C.P. Việt Nam là một trong những công ty con của Tập đoàn C.P. Thái Lan, bắt đầu đặt dấu ấn tại Việt Nam từ những năm 1998. Qua gần ¼ thế kỉ có mặt, C.P. Việt Nam hiện có gần 17.000 cán bộ công nhân viên và nhiều chi nhánh hoạt động khắp 63 tỉnh thành phố. Nhân dịp kỉ niệm 72 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945 - 13/10/2017), Phóng viên (PV) Kinh tế & Dự báo đã có cuộc trao đổi thú vị với vị CEO người Thái, là người dành rất nhiều tình cảm và tâm huyết cho đất nước và con người Việt Nam.

Ông Montri Suwanposri.

PV: Những ngày này chúng tôi thấy không chỉ tại Việt Nam mà còn khắp nơi trên thế giới các hệ thống nhận diện như website, bảng hiệu của C.P. chỉ phủ một màu đen, có lý do gì đặc biệt không thưa ông?

Ông Montri: Những ngày này rất đặc biệt không chỉ với cá nhân tôi, với toàn thể cán bộ công nhân viên C.P. mà còn với tất cả người dân Thái Lan; đất nước của chúng tôi đang chuẩn bị cho Lễ hỏa táng cố Quốc vương Bhumibol với tất cả lòng tôn kính và biết ơn. Màu đen cũng đã xuất hiện trên toàn hệ thống C.P. trong ngày Quốc vương mất cách đây tròn 1 năm, đây là cách mà chúng tôi bày tỏ lòng thương tiếc và kính trọng với vị Vua nhân ái của mình.

PV: Xin chân thành chia buồn cùng ông và đất nước Thái Lan. Tôi có cảm nhận hình như các doanh nghiệp Thái chịu rất nhiều ảnh hưởng từ tư tưởng của cố Quốc vương Bhumibol?

Ông Montri: Từ cảm nhận của mình, tôi nghĩ không chỉ các doanh nghiệp và người dân mà cả đất nước của chúng tôi đều chịu ảnh hưởng từ tư tưởng bác ái của Ngài, đặc biệt với sự hình thành và phát triển của Tập đoàn C.P. gắn liền với nông nghiệp, chúng tôi luôn tuân thủ và làm theo những chỉ dạy của Ngài trong việc xây dựng văn hóa công ty. Ngài là người có công rất lớn trong việc đưa nền nông nghiệp của đất nước chúng tôi phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

PV: Ông có biết về Ngày truyền thống doanh nhân Việt Nam? Là 1 CEO người Thái ông cảm nhận như thế nào về các “đồng nghiệp” của mình tại Việt Nam?

Ông Montri: Tôi bắt đầu sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2004. 13 năm là khoảng thời gian đủ dài để hiểu và cảm nhận và rất yêu đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Tôi cũng biết ngày 13/10 là ngày mà Chính phủ của Việt Nam chọn để tôn vinh và ghi nhận vai trò của các doanh nhân. Bản thân tôi cũng vinh dự được tham gia nhiều hoạt động kỉ niệm trong những ngày này trong các năm qua. Tôi nhận thấy các doanh nhân Việt Nam rất giỏi, họ chịu khó và có nhiều sáng tạo trong công việc. Tôi nghĩ nếu hội tụ thêm các kĩ năng quản lý hiện đại, có tính hệ thống và đặc biệt là hệ tư tưởng tạo giá trị chia sẻ trên tinh thần biết ơn và đền ơn thì chắc chắn họ sẽ là những doanh nhân rất thành công.

PV: Cụ thể, “biết ơn và đền ơn” với một doanh nghiệp là như thế nào, thưa ông?

Ông Montri: Tùy vào lĩnh vực kinh doanh, hình thái phát triển mà mỗi công ty sẽ có những nét văn hóa riêng biệt của mình. Qua tiếp xúc và làm việc với nhiều CEO của các tổ chức, doanh nghiệp tôi thấy rằng những doanh nghiệp biết trân trọng người lao động xem họ là cộng sự, xem lợi ích của khách hàng là ngang bằng với công ty và đặt trách nhiệm cống hiến cao nhất cho xã hội cho đất nước nơi mình kinh doanh thì doanh nghiệp ấy sẽ luôn có các hoạt động “biết ơn và đền ơn” thiết thực.

Ở C.P. Việt Nam, từ lâu chúng tôi đã phát động chương trình “Đền ơn tổ quốc Việt Nam” dành cho hơn 17.000 cán bộ công nhân viên của mình. Từ việc chào cờ mỗi buổi sáng đến các hoạt động sản xuất an toàn, thân thiện và bảo vệ môi trường. Trong các phòng làm việc của C.P. khắp nơi ở Việt Nam chúng tôi đều có hình ảnh cố Quốc vương Bhumibol và Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở những vị trí trang trọng, không phải duy tâm nhưng khi gặp những việc khó khăn chúng tôi thường khấn nguyện đến những vị lãnh tụ vĩ đại này và để tâm thoải mái, con tim đơn giản làm theo nhiệt huyết mách bảo... Anh có tin không? (cười) Kết quả là rất tuyệt vời đấy…!!!

PV: Tôi thấy nhân viên C.P. Việt Nam có mặt khắp nơi để làm từ thiện, thời gian đâu để tập trung làm việc, thưa ông?

Ông Montri: Tôi cho rằng cuộc sống của mỗi người ngoài sự quan tâm cho công việc, gia đình thì sự chia sẻ với xã hội với những người khó khăn hơn mình là điều rất quan trọng. Với một công ty cũng vậy, ngoài trách nhiệm kinh doanh hướng đến sự bền vững từ tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng, biết bảo vệ môi trường, biết đóng góp cho cộng đồng đất nước mình ngày càng phát triển thì việc xây dựng văn hóa nội bộ nhằm hướng nhân viên mình ngày càng làm thật nhiều việc thiện, việc tốt là điều rất nên khuyến khích.

Mỗi năm chúng tôi vẫn dành nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chiến dịch nhân đạo ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường nhằm giúp cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân Việt Nam; trong đó nổi bật như chiến dịch Hành trình Đỏ giúp cung cấp đủ lượng máu cho người bệnh; các chương trình chăm sóc y tế cho người dân nghèo, các gia đình chính sách; hỗ trợ học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học... Có 1 điểm đặc biệt là ở các chương trình này là chúng tôi từ lãnh đạo đến nhân viên văn phòng và công nhân nhà máy đều trực tiếp tham gia vào: từ trồng cây, đi hiến máu đến trao quà hay lênh đênh tận Trường Sa với các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ cao quý nơi tuyến đầu của tổ quốc.

Ông Montri Suwanposri tham gia hiến máu trong chương trình Hành trình Đỏ.

PV: Nhân ngày truyền thống của Doanh nhân Việt Nam ông có muốn chia sẻ điều gì với họ không?

Ông Montri: Trước tiên tôi cũng xin phép được tự nhận mình cũng là một người Việt Nam bởi tình yêu và tỉnh cảm của mình dành cho đất nước này là quá lớn, rồi những gì mà bạn bè nơi đây mang lại cho tôi nữa... rất chân thành. Và nếu đã là những người bạn, người anh em thực sự tôi chỉ có một ước nguyện là mong cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam luôn phát triển mạnh mẽ để cùng đoàn kết tạo ra những giá trị bền vững không chỉ cho riêng doanh nghiệp mà còn cho cả xã hội, cho đất nước Việt Nam tươi đẹp này!

PV: Xin cảm ơn ông. Chúc ông sẽ có một ngày “Doanh nhân Việt Nam” thực sự thú vị bên những người bạn của mình!