Từ khóa: thách thức, IFRS, ngành dầu khí Việt Nam, PetroVietnam

Summary

Vietnam's oil and gas industry's enterprises under the Vietnam Oil and Gas Group (PetroVietnam) with very diverse and complex fields of production and business activities, such as exploration, exploitation, processing, electricity, gas, nitrogen fertilizer, trade, and services are in the process of transforming financial statements under Vietnamese Accounting Standards (VAS) to those under International Financial Reporting Standards (IFRS). The process of transforming financial statements under IFRS of the oil and gas industry is facing many challenges in terms of human resources, finance, technological infrastructure, transition timeline, negative effects of applying IFRS for the first time... The article assess the challenges of the oil and gas industry in the process of transforming from the financial statements under VAS to those under IFRS, thereby proposing some recommendations in the future.

Keywords: challenges, IFRS, Vietnam oil and gas industry, PetroVietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

IFRS là một bộ chuẩn mực kế toán quốc tế được thiết kế và phát triển bởi một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được gọi là Hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB). IFRS ra đời cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày BCTC cho các công ty đại chúng. IFRS tập trung vào các hướng dẫn, diễn giải chung nhất về cách lập BCTC hơn là thiết lập các quy tắc lập báo cáo ngành cụ thể. IFRS có thể xem là sự thay đổi về chuẩn mực kế toán lớn nhất trong thời đại, là một điều hết sức cần thiết đối với các công ty lớn có các chi nhánh tại các quốc gia khác nhau.

Chuyển đổi BCTC theo IFRS là quá trình thay đổi cách thức lập và trình bày BCTC của doanh nghiệp từ VAS sang IFRS. Quyết định số 345/QĐ-BTC, ngày 16/3/2020 phê duyệt Đề án áp dụng Chuẩn mực BCTC tại Việt Nam đã đưa ra lộ trình triển khai áp dụng IFRS với 3 giai đoạn theo từng mốc thời gian (Bảng).

Bảng: Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam

Giai đoạn chuẩn bị

Giai đoạn 1

Giai đoạn 2

Thời gian

Năm 2020-2021

Năm 2022-2025

Sau năm 2025

Nội dung

1. Xây dựng và ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam.

1. Bộ Tài chính khuyến khích các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn nhân lực tự nguyện áp dụng IFRS.

1. Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS.

2. Dịch thuật, soát xét, xây dựng và ban hành bản dịch IFRS sang tiếng Việt.

2. IFRS được áp dụng để lập BCTC hợp nhất đối với: các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, các công ty mẹ là công ty niêm yết…

2. IFRS được áp dụng để lập BCTC hợp nhất đối với: các công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, các công ty mẹ là công ty niêm yết…

3. Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp

3. IFRS được áp dụng để lập BCTC riêng đối với doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài.

3. IFRS được áp dụng để lập BCTC riêng đối với doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài.

Theo thống kê từ IFRS, đến tháng 4/2018 có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ (87%) trong 166 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã bắt buộc sử dụng chuẩn mực IFRS trong đó có Việt Nam. Việc áp dụng IFRS sẽ mở ra một cơ hội phát triển, đồng thời cũng mang lại những thách thức khá lớn với doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành dầu khí nói riêng. Tuy nhiên, với xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế và tham gia hiệp định thương mại tự do, thì việc lập BCTC theo IFRS ngày càng trở nên cần thiết.

CÁC THÁCH THỨC VỚI DOANH NGHIỆP NGÀNH DẦU KHÍ QUỐC GIA VIỆT NAM KHI CHUYỂN ĐỔI THEO IFRS

Thứ nhất, nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi BCTC theo IFRS đang thiếu hụt và có nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực cho chuyển đổi bao gồm nhân lực thực hiện lập BCTC và nhà quản lý - người phê duyệt BCTC. Nhân lực kế toán phải gồm những nhân viên được đào tạo chuyên sâu về IFRS và cần phải đạt được một trình độ tiếng Anh khá cao để có thể tự mình nghiên cứu các quy định và diễn giải của IFRS trong trường hợp các hướng dẫn IFRS bằng tiếng Việt chưa được ban hành một cách đầy đủ. Nhà quản lý cũng cần phải có am hiểu nhất định về IFRS để xác định được giải pháp triển khai, phê duyệt, đánh giá BCTC theo IFRS.

