Từ khóa: chính sách, kinh tế trọng điểm, nông nghiệp, TP. Hồ Chí Minh

Summary

The southern key economic region has many advantages to attract foreign direct investment (FDI). However, in recent times, there have been very few projects from new investors in the Southern Key Economic Region in general, and in the region's agricultural sector in particular, but mainly expanded investment from existing projects. There are many reasons leading to this phenomenon, of which the most important cause is mechanism and policy issues. Based on the assessment of policies to attract FDI into the agricultural sector in the southern key economic region in the period 2010-2020, the article points out shortcomings, limitations and propose solutions in the coming time.

Keywords: policy, key economic region, agriculture, Ho Chi Minh City.

GIỚI THIỆU

Vùng KTTĐ phía Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển nông nghiệp. Trong thời gian qua, Vùng đã nhận được số dự án FDI vào ngành nông nghiệp cao nhất cả nước. Thực tế cho thấy, FDI có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, như: tạo nguồn vốn, kỹ thuật cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu; tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển cơ sở hạ tầng… Có rất nhiều giải pháp để ngành nông nghiệp ở vùng KTTĐ phía Nam phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, trong đó, thể chế, chính sách thu hút thu hút FDI là một vấn đề có ý nghĩa then chốt.

CÁC KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Chính sách thuế và ưu đãi đầu tư trong FDI vào ngành nông nghiệp của Vùng KTTĐ phía Nam chủ yếu tập trung ở 3 lĩnh vực: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (DN); ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; chính sách ưu đãi tài chính về đất đai.

Về thuế thu nhập DN, qua các lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, mức thuế suất đã giảm dần qua các giai đoạn, ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức cao đối với một số lĩnh vực mũi nhọn cần khuyến khích đầu tư. Nhìn chung, thông qua các chính sách ưu đãi, mức thuế suất thực tế các DN FDI được hưởng trung bình vào khoảng 12,3%.

Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, cùng với chính sách thuế thu nhập DN, chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Nhìn chung, đến nay, các chính sách được ban hành khá đầy đủ, tạo ra khung pháp lý toàn diện, đơn giản và minh bạch trong thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Về ưu đãi tài chính về đất đai, thực hiện Luật Đất đai năm 2003, sau đó là Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và ban hành theo thẩm quyền các thông tư hướng dẫn với những quy định nhằm hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh.

Đồng thời, để thu hút đầu tư, tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính đất đai tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2017/NĐ-CP, ngày 03/4/2017 quy định thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao với những ưu đãi cao hơn mức ưu đãi của các dự án đầu tư thường.

HẠN CHẾ TRONG CHÍNH SÁCH THU HÚT FDI VÀO NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÙNG KTTĐ PHÍA NAM GIAI ĐOẠN 2010-2020

(1) Chưa có chiến lược, định hướng cụ thể để thu hút FDI vào ngành nông nghiệp

Mặc dù trong giai đoạn 2010-2020, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhưng các văn bản pháp luật cũng như chính sách đó chưa thể hiện được những chính sách đặc thù và các ưu tiên cụ thể và thể hiện chiến lược, định hướng thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Chính sách thu hút vốn FDI trong nông nghiệp được áp dụng chung như các lĩnh vực khác và dàn trải trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó, thiếu định hướng, chiến lược, chính sách đặc thù thu hút FDI vào ngành nông nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, cần đầu tư phát triển.

Hơn nữa, vùng KTTĐ phía Nam cũng không có kế hoạch phát triển nông nghiệp của riêng vùng, không liên kết với nhau trong thu hút FDI vào ngành nông nghiệp của Vùng mà từng địa phương chủ động xây dựng kế hoạch riêng của mình.

(2) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đủ hấp dẫn các DN đầu tư

Thứ nhất, mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp chưa thật sự hấp dẫn để thu hút DN cả nội địa và nước ngoài. Mặt khác, các khoản hỗ trợ bị chia nhỏ, như: hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học, quảng cáo tiếp thị, hỗ trợ cước phí vận tải… Các khoản hỗ trợ này rất khó tính toán, các DN không thể tiên lượng được khoản hỗ trợ của Nhà nước và như vậy cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Đôi khi, để nhận được các khoản hỗ trợ, DN phải đảm bảo hồ sơ, thủ tục, mất thời gian, công sức, nhưng các hỗ trợ lại không đáng kể.

