6 yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán

Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, có 6 yếu tố được định hình sẽ tạo động lực duy trì tốc độ tăng trưởng cao của TTCK trong năm nay bao gồm: các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) và các app đầu tư chứng khoán, kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng, sự tăng trở lại kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cùng làn sóng lên sàn, chuyển sản mạnh mẽ của các ngân hàng trong năm nay.

Chỉ rõ điểm yếu, Vietnam Report nêu loạt giải pháp phát triển TTCK Việt Nam
Top 6 yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2021

Cụ thể, phân tích của nhóm chuyên gia nghiên cứu Vietnam Report chỉ ra rằng, trong ngắn hạn không yếu tố gì tốt hơn là xu hướng ngày càng gia tăng mạnh các nhà đầu tư F0 nhảy vào thị trường chứng khoán như hiện nay. Tại Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng hơn 90% giao dịch hàng ngày và đang ngày một giữ vai trò quan trọng hơn khi mà nhà đầu tư nước ngoài giảm lượng cổ phiếu nắm giữ. Thêm vào đó họ ngày càng tích lũy thêm nhiều kiến thức và kỹ năng trong giao dịch và đầu tư. Do vậy, Bloomberg cũng đưa ra nhận định nhà đầu tư F0 là động lực đưa TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt nhất châu Á và sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Việc nhà đầu tư F0 tham gia vào thị trường hiện nay là kết quả của việc lãi suất duy trì ở mức thấp liên tục nhiều tháng, nhiều quý, cùng với đó là diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam khiến việc đầu tư vào các kênh khác không hấp dẫn, ngay cả kinh doanh bất động sản. Để mua bất động sản, nhà đầu tư cần đi thăm xem đất đai, nhà cửa, nhưng khi dịch bùng phát như từ tháng 5 đến nay khiến cho việc di chuyển khó khăn, mọi người hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Trái phiếu doanh nghiệp cũng có phần khó tiếp cận với nhà đầu tư cá nhân. Do đó, dòng tiền có thể chảy vào một kênh đơn giản và dễ dàng nhất đó là chứng khoán.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tài chính (Fintech) và các app đầu tư chứng khoán trên các thiết bị di động thông minh cũng là chất xúc tác hiệu quả cho các nhà đầu tư F0 gia nhập mạnh mẽ vào thị trường. App đầu tư chứng khoán có giao diện thân thiện, hướng đến người dùng, có thể tra cứu thông tin giao dịch, hiệu suất giao dịch theo tháng, và có thể tham khảo danh mục đầu tư của nhà đầu tư có hiệu suất cao. Thêm vào đó, việc đặt lệnh mua bán dễ dàng nên thu hút nhà đầu tư sử dụng.

Các chuyên gia và nhà đầu tư trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng nếu các công ty chứng khoán có sự đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin, nâng cao sự thân thiện và hữu dụng với người dùng thì khi đó, nhà đầu tư chứng khoán ngoại trừ việc hỗ trợ margin và môi giới, với một phần mềm dễ sử dụng không bị giật, đặt lệnh trơn tru, có tính năng để theo dõi sẽ khiến nhà đầu tư ưa chuộng.

Bên cạnh yếu tố thúc đẩy thị trường từ nhà đầu tư cá nhân, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi ở mức từ 6,5 – 6,8% trong năm 2021 và có thể tăng lên 7% trong năm 2022 bởi nhiều yếu tố như Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, triển vọng xuất khẩu gia tăng khi vắc xin được phân phối rộng rãi. Theo đó, nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán nhận định các doanh nghiệp niêm yết phục hồi tăng trưởng lợi nhuận và có thể đạt trên 20% so với năm 2020. Điều này tạo thêm động lực và niềm tin cho nhà đầu tư tiếp tục đổ dòng tiền vào TTCK.

Đặc biệt, làn sóng lên sàn, chuyển sàn của các ngân hàng được dự báo là yếu tố có khả năng tác động tới việc ra quyết định của các nhà đầu tư. Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế và là kênh lưu chuyển dòng vốn. Về khía cạnh chứng khoán, nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng tốt nhất trên thị trường hiện nay, bên cạnh đó, đây còn là nhóm mà các nhà đầu tư F0 cực kỳ ưa thích, bởi vì ngân hàng là nhóm giao dịch mỗi phiên rất lớn, chỉ có nhóm ngân hàng có thể hấp thụ được hết lượng tiền của F0 trong năm 2021. Vì thế, làn sóng lên sàn, chuyển sàn của các ngân hàng cũng là một trong những yếu tố kích thích thị trường chứng khoán.

Có thể thấy sức hấp dẫn khó cưỡng của nhóm ngân hàng trên cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM và đây cũng là nhóm có sự biến động về giá cổ phiếu rất mạnh, nhiều ngân hàng tăng khoảng 2 lần chỉ trong năm 2021. Để cho nhóm ngân hàng niêm yết chuyển sàn nhiều hơn từ sàn UPCoM sang HNX và HOSE thì yếu tố liên quan đến minh bạch thông tin, điều kiện kinh doanh đều cần phải cải thiện. Chứng khoán luôn đi kèm với câu chuyện, sự kiện, khi nhóm ngân hàng đã hoạt động tốt lại có thêm việc chuyển sàn, khi đó sẽ kích thích lực cầu của nhà đầu tư rất mạnh.

Top 5 rào cản với thị trường chứng khoán trong năm 2021

Tuy nhiên, bên cạnh các nhân tố thúc đẩy sự thăng hoa của thị trường trong xu hướng kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh lên sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thị trường chứng khoán, thị trường cũng gặp không ít rào cản. Kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 rào cản với thị trường chứng khoán trong năm 2021, được xét trong ngắn hạn và dài hạn.

Chỉ rõ điểm yếu, Vietnam Report nêu loạt giải pháp phát triển TTCK Việt Nam

Top 5 rào cản thị trường chứng khoán

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2021

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến chứng khoán trong nước và toàn cầu chao đảo. Nhiều định hướng, chính sách trở lên lệch lạc, tâm lý khi đại dịch xuất hiện cũng rất khó lường, việc đứng giữa sự sống và cái chết sẽ khiến người ta ưu tiên cho sức khỏe, giành giật sự sống hơn là kiếm tiền. Nếu đại dịch được ngăn chặn, Ngân hàng Trung ương các nước sẽ rút dần tiền về sớm hơn dự kiến (không bơm thêm tiền ra lưu thông), làm cung tiền giảm khiến người dân có ít tiền đầu tư chứng khoán hơn. Theo quy luật cung cầu thì khi cầu nhiều hơn cung thì giá sẽ tăng và ngược lại.

Đi cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch là triển vọng phục hồi kinh tế còn nhiều rủi ro, và chỉ khi vắc xin Covid-19 được phân phối rộng rãi thì cuộc sống mới trở lại bình thường. Thêm vào đó, nền kinh tế cũng tiềm ẩn nguy cơ lạm phát gia tăng buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất, điều này đồng nghĩa với dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán sẽ ít đi. Những lo ngại về triển vọng kinh tế Việt Nam so với một số quốc gia khác khiến khối ngoại liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường chưa đáp ứng là vấn đề bất cập lớn đang đặt ra. Công nghệ là điều đáng bàn vì thời gian qua việc nghẽn lệnh, lỗi mạng liên tục xảy ra, đặc biệt là sàn giao dịch HOSE vào quý 1, sang quý 2 cải thiện hơn nhưng chúng ta lại bắt đầu thấy hiện tượng nghẽn mạng quay trở lại khi mà thanh khoản thị trường vượt hơn 22.000 tỷ. Đây là một yếu tố rủi ro thị trường, khiến người tham gia cảm thấy giống như bị bàn tay vô hình chi phối.

Theo phân tích của các chuyên gia, khi nghẽn mạng xảy ra sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại, bởi lẽ, với một thị trường rủi ro như vậy, mua được nhưng không bán được vì lỗi hệ thống. Việc lỗi hệ thống này cũng khiến cho Vn-Index khó tăng điểm vì yếu tố quan trọng liên quan đến thanh khoản. Chỉ số Vn-Index muốn vượt 1.200 điểm thì thanh khoản thị trường phải đạt 16.000 – 17.000 tỷ, muốn vượt 1.300 điểm thì thanh khoản phải có hơn 24.000 tỷ, nhưng vì yếu tố hệ thống cứ hơn 22.000 tỷ lại bị nghẽn lệnh.

Khi thị trường muốn vượt lên mức 1.400 – 1.500 điểm, lúc đó vốn hóa thị trường của doanh nghiệp nở to ra, đồng nghĩa với đó là thanh khoản mỗi phiên phải nở ra. Nếu hệ thống không đáp ứng được, không tải được thanh khoản như thế thì thị trường giống như một kháng cự tâm lý, cứ đến 24.000 tỷ bị nghẽn, không thể nào cao hơn mức đó được thì các nhà đầu tư không thể mua, chỉ đợi bán ra và mức thấp hơn để mua lên. Kháng cự này không chỉ là kháng cự tâm lý mà còn là kháng cự mang tính hệ thống. Cho nên, về ngắn hạn, hệ thống công nghệ thông tin là rủi ro với thị trường.

Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm, rất nhiều phần vốn hóa thị trường do nhà nước sở hữu nên phần có thể thật sự mua bán được từ bên ngoài không nhiều, mặt khác lại bị hạn chế bởi room nước ngoài. Hiện nay có khoảng 9/30 mã chứng khoán lớn nhất đã hết room.

Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu đi nhiều sản phẩm cho nhà đầu tư như bán khống, T0, quyền chọn, hiện nay mới có sản phẩm như phái sinh, chứng quyền… Điều này gây cản trở khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khó thăng hạng và khơi thông dòng vốn ngoại.

Ngoài ra, việc minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa cao, còn nhiều đội lái khiến giá cổ phiếu chưa phản ảnh đúng thực tế của doanh nghiệp, gây ra hiện tượng nhiễu loạn, cả về thông tin như lãnh đạo công bố mua cổ phiếu lại mang bán, lũng loạn về giá cổ phiếu. Để thị trường phát triển bền vững, chúng ta không thể mãi trong “ao làng”, dùng tiền của người Việt để đẩy thị trường. TTCK Việt Nam phải nâng hạng khi đó mới hút được dòng vốn ngoại.

“Nếu bây giờ chúng ta không làm được việc đó, thông tin vẫn không minh bạch, không có báo cáo tài chính bằng tiếng nước ngoài, bên cạnh đó các nhà đầu tư nước ngoài không tiếp cận được với các thông tin liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam. Nếu dòng vốn ngoại không vào thì TTCK Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong phát triển. Năm nay, thị trường có dòng vốn nội, nhưng nguồn vốn từ F0 là dòng tiền ngắn hạn, có khi chỉ vài quý, khi nào hết dịch, kinh doanh ổn định trở lại, lãi suất nhúc nhích tăng thì dòng vốn lại chảy ra, không thể ở lại thị trường dài hạn”, nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo nghiên cứu chỉ rõ vấn đề.

Giải pháp phát triển công ty đại chúng và TTCK Việt Nam

Dẫn nhận định và phân tích của các chuyên gia cũng như giới đầu tư, Vietnam Report cho rằng với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã có một nửa số hộ dân đầu tư vào chứng khoán. Còn tại Thái Lan tỷ lệ người tham gia vào thị trường này khoảng 17%, Trung Quốc lên đến 35%. Trong khi đó, tại Việt Nam con số này còn khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng hơn 3% dân số tham gia thị trường chứng khoán, nhiều người còn e ngại do thiếu niềm tin vào thị trường. Tỷ lệ người tham gia đầu tư tại các quốc gia khác cho thấy kênh đầu tư chứng khoán sẽ là xu hướng chủ chốt trong tương lai và dần trở thành một kênh tích trữ tài sản hiệu quả.

Để thúc đẩy TTCK phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 6 giải pháp trọng tâm cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bao gồm:

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thị trường chứng khoán (85,71%); Hiện đại hóa công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động giao dịch, thanh toán nhằm triển khai các sản phẩm tài chính mới (80,95%); Tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường, thực hiện thanh kiểm tra, xử phạt nghiêm theo quy định tạo sự phát triển bền vững cho thị trường (52,38%)

Đồng thời cần thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn DNNN gắn với niêm yết trên TTCK (47,37%); Đa dạng hơn các công cụ phái sinh trên thị trường (38,10%) và Nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường (38,10%)

Chỉ rõ điểm yếu, Vietnam Report nêu loạt giải pháp phát triển TTCK Việt Nam
Top 6 giải pháp hỗ trợ cho TTCK Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2021

Có 38,10% chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng để hỗ trợ TTCK cần đa dạng hơn các công cụ phái sinh trên thị trường và nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, trung tâm lưu kí, ngân hàng giám sát. Năm 2020 đã chứng kiến sự lên ngôi của các quỹ ETF trên toàn cầu, còn ở Việt Nam đã có 5 quỹ ETF nội địa được thành lập mới, chiếm 70% tổng số quỹ ETF nội hiện đang hoạt động.

Quỹ ETF là xu hướng đã phát triển nhiều năm và quy mô rất lớn ở nước ngoài. Quỹ tiết giảm được chi phí quản lý, chỉ bằng 30%-40% so với quỹ thông thường nhờ ưu thế về danh mục đầu tư đa dạng hóa, chi phí giao dịch thấp và các tùy chọn giao dịch chênh lệch giá. Bên cạnh đó, mô hình hoạt động của quỹ ETF cũng dễ hiểu, thông tin minh bạch và đưa được nhiều người đến chứng khoán. Tuy vậy, để có được thành công trong công việc xây dựng và đưa quỹ ETF phát triển hơn nữa tại Việt Nam, thì cần các giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực hoạt động của quỹ này cũng như nhiều tổ chức trung gian khác./.