Theo báo cáo từ PetroVietnam, trình độ nhân sự trên đại học mới chiếm trên 9,167% trong tổng số lao động. Thực trạng này cũng ảnh hưởng tới trình độ nhân sự kế toán trong chuyển đổi khá nhiều do yêu cầu về kế toán viên cho chuyển đổi phải là nhân sự chất lượng cao. Kế toán tại các doanh nghiệp ngành dầu khí hiện nay chỉ quen với cách thức hạch toán kế toán truyền thống, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với các IFRS và chưa chưa nhận thức được những ưu việt từ IFRS. Hiện, các kế toán mới chỉ tham gia quá trình cập nhật về IFRS của Bộ Tài chính, nghiên cứu các tài liệu đào tạo của công ty kiểm toán, mà chưa được đào tạo chuyên sâu về IFRS, nên sự sẵn sàng áp dụng IFRS còn hạn chế và có tâm lý ngại thay đổi. Đội ngũ kế toán hiện thời của các doanh nghiệp áp dụng IFRS sẽ vừa phải thực hiện công tác kế toán theo VAS (trong giai đoạn chuyển đổi) vừa phải đi học về IFRS để có thể tự mình hạch toán kế toán và trình bày báo cáo theo IFRS, nên khối lượng công việc rất nhiều. Bên cạnh đó, IFRS tương đối phức tạp và khó hiểu đối với người sử dụng, ngay cả với những nền kinh tế phát triển, IFRS lại thường xuyên được cập nhật, sửa đổi. Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng chính thức IFRS. Một trong những rào cản trong việc triển khai áp dụng IFRS là khả năng đọc hiểu và áp dụng của đội ngũ kế toán tại các doanh nghiệp ngành dầu khí, bộ phận am hiểu về tiếng Anh lại phần lớn đảm nhiệm khâu thu xếp vốn, hợp đồng quốc tế... Ngoài ra, IFRS cũng yêu cầu kế toán viên phải am hiểu sâu hoạt động của doanh nghiệp, nắm bắt, phân tích thông tin theo đúng “bản chất”, các yêu cầu trình bày và thuyết minh theo IFRS có thể đòi hỏi phải ghi chép thông tin chi tiết hơn. Ngành dầu khí lại có đặc điểm về lĩnh vực sản xuất kinh doanh phức tạp, quy trình kinh doanh đa dạng. Ngoài ra, theo Quyết định số 345/QĐ-BTC, các công ty con, công ty liên kết của các công ty thành viên/liên kết lớn ngành dầu khí cũng sẽ phải lập các bộ báo cáo thông tin tài chính cho mục đích lập BCTC hợp nhất của công ty mẹ theo IFRS. Do vậy, các công ty con, công ty liên kết này cũng cần phải tuyển dụng và đào tạo các cán bộ kế toán có khả năng lập các bộ thông tin tài chính cho mục đích hợp nhất theo IFRS. Khối lượng công việc kế toán theo đó tăng lên và cần nhiều thời gian và nhân sự kế toán để giải quyết hoặc phải có hệ thống phần mềm kế toán đủ mạnh.

Nhân sự kế toán và nhà quản lý trong quá trình chuyển đổi BCTC theo IFRS cần có sự tư vấn và hỗ trợ từ đội ngũ các kiểm toán viên, những người sẽ trực tiếp tham gia vào các cuộc kiểm toán các BCTC hợp nhất theo IFRS. Hiện nay, đa số các kiểm toán viên được đào tạo chuyên sâu về IFRS đều nằm ở các công ty kiểm toán thuộc các công ty kiểm toán lớn. Thậm chí, ngay cả trong các công ty kiểm toán lớn, số lượng nhân viên kiểm toán tham gia vào các cuộc kiểm toán bộ BCTC hoàn chỉnh được lập theo IFRS cũng không phải là nhiều, vì nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được yêu cầu lập các bộ báo cáo gửi Tập đoàn lập theo IFRS thay vì lập bộ BCTC hoàn chỉnh theo IFRS. Hiện nay, phần lớn BCTC của các doanh nghiệp ngành dầu khí được kiểm toán bởi Deloitte Việt Nam. Điều này cũng tạo ra một số hạn chế như số lượng nhân sự kiểm toán viên am hiểu IFRS không quá lớn, kinh nghiệm các doanh nghiệp thu được có thể không đa dạng, như khi có nhiều lựa chọn từ các hãng kiểm toán lớn khác trong nhóm Big four (KPMG, PWC...)

Am hiểu của nhà quản lý với IFRS tại các doanh nghiệp ngành dầu khí thường chỉ dừng lại ở việc nắm được lộ trình của việc chuyển đổi BCTC theo IFRS do Bộ tài chính ban hành. Phần lớn các nhà quản lý nhận thức được yêu cầu pháp lý và tầm quan trọng của việc chuyển đổi nhưng do các tài liệu và đào tạo về IFRS còn chưa được cung cấp đầy đủ từ tập đoàn, phần lớn công ty nào thực hiện chuyển đổi sẽ tự thu thập từ các nguồn phục vụ kế toán là chính. Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp có suy nghĩ đơn giản coi chuyển đổi BCTC sang IFRS là việc thay đổi chính sách kế toán, và là trách nhiệm của bộ phận kế toán. Tuy nhiên, trên thực tế, IFRS cần rất nhiều sự thay đổi trong tư duy và nhận định của nhà quản lý doanh nghiệp và đòi hỏi phải có sự hiểu biết và hợp tác của nhiều bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp.

