Từ khóa: vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngành nông nghiệp, thực trạng, phát triển, đánh giá

Summary

The study evaluates the current state of agricultural development in the Southern key economic region in the period 2010-2021. Research results point out limitations of the region's agricultural sector, such as: land fund for agricultural production is narrowed; Many resources have been completely exploited and reached their limit; risk of saltwater intrusion; soil degradation phenomenon, etc. This has resulted in the unstable and continuously declining growth rate of the region's agricultural sector in recent years. The author also points out the causes of limitations in the current state of agricultural development in the region. This is an important premise for the management agencies to formulate the solutions to develop the region's agricultural sector in the coming time.

Keywords: Southern Key Economic Region, agriculture, situation, development, assessment.

GIỚI THIỆU

Vùng KTTĐ phía Nam được hình thành theo Quyết định số 44/1998/QĐ-TTg, ngày 23/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng KTTĐ phía Nam, khi đó Vùng chỉ gồm tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng ranh giới của vùng và bổ sung thêm 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Năm 2009, tỉnh Tiền Giang được bổ sung vào vùng.

Vùng KTTĐ phía Nam nằm ở vị trí địa kinh tế độc đáo, đây là khu vực bản lề, nối giữa vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long. Bốn phía của vùng tiếp giáp với các không gian kinh tế đa dạng và phong phú. Lãnh thổ kéo dài ra biển với thềm lục địa rộng hàng trăm nghìn km2 và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn trên biển.

Vùng KTTĐ phía Nam có diện tích tự nhiên là 30.602,5 km2, chiếm 9,24% diện tích của cả nước. Diện tích đất tự nhiên toàn Vùng là 3.060.255,8 ha, chiếm khoảng 9,24% diện tích tự nhiên của cả nước. Diện tích đất nông nghiệp hiện nay vào khoảng 2.423.160,7 ha, chiếm 8,66% diện tích đất nông nghiệp cả nước, chiếm 79,18% cơ cấu sử dụng đất của Vùng. Cơ cấu đất nông nghiệp gồm có: đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và đất nông nghiệp khác. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi giúp ngành nông nghiệp của Vùng phát triển.

Thế nhưng, trong giai đoạn gần đây (2015-2021), tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam liên tục suy giảm. Do đó, cần đánh giá những thuận lợi và hạn chế trong phát triển nông nghiệp của Vùng, nguyên nhân của những hạn chế để từ đó có những giải pháp phát triển ngành nông nghiệp ở khu vực này.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Tình hình sản xuất nông nghiệp của Vùng

Tình hình chung

Trong giai đoạn 2010-2021, tổng sản phẩm nông nghiệp của Vùng không ngừng tăng trưởng. Năm 2010, GDP ngành nông nghiệp của vùng đạt 75.027 tỷ đồng. Năm 2021, vùng đã đạt 106.783 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn là 3,26%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước (3,02%) (Hình 1).

Hình 1: GDP và tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam

Đơn vị tính: %

Đánh giá thực trạng phát triển ngành nông nghiệp của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2010-2021
Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám Thống kê các tỉnh vùng KTTĐ phía Nam giai đoạn 2010-2021

Hình 2: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam và cả nước

Đơn vị tính: %

Đánh giá thực trạng phát triển ngành nông nghiệp của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2010-2021
Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám Thống kê các tỉnh vùng KTTĐ phía Nam giai đoạn 2010-2021

Tuy nhiên, quan sát số liệu hàng năm cho thấy GDP ngành nông nghiệp của vùng có tốc độ tăng trưởng không ổn định. Từ năm 2011-2014, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp của Vùng biến động cùng chiều và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng trong nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam suy giảm. Đặc biệt, từ năm 2018 đến năm 2021, GDP ngành nông nghiệp liên tục giảm (Hình 2). Cụ thể, năm 2021, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp của Vùng ước tính đạt 1,71%. Con số này có thể xem là thuộc nhóm thấp nhất trong suốt giai đoạn và thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp của cả nước (3,27%).

Tình hình phát triển các lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp ở Vùng

Tình hình phát triển các trang trại

Từ năm 2011 đến năm 2015, cùng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng KTTĐ phía Nam luôn dẫn đầu cả nước về số lượng các trang trại. Tuy nhiên, sau đó số lượng trang trại giảm dần, cho năm 2021 số trang trại toàn vùng đạt 5.514 trang trại (chiếm 23,3% tổng số trang trại cả nước) và đứng thứ hai cả nước- sau vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Trong số 5.514 trang trại, trang trại chăn nuôi có 3.232 trang trại (chiếm 58,61%), trang trại trồng trọt với 2.127 trang trại (chiếm 38,58%) và trang trại nuôi trồng thủy sản có 155 trang trại (chiếm 2,81%). So sánh với các vùng khác trên cả nước:

- Về chăn nuôi, ĐBSH là vùng có số lượng trang trại chăn nuôi phát triển nhất cả nước (5.475 trang trại, chiếm gần 40% cả nước), theo sau là vùng KTTĐ phía Nam (3.232 trang trại, tương ứng 23% cả nước).

- Về trồng trọt, ĐBSCL là vùng có số lượng trang trại lớn nhất nước (2.876 trang trại, chiếm 43% cả nước), đứng thứ hai là vùng KTTĐ phía Nam (2.127 trang trại, chiếm 23% cả nước).

- Về nuôi trồng thủy sản, mô hình trang trại phát triển mạnh nhất ở ĐBSCL (1.835 trang trại, chiếm đến 64% cả nước).

Nhìn chung, vùng KTTĐ phía Nam có vị trí đáng kể trong bản đồ trang trại cả nước, phát triển mạnh và khá đồng đều ở 2 lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; chỉ đứng thứ hai, sau vùng ĐBSH phát triển tập trung vào ngành chăn nuôi và sau vùng ĐBSCL có thế mạnh về điều kiện tự nhiên và tài nguyên để phát triển ngành trồng trọt. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, cùng với xu hướng của cả nước, số lượng trang trại của vùng có xu hướng giảm dần.

Về trồng trọt

Nhìn chung, với những đặc trưng về điều kiện tự nhiên và khí hậu mà vùng có thế mạnh về cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả. Chỉ riêng diện tích cây công nghiệp lâu năm đã chiếm 79,64% và cây ăn trái cũng chiếm 20,26% tổng diện tích trồng trọt toàn Vùng. Dù vậy, cây lương thực và cây công nghiệp hàng năm cũng có vị trí quan trọng trong bản đồ nông nghiệp của Vùng. Cây lương thực có hạt chủ yếu được trồng ở Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và rải rác ở các tỉnh còn lại. Quy mô của 3 tỉnh dẫn đầu chiếm đến 83,2% diện tích đất và 82,7% sản lượng toàn Vùng. Cây màu lương thực của vùng chủ yếu là sắn, chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu của cả nước (khoảng 17% diện tích đất và 30% sản lượng cả nước). Thủ phủ về trồng sắn của vùng là ở Tây Ninh, cung cấp đến 60% sản lượng toàn Vùng.

Tuy nhiên, diện tích và sản lượng cây lương thực có xu hướng ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, phát huy những lợi thế của điều kiện tự nhiên và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và tình hình xâm nhập mặn trong những năm gần đây. Diện tích đất trồng lúa đã giảm khoảng 136 ha từ năm 2016 đến năm 2021; song song với đó, sản lượng giảm không đáng kể từ 5,95 nghìn tấn năm 2016 xuống còn 5,57 nghìn tấn năm 2021.

Về chăn nuôi

Bảng 1: Tình hình phát triển một số loại gia súc, gia cầm vùng KTTĐ phía Nam

Đơn vị tính: Nghìn con

Loại gia súc

2010

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Trâu

78

61,9

54,7

50,2

47,3

44,7

42,4

41,5

594,4

557,8

551,3

571,8

651

653,2

658,1

640,6

Lợn

3.312,9

4.225,4

4.266,2

4.052,1

5.147,4

4.106,8

4.320

4.748

Gia cầm

37.364

54.582

56.549

60.192

71.265

80.250

85.730

87.120

Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám Thống kê các tỉnh vùng KTTĐ phía Nam giai đoạn 2010-2021

Chăn nuôi của Vùng được phát triển theo hướng trang trại chăn nuôi hàng hóa với quy mô vừa và lớn, chú trọng áp dụng phương pháp chăn nuôi công nghiệp. Các giống gia súc được chú ý phát triển, như: lợn, trâu, bò và các loại gia cầm, như: gà, vịt. Nhìn chung, từ năm 2010 đến năm 2021, ngoài quy mô chăn nuôi có xu hướng giảm, các loại gia súc, gia cầm chủ lực của Vùng (lợn, bò, gà) đều có xu hướng tăng (Bảng 1). Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi không chỉ của vùng KTTĐ phía Nam, mà còn của cả nước, với tổng đàn lợn đặt 2.140,9 ngàn con và tổng đàn gà đạt 24.537 ngàn con (năm 2021).

Mô hình trang trại và phương pháp chăn nuôi công nghiệp ở vùng KTTĐ phía Nam đã hình thành từ rất sớm. Nhiều địa phương phát triển mạnh chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, thực hiện quy trình khép kín từ chế biến thức ăn gia súc, sản xuất con giống, chăn nuôi đến khâu giết mổ và tiêu thụ, cũng như việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong việc chọn giống và thức ăn. Hiện nay, vùng KTTĐ phía Nam đang chú trọng xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, vừa phục vụ thị trường trong nước, vừa đảm bảo các điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài, hướng đến thị trường Nhật Bản và Đài Loan.

Về khai thác, nuôi trồng thủy sản

Khai thác, nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong cơ cấu nông nghiệp vùng KTTĐ phía Nam, tuy nhiên vẫn giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khai thác lợi thế tự nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2021, sản lượng thủy sản nuôi trồng của vùng đạt 419.579 tấn, chiếm 8,64% sản lượng cả nước; sản lượng thủy sản khai thác đạt 533.926 tấn, chiếm 13,56% sản lượng cả nước.

Về khai thác thủy sản, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có sản lượng thủy sản khai thác lớn nhất của vùng, đạt 352.103 tấn trong năm 2021, chiếm 65,9% sản lượng toàn vùng nhờ vào lợi thế biển. Tuy nhiên sau thời gian khai thác tận diệt, các ngư trường đã dần suy kiệt, xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Do đó, hoạt động khai thác thủy sản thân thiện với môi trường (lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi…) và hoạt động nuôi trồng thủy sản đang được đẩy mạnh dần thay thế khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Về nuôi trồng thủy sản, thì Tiền Giang là địa phương dẫn đầu với sản lượng 210.257 tấn, chiếm hơn 50% sản lượng toàn vùng với diện tích nuôi trồng lên đến 13,3 ngàn ha nhờ vào khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước. Diện tích và sản lượng nuôi thủy sản liên tục tăng trong giai đoạn 2010-2021 cả về số lượng và chất lượng.

Thủy sản nước ngọt cũng không kém phát triển tại 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Các vùng chuyên canh sản xuất giống, vùng nuôi thủy sản tập trung phát triển sôi nổi. Có thể kể đến như vùng chuyên sản xuất cá giống ở Cái Bè, Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), là trung tâm cung cấp cá giống nước ngọt cho các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó là các vùng nuôi thủy sản tập trung đã được quy hoạch (vùng nuôi cá tra, cá bè...) và các dự án xây dựng cơ sở h tầng cho vùng nuôi được triển khai thực hiện, như: vùng sản xuất theo mô hình lúa + cá tại Cái Bè, vùng sản xuất cá giống ở Cai Lậy, vùng nuôi tôm sú công nghiệp ở Gò Công. Đặc biệt là nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu với năng suất khoảng 300 tấn/ha/vụ. Nhiều nông hộ đã đạt các chứng nhận quốc tế như SQF, ASC, GlobalGAP (chủ yếu đối với nuôi cá tra) và chứng nhận VietGAP (đối với nuôi tôm).

NHỮNG HẠN CHẾ CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP Ở VÙNG KTTĐ PHÍA NAM

Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam giai đoạn 2010-2021 không ổn định và sụt giảm mà cụ thể là ngành nông nghiệp của vùng KTTĐ phía Nam chưa được khai thác hiệu quả và bền vững cũng như chưa thực sự chuyển mình theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Những hạn chế cụ thể như sau:

- Quy hoạch sản xuất còn chủ quan, chưa bám sát, dự báo đúng nhu cầu của thị trường.

- Là trung tâm kinh tế của cả nước, với nhiều lợi thế về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nhưng việc đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ của vùng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là những hạn chế về giống cây trồng, vật nuôi cũng như sản xuất chế phẩm sinh học. Công nghệ hạt giống chưa tiếp cận đầy đủ với trình độ cao của thế giới. Một số giống cây trồng chưa được lai tạo giống trong nước, phải nhập khẩu hạt giống tốn kém. Đồng thời, chưa phát triển được các giống cây trồng có khả năng chịu được khô hạn để thích nghi với biến đổi khí hậu.

- Đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn dẫn đến tâm lý e ngại do những rủi ro bất thường về điều kiện khí hậu thời tiết và điều kiện đất đai chưa thuận lợi. Bên cạnh đó là chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường.

- Trình độ sản xuất nông sản hàng hóa gắn với thị trường còn thấp. Sản xuất nông nghiệp chưa phát triển theo chiều sâu, phần lớn sản xuất theo kiểu truyền thống, không thể kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu một cách ổn định, chưa đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu. Do đó, thị trường đầu ra của nông sản bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái, dẫn đến hiện tượng được mùa mất giá và tình trạng giải cứu nông sản.

- Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến còn hạn chế. Ngành công nghiệp chế biến chưa trở thành mũi nhọn đột phá để tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, chưa phát triển công nghiệp chế biến sâu các mặt hàng nông sản. Ngược lại, công nghiệp và dịch vụ chưa trở thành đầu máy kéo ngành nông nghiệp đi lên.

- Chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, nên trong quá trình tổ chức triển khai, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn nhiều khó khăn. Sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, thương lái còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được trách nhiệm giữa các bên.

Nguyên nhân của những hạn chế

Thứ nhất, mâu thuẫn giữa thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Vùng KTTĐ phía Nam là vùng có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh, bằng 1,8 lần trung bình của cả nước. Gắn liền với đó là diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp khi được chuyển mục đích để phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị.

Thứ hai, nhiều nguồn tài nguyên đã bị khai thác triệt để và tới hạn.

Thứ ba, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai xảy ra liên tiếp. Nhiệt độ tăng cao có thể biến đổi chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, và tình trạng thiếu nước trầm trọng khiến cho sản lượng hàng năm giảm đáng kể.

Thứ tư, các vùng thấp ven biển và đồng bằng lưu vực sông có nguy cơ bị tổn thương rất cao đối với nước biển dâng và xâm nhập mặn, làm ảnh hưởng đến sản xuất một số loại cây trồng.

Thứ năm, hiện tượng thoái hóa đất, sa mạc hóa là vấn đề cần đặc biệt quan tâm đối với Vùng.

KẾT LUẬN

Qua phân tích những thuận lợi và khó khăn, cũng như nguyên nhân của những hạn chế của ngành nông nghiệp ở vùng KTTĐ phía Nam, có thể thấy rằng, vai trò của ngành nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng cũng như đóng góp của ngành trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ngành nông nghiệp của Vùng cần cơ cấu lại theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, khai thác tài nguyên đất theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên đất trên cơ sở tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật và vốn. Dịch chuyển theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một yêu cầu cấp thiết đối với ngành nông nghiệp của Vùng hiện nay. Bởi, nó không chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng nông sản ngày càng khắt khe mà còn theo đúng chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Đó là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại có giá trị gia tăng cao và hiệu quả; hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

ThS. Nguyễn Trần Yên Hạ

Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh

NCS. Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục Thống kê (2019), Tăng trưởng các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2011-2017, Nxb Thống kê, Hà Nội.

2. Tổng cục Thống kê (2021), Niên giám thống kê, Nxb Thống kê, Hà Nội.

3. Tổng cục Thống kê (2011-2022), Niên giám Thống kê các tỉnh vùng KTTĐ phía Nam các năm, từ năm 2010 đến 2021.