Để huy động nguồn lực cho Chương trình Xây dựng Nông thôn mới 2016-2020
Chương trình Xây dựng Nông thôn mới có nhiều cải thiện rõ rệt
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV cho thấy, ngày 04/11/2016 , tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đến tháng 3/2016, cả nước đã có có 1.761 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 19,7%; 1.223 xã, chiếm 13,7% đạt từ 15-18 tiêu chí; 3.355 xã, chiếm 37,5% đạt từ 10-14 tiêu chí; 2.270 xã, chiếm 25,4% đạt từ 05-09 tiêu chí và 326 xã, chiếm 3,65% đạt dưới 5 tiêu chí. Số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 182 xã. Bình quân tiêu chí/xã: 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Các tiêu chí Chương trình Xây dựng Nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng trưởng tích cực so với năm 2011. Đến tháng 9/2016, đã có 2045 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%), đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn khoảng 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% cuối năm 2011 xuống còn dưới 28% cuối năm 2015 (bình quân giảm trên 5%/năm). Có 53,36% số xã đạt tiêu chí về hộ nghèo. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% còn 3,6% (theo tiêu chuẩn nghèo trước đây).
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội
Vẫn còn những hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ, Chương trình Xây dựng Nông thôn mới vẫn còn những hạn chế bất cập. Đến hết năm 2015 một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn chưa có hoặc chỉ có 1 đến 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 đạt 17,1%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (20% xã nông thôn mới).
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, tuy nhiên, các địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn lớn, hiện có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Tại buổi thảo luận tại hội trường ngày 04/11/2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, tỉnh Quảng Bình thẳng thắn nhận định, nhiều tiêu chí về nông thôn mới bất hợp lý, gây lãng phí, quá chú trọng kết cấu hạ tầng như chợ, bưu điện… trong khi coi nhẹ việc phát triển các giá trị văn hóa xã hội. “Hiện nay có 53/63 tỉnh, thành nợ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có những vùng như đồng bằng sông Hồng là 43,8 nhưng lại ở vị trí nợ cao nhất. Tất nhiên, không phải nợ ở nông thôn mới là xã nào cũng nợ, có những xã nguyên nhân do lộ trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở vật chất trả nợ 3 năm, doanh nghiệp người ta thừa nhận chấp nhận cho trả nợ 3 năm, nhưng vì yêu cầu mình phải quyết toán, cho nên cuối cùng ký vào số này là số nợ, như vậy vẫn có những xã người ta có lộ trình nhưng mình vẫn ghi vào nợ. Thực tế cá biệt còn có những xã, phường, thôn, bản lợi dụng chương trình xây dựng nông thôn mới cho nên cán bộ suy thoái đã tham ô và gây nhiều đơn thư khiếu kiện tố cáo và cũng gây phức tạp mất niềm tin trong xây dựng nông thôn mới”, ông Phương nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, một số địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng công trình, trụ sở, nhà văn hóa, trường học... chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường.
Cần đẩy nhanh xã hội hóa Chương trình Xây dựng Nông thôn mới
Để Chương trình Xây dựng Nông thôn mới đạt hiệu quả cao, theo các chuyên gia, thