luật cần dựa trên tinh thần linh hoạt, phù hợp với tình hình trong nước và mục tiêu phát triển của quốc gia. Việc tham gia vào các FTA do ảnh hưởng đến các quyết định về chính sách và pháp luật của các quốc gia, nhưng phải đảm bảo nó không làm mất đi quyền tự chủ và khả năng tự quyết của quốc gia. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong khi hệ thống pháp luật, chính sách của chúng ta chưa thật sự hoàn thiện và đồng bộ, những hạn chế trong xây dựng hệ thống pháp luật chưa được khắc phục.

Bốn là, trong những năm gần đây, Việt Nam có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI. Các công ty FDI lớn, như: Samsung, Intel, Honda và nhiều công ty khác đã đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam và đóng góp quan trọng vào các ngành công nghiệp, như: điện tử, ô tô, dệt may, điện lạnh và công nghệ thông tin Việt Nam. Tuy nhiên, việc đón nhận nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài cũng mang lại một số thách thức và hạn chế phát sinh từ sự phụ thuộc này. Năm 2022, xuất khẩu toàn nền kinh tế đạt 371,5 tỷ USD, trong đó, khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 275,9 tỷ USD (tương ứng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu), còn kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chỉ tăng 6,8%. Trong đó, đang chú ý là, FDI chiếm 99,67% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại; 98,31% tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính; 93% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc. Tính riêng năm 2022, 3 ngành hàng này, đã tạo nên 159 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khu vực FDI chiếm xấp xỉ 155 tỷ USD [5]. Những con số này cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đạt thành tích cao và liên tục xuất siêu nhờ đóng góp chủ yếu của khối FDI, trong khi đó, doanh nghiệp trong nước nhập siêu rất lớn. Thực trạng này đặt ra yêu cầu về chất lượng xuất khẩu và sự ứng biến linh hoạt khi thị trường có biến động.

Việc phụ thuộc quá mức vào các doanh nghiệp FDI có thể tạo ra rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp FDI rời bỏ hoặc giảm đầu tư, có thể gây ra sự chệch lệch và thiếu ổn định trong các ngành công nghiệp chủ chốt. Mặc dù các doanh nghiệp FDI mang theo công nghệ tiên tiến, tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ và quy trình quản lý từ các doanh nghiệp này cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việc nắm bắt và áp dụng công nghệ mới vẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn từ phía Việt Nam để phát triển năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này. Phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI cũng có thể tạo ra mối quan hệ thương mại không cân bằng. Các doanh nghiệp FDI thường nhập khẩu nhiều nguyên liệu và thiết bị từ nước ngoài, trong khi xuất khẩu sản phẩm đã chế biến trở lại. Điều này có thể dẫn đến sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế và khó khăn trong việc tạo ra giá trị gia tăng tại Việt Nam.

KẾT LUẬN

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã mang lại nhiều lợi ích và cả những thách thức đối với việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Việc quản lý và điều chỉnh đúng đắn trong quá trình hội nhập là cần thiết để tận dụng những lợi thế và vượt qua những khó khăn, thách thức để đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Để tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các biện pháp và chính sách phù hợp để vượt qua những thách thức và tận dụng cơ hội phát triển từ quá trình hội nhâp quốc tế, như: Nâng cao năng lực quản lý, tăng cường khả năng dự báo, quản lý rủi ro tài chính và tăng cường kiểm soát thị trường để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững; thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước và tạo điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp trong nước có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu một cách đa dạng hơn; Kiểm soát nợ công và ngoại hối, tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng tài chính và đa dạng hóa nguồn vốn từ nước ngoài. Cần hành động thực chất, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp nội địa của Việt Nam lớn mạnh. Tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thông qua tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; giảm chi phí tuân thủ pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm rủi ro trong đầu tư, kinh doanh.

Việc nâng cao tính độc lập và tự chủ của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới đòi hỏi sự đổi mới, cải cách và nỗ lực liên tục từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các doanh nghiệp và toàn xã hội. Như vậy Việt Nam mới có thể xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, cạnh tranh và bền vững./.

PGS.TS. Đinh Thị Nga, TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 8/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Anh Tuấn (2022), Việt Nam là điểm đến nổi bật của vốn FDI ngành sản xuất giá trị cao, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-la-diem-den-noi-bat-cua-von-fdi-nganh-san-xuat-gia-tri-cao/813582.vnp.

2. Bộ Công Thương (2017-2022), Báo cáo xuất nhập khẩu các năm, từ năm 2017 đến năm 2022.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb.Chính trị quốc gia.

4. Nguyễn Công Ái (2022), Thị trường M&A năm 2022, các yếu tố tạo động lực và triển vọng cho năm 2023, truy cập từ https://baodautu.vn/thi-truong-ma-nam-2022-cac-yeu-to-tao-dong-luc-va-trien-vong-cho-nam-2023-d179215.html.

5. Thế Hải (2023), Khu vực FDI xuất siêu hơn 14 tỷ USD, truy cập từ https://baodautu.vn/khu-vuc-fdi-xuat-sieu-hon-14-ty-usd-d189829.html#.

6. Tổng cục Thống kê (2023), Số liệu về tài chính và kinh tế vĩ mô, truy cập từ https://www.gso.gov.vn.

7. Tổng cục Thống kê (2023), Nỗ lực phục hồi, xuất nhập khẩu năm 2022 lập kỷ lục mới, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/01/no-luc-phuc-hoi-xuat-nhap-khau-nam-2022-lap-ky-luc-moi.

8. United Nations conference on trade and development (2021), World Investment Report 2021: Investing in sustainable recovery.