Thứ hai, nguồn lực tài chính và hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi BCTC theo IFRS. Nguồn lực tài chính cần thiết cho việc chuyển đổi và lập BCTC theo IFRS là rất lớn, gồm: chi phí thuê kiểm toán, tư vấn, thuê tổ chức định giá, đào tạo nhân viên. Với những doanh nghiệp có quy mô lớn trong ngành dầu khí kinh doanh đa lĩnh vực, như công ty mẹ - PetroVietnam, chi phí cho chuyển đổi cực kỳ tốn kém, đặc biệt là phần định giá tài sản lại theo quy định của IFRS, do có ít đơn vị có thể thực hiện được. Quá trình thực hiện định giá cực kỳ phức tạp trong việc tiếp cận thông tin thị trường. Thông tin đầu vào từ thị trường (chứng khoán, nhà đất) để phục vụ cho công tác định giá còn rất hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng, thiếu minh bạch và không cập nhật, gây khó khăn trong quá trình làm việc và ảnh hưởng tới mức độ tin cậy của các đánh giá về giá trị hợp lý.

Ngoài ra, tại nhiều doanh nghiệp, hệ thống phần mềm kế toán hiện nay chưa hoàn toàn đồng bộ và chưa có tính năng để nhập các bút toán chuyển đổi theo IFRS, nên hiện nay nếu tiến hành chuyển đổi theo IFRS đều phải tiến hành thủ công dẫn đến mất nhiều công sức và có thể mắc phải những nhầm lẫn trong quá trình tính toán. Đặc biệt, đối với nhiều công ty mẹ thuộc ngành dầu khí, thì lượng dữ liệu tại một số công ty con tương đối lớn và phức tạp. Vì vậy, khá khó khăn và mất thời gian trong việc thu thập và xử lý cho nhu cầu sử dụng trong chuyển đổi IFRS Tuy nhiên, theo định hướng chung, phần lớn các doanh nghiệp ngành dầu khí chọn cách thức chuyển đổi tự động hoàn toàn nên cần đầu tư hạ tầng và phần mềm hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), việc này giúp cho chuyển đổi thuận lợi, quản lý tài chính tốt hơn, nhưng sẽ đẩy chi phí đầu tư ban đầu lên rất cao.

Thứ ba, những ảnh hưởng tiêu cực khi chuyển đổi BCTC theo IFRS. Theo kinh nghiệm từ các công ty kiểm toán, nhiều doanh nghiệp đã bị thất bại hoặc gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi. Trên cơ sở sự khác biệt trọng yếu giữa VAS và IFRS, doanh nghiệp nếu không đánh giá ảnh hưởng của những khác biệt này có liên quan đến quy trình kinh doanh nào, thì sẽ không thể thực hiện được việc chuyển đổi, không thể đề ra những yêu cầu cụ thể cho các phòng, ban liên quan. Ví thế, phòng kế toán cần xác định những thông tin nào cần phải có để phục vụ cho công tác hạch toán kế toán IFRS mà hiện thời hệ thống báo cáo theo VAS chưa có và phối hợp với phòng bán hàng và pháp chế rà soát và sửa đổi các điều khoản của hợp đồng bán hàng, mua hàng, hợp đồng vay, thuê tài sản… sau đó, làm việc với bộ phận công nghệ thông tin để tiến hành sửa đổi, cập nhật các trường dữ liệu, thông tin mới trong hệ thống.

Việc lập BCTC năm đầu tiên theo IFRS, nhiều doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực đến BCTC do có sự khác biệt lớn giữa VAS hiện tại và IFRS. Cụ thể như: Tổn thất tài sản, Thuê tài sản… có sự thay đổi rất lớn giữa hai hệ thống chuẩn mực. Khi áp dụng theo IFRS có thể làm cho đánh giá về tài sản giảm đi. Các công ty có thể lập BCTC riêng theo VAS, còn BCTC hợp nhất theo IFRS, sẽ có tình huống xảy ra là báo cáo riêng theo VAS, thì doanh nghiệp có lãi, còn báo cáo hợp nhất theo IFRS sẽ bị lỗ và doanh nghiệp sẽ không thể phân chia lợi nhuận cho các cổ đông.