Mặt khác, nguồn vốn từ trung ương giao tổng số cho các địa phương, không tách thành các ngành, lĩnh vực nên số vốn bố trí cho các DN đầu tư vào nông nghiệp rất ít.

Thứ hai, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan, cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ của DN, dẫn đến các dự án triển khai chậm trong thực tế; không quy định rõ về việc triển khai chính sách đến các bộ, ngành và địa phương dẫn đến lúng túng trong việc tổ chức thực hiện; hướng dẫn thực hiện Nghị định ban hành chưa đồng bộ trùng lắp ở một số nội dung; chậm hoặc thiếu các văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành nên việc triển khai thực hiện chính sách còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Không những rườm rà, phức tạp, các thủ tục hành chính còn không thống nhất giữa các địa phương. Thủ tục, hồ sơ đã được duyệt ở tỉnh này nhưng lại không được duyệt ở tỉnh khác, làm chậm tiến độ đầu tư của DN.

Thứ ba, hệ thống pháp luật, chính sách đối với nhà ĐTNN trong nông nghiệp thiếu rõ ràng và minh bạch; các văn bản pháp luật chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, ổn định, còn chồng chéo nhau gây khó khăn cho nhà ĐTNN. Chẳng hạn như: Quy định về ưu đãi đất đai tại Nghị định 210 chưa phù hợp với Luật Đất đai 2013; Quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện ở Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng chưa đồng bộ với nhau.

Việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất là một trở ngại lớn đối với các DN FDI ngành nông nghiệp

Chính sách đất đai còn nhiều quy định quá chặt chẽ dẫn đến việc tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp của các nhà ĐTNN còn khó khăn, như: còn nhiều quy định hạn chế về quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, diện tích đất cho mỗi hộ gia đình, chuyển mục đích sử dụng đất… Cụ thể, theo Luật Đất đai 2013, DN FDI chỉ có thể thuê lại đất từ Nhà nước mà không được thuê trực tiếp từ các hộ gia đình, các cá nhân. DN FDI cũng không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và không được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp theo quy định tại Điều 169 và Khoản 1, Điều 191 - Luật Đất đai năm 2013, Điều 39 - Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Trong khi đó, ngành nông nghiệp, DN cần quỹ đất đủ lớn để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên tiếp cận đất đai trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu, nhất là trong một số lĩnh vực, DN cần tiến hành hoạt động khảo nghiệm.

Thời gian cho thuê đất đối với DN FDI không quá 50 năm, trừ trường hợp đặc biệt là không quá 70 năm đối với các dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn. Tuy nhiên, thời gian quy hoạch sử dụng đất hiện nay là 10 năm. Điều này làm cho nhà đầu tư e ngại khi tình trạng thời hạn sử dụng đất của nhà đầu tư không được đảm bảo do sự thay đổi về quy hoạch.

Thẩm quyền cho thuê đất được giao cho UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, các dự án nông nghiệp thuộc lĩnh vực miễn giảm tiền cho thuê đất, miễn giảm thuế, do đó, chính quyền địa phương thường ưu tiên sử dụng quỹ đất cho quy hoạch khu công nghiệp để tạo nguồn thu ngân sách. Do đó, ở các địa phương hầu như quỹ đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, quỹ đất dành hẳn cho cho các nhà ĐTNN hầu như không có. Khi chưa được giao hoặc thuê đất lâu dài, thì các tổ chức, DN sẽ ít có động lực đầu tư dài hạn cho công nghệ, quy trình hiện đại... vốn rất đắt đỏ.