Thứ tư, từ áp lực về thời gian chính thức chuyển đổi và sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với cơ quan bên ngoài. Theo lộ trình, thì mốc thời gian năm 2025 đang tới gần, hiện với các doanh nghiệp ngành dầu khí, thì BSR đã đi đầu trong lập BCTC theo IFRS do bên công ty đã đầu tư hệ thống ERP hiện đại và đồng bộ với 5 phân hệ, trong đó phân hệ tài chính và kế toán rất nhiều chức năng. Với các công ty khác, chia ra nhóm chưa có ERP đang cân nhắc đầu tư; nhóm có ERP, nhưng đã lạc hậu chưa khớp với nội dung chuyển đổi, thì cần phải đầu tư nâng cấp (ví dụ như PVD); nhóm còn lại có ERP hiện đại, nhưng không nhiều, như: BRS, Đạm Cà Mau… Thời gian không quá dài, việc lựa chọn nâng cấp/đầu tư mới ERP cần có sự tư vấn và kinh nghiệm của các công ty đi trước. Việc thiết kế của ERP cũng phải được lựa chọn nhà cung cấp uy tín và xác định chuẩn hóa các bước trong quy trình sản xuất, kinh doanh.

Sự phối hợp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp ngành dầu khí hiện nay cũng có nhiều khó khăn và chưa đáp ứng được với việc áp dụng IFRS. Các bộ phận trong doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Do đó, phòng kế toán cần xác định những thông tin cần phải có để lập BCTC theo IFRS mà theo VAS chưa có. Hay sự phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước: Sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các công ty kiểm toán, trường đại học đối với doanh nghiệp ngành dầu khí là rất cần thiết trong thời gian. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chưa biết rõ cơ chế phối hợp như thế nào, mức độ hỗ trợ ra sao.

ĐỀ XUẤT CÁC NỘI DUNG CẦN CHUẨN BỊ CHO CHUYỂN ĐỔI IFRS TẠI CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM

Một là, các doanh nghiệp, đặc biệt là công ty mẹ, cần thiết lập quy trình lập BCTC theo IFRS và tiến hành cập nhật về IFRS thường xuyên nhằm đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định. Việc xây dựng được quy trình cụ thể là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự minh bạch của BCTC, đồng thời ảnh hưởng tới danh tiếng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư hoặc nâng cấp hệ thống phần mềm ERP nhằm đáp ứng yêu cầu lập BCTC theo IFRS.

Hai là, ngành dầu khí cần nâng cao năng lực, trình độ và nhận thức của các nhân sự tham gia vào quá trình chuyển đổi BCTC theo IFRS. Lập dự toán kinh phí hàng năm cho đào tạo trong nước và quốc tế về IFRS, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo nội bộ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm lập BCTC theo IFRS giữa công ty mẹ và các công ty thành viên. Sử dụng chính sách thích hợp để khuyến khích nhân viên kế toán cập nhật về IFRS thông qua tham gia khóa đào tạo, hội thảo, khóa cập nhật của Bộ Tài chính, Hiệp hội nghề nghiệp, thi các chứng chỉ kế toán quốc tế. Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và lựa chọn đội ngũ tư vấn đủ năng lực cho việc triển khai áp dụng IFRS. Lựa chọn các công ty kiểm toán độc lập có chuyên môn, kinh nghiệm thuộc Big four để tiến hành rà soát số liệu, quy trình chuyển đổi sang IFRS, ví dụ như hiện nay Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn lựa chọn Deloitte để kiểm toán BCTC lập theo IFRS…

Ba là, chuẩn bị nguồn lực tài chính cho lập báo cáo theo IFRS: với chi phí đầu tư ban đầu cao, doanh nghiệp cần chuẩn bị về nguồn lực tài chính phù hợp với cách thức chuyển đổi. Với nhóm doanh nghiệp đã có sẵn hệ thống ERP, như: Đạm Cà Mau, PVD…, thì tập trung vào nâng cấp hệ thống sẵn có. Với nhóm doanh nghiệp có hệ thống ERP mới được đầu tư, thì tập trung vào hoàn thiện quy trình chuyển đổi BCTC. Nhóm doanh nghiệp chưa có ERP, như: Tổng Công ty Điện lực dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam…, nên xây dự dự toán chi phí chi tiết cho đầu tư ERP nhằm tối ưu hóa kết quả và tiết kiệm chi phí.

Bốn là, các công ty mẹ trong ngành dầu khí cần thực hiện đánh giá tác động của việc chuyển đổi sang IFRS ở tất cả các đơn vị thành viên có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC hợp nhất của công ty mẹ để có thể có kế hoạch đào tạo kế toán của các công ty này lập bộ BCTC theo IFRS phục vụ cho mục đích hợp nhất báo cáo của công ty mẹ./.

TS. Nguyễn Thanh Trang

Khoa Kinh tế - Trường Đại Học Mở Hà Nội

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 34, tháng 12/2023


Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính (2020), Quyết định số 345/2020/QĐ-BTC, ngày 16/03/2020 phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam.

2. Nguyễn Minh Trang (2023), Thực trạng và giải pháp áp dụng IFRS vào các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Công Thương, Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 7.

3. ww.pvn.vn

4. www.ifrs.vn