(3) Nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản, gây ra những khó khăn khi đầu tư vào ngành nông nghiệp

Thông tư số 08/2013/TT-BCT, ngày 22/4/2013 của Bộ Công Thương, quy định DN FDI đã được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu. DN FDI cũng không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm việc mở địa điểm để mua gom hàng hóa xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Quy định hướng đến việc ngăn chặn DN FDI thao túng thị trường trong nước, gây tổn thương cho DN trong nước. Tuy nhiên, quy định đi ngược lại nguyên tắc thị trường, tạo ra sự độc quyền mua nông sản của các DN trong nước, tiềm ẩn nguy cơ DN và thương lái trong nước kìm giá thu mua, cùng nhau mua rẻ do không còn phải cạnh tranh với các DN FDI. Đồng thời, làm cho ngành nông nghiệp Việt Nam trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư FDI, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt. Đây cũng là một trong các lý do làm cho quy mô dự án FDI lĩnh vực này có tỷ lệ thấp tại vùng KTTĐ phía Nam.

(4) Thủ hành chính của vùng KTTĐ phía Nam có còn kém cạnh tranh hơn so với các vùng kinh tế khác trên cả nước và so với các quốc gia trong khu vực

So với các vùng kinh tế khác trên cả nước

Theo Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2020 của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, vùng KTTĐ phía Nam có chi phí thấp hơn các vùng kinh tế khác ở nhóm thủ tục hành chính về đầu tư và thuế. Tuy nhiên, ở các nhóm thủ tục hành chính còn lại (đất đai, cấp Giấy phép/chứng chỉ hành nghề/điều kiện kinh doanh, xây dựng và giao dịch xuyên biên giới), vùng KTTĐ phía Nam có chi phí từ cao hơn hầu hết các vùng kinh tế còn lại; trong đó, chi phí cho thủ tục xây dựng và cấp Giấy phép/ chứng chỉ hành nghề/ điều kiện kinh doanh là cao nhất trong tất cả các vùng kinh tế (Bảng 1).

Bảng 1: Chi phí trung bình của một thủ tục hành chính ở các vùng kinh tế

Vùng KTTĐ Bắc Bộ

Vùng KTTĐ

miền Trung

Vùng KTTĐ

phía Nam

Vùng KTTĐ ĐBSCL

Vùng khác

Nhóm thủ tục hành chính

Đất đai

76,8

(3,78 triệu)

64

(5,73 triệu)

72

(4,5 triệu)

82,6

(2,87 triệu)

73,6

(4,26 triệu)

Đầu tư

81,6

(7,19 triệu)

94,3

(2,31 triệu)

84,4

(6,14 triệu)

82,1

(7 triệu)

71,9

(10,92 triệu)

Thương mại xuyên biên giới

71,3

(5,76 triệu)

83,3

(3,35 triệu)

67,6

(6,49 triệu)

94

(1,23 triệu)

61,4

(7,73 triệu)

Môi trường

85,7

(29,16 triệu)

43,3

(113,67 triệu)

81,1

(38,45 triệu)

82,4

(35,75 triệu)

58,7

(83,11 triệu)

Cấp Giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh

79,4

(4,82 triệu)

89,7

(2,57 triệu)

37,5

(14 triệu)

77,5

(5,24 triệu)

71

(6,67 triệu)

Thuế

81,5

(0,93 triệu)

88,4

(0,58 triệu)

94

(0,3 triệu)

90,6

(0,47 triệu)

96,2

(0,19 triệu)

Xây dựng

90,1

(10,01 triệu)

84,2

(15,93 triệu)

67,3

(32,8 triệu)

67,4

(32,68 triệu)

71,8

(28,31 triệu)

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ APCI (2020)

So với các quốc gia khác trong khu vực

Theo Báo cáo về “Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp” (Ngân hàng Thế giới các năm: 2016, 2017, 2019) với kết quả điều tra 40 quốc gia trên thế giới, môi trường kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam ở mức điểm trung bình, lần lượt là 55,7/100 điểm (2016); 59,33/100 điểm (2017) và 61,41 điểm (2019). Trong các nước Đông Nam Á được khảo sát, môi trường kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar, đang được dần dần cải thiện.

(5) Môi trường pháp lý cho các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các DN FDI còn hạn chế

Vấn đề chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN nội địa không như kỳ vọng xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Một là, thể chế, chính sách dường như chưa được thiết kế để khuyến khích và thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. Về phía Chính phủ, chưa có quy định cụ thể về tiêu chí của các dự án FDI để các địa phương thực hiện.

Trong quá trình cấp phép đầu tư, mặc dù có quy định về các điều kiện, tiêu chuẩn trong cấp phép đầu tư đối với FDI, nhưng các địa phương vì muốn thu hút càng nhiều dự án FDI càng tốt, nên có phần đánh đồng các điều kiện, tiêu chuẩn như là các thủ tục hành chính mang tính hình thức và đôi khi không bắt buộc, thiếu sự kiểm tra, giám sát.

Hai là, chuyển giao công nghệ còn phụ thuộc vào ý chí của DN FDI. Khi không tìm thấy lợi ích ròng có tính dài hạn rõ ràng từ việc chuyển giao công nghệ thì DN FDI sẽ không có động cơ để chuyển giao công nghệ.

Ba là, năng lực hấp thụ công nghệ của DN nội địa còn hạn chế. Các nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Chênh lệch về trình độ công nghệ làm cho DN nội địa khó tiếp cận và đáp ứng yêu cầu để tham gia chuỗi cung ứng của DN FDI; (2) Thiếu lao động có trình độ, kỹ thuật công nghệ làm cho DN tiếp nhận công nghệ quá cao so với trình độ công nghệ hiện có; (3) Khó khăn về tài chính không cho phép DN đầu tư trang bị công nghệ hiện đại; và (4) Điều kiện cơ sở vật chất không phù hợp.

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Thứ nhất, xây dựng chiến lược dài hạn thu hút FDI vào ngành nông nghiệp Vùng KTTĐ phía Nam

Vùng KTTĐ phía Nam cần quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và xây dựng các chính sách thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp của vùng cũng như từng địa phương trong vùng trên cơ sở về thế mạnh, lợi thế so sánh của vùng, của từng địa phương trong vùng và sự phối hợp theo liên kết dọc từ Trung ương đến địa phương và liên kết ngang giữa các địa phương trong Vùng. Trong đó, xác định các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp cần chú trọng thu hút FDI. Đối với vùng KTTĐ phía Nam có thể chú trọng vào các lĩnh vực: (1) Chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu và xuất khẩu; (2) Sản xuất và phát triển giống cây trồng, vật nuôi; (3) Sản xuất thuốc thú y và bảo vệ thực vật; (4) Phát triển công nghiệp phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chú trọng chính sách về đất đai, thuế

Rà soát quy hoạch sử dụng đất và đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở các địa phương; Chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch trong khả năng cho các dự án đầu tư, quy hoạch diện tích đất phục vụ hạ tầng logistics, kho bãi, nhà xưởng chế biến gần vùng nguyên liệu. Cần đẩy mạnh phát triển thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp dựa trên điều chỉnh của thị trường, sự tự nguyện của bên cung và bên cầu quyền sử dụng đất là hướng đi ổn định, lâu dài để tạo quỹ đất tập trung phục vụ các DN sản xuất nông nghiệp.

Về thuế, miễn giảm thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, khu nguyên liệu tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Thứ ba, cải thiện môi trường đầu tư

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN nói chung và cho các DN FDI nói riêng.

Rà soát việc thực thi chính sách để không bị chồng chéo giữa văn bản ra sau với văn bản ra trước nhưng vẫn còn hiệu lực; đề xuất các kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để xây dựng và hoàn thiện chính sách đầu tư đồng bộ, thống nhất.

Đảm bảo tính minh bạch của hệ thống chính sách như thông tin về định hướng, quy hoạch phát triển và thu hút vốn FDI vào nông nghiệp của vùng, kế hoạch sử dụng đất... để DN có thể dễ dàng tiếp cận./.

ThS. Nguyễn Trần Yên Hạ - Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh,

NCS. Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 28, tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030.

2. Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (2020), Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI), truy cập từ http://thutuchanhchinh.vn/noidung/hoidongtuvan/tintuc/Lists/TinHoiDongTuVan/Attachments/18/BaocaoAPCI2020_Full.pdf.

3. World Bank (2016, 2017, 2019), Enabling the business for agriculture – Comparing regulatory good practices 2016, 2017, 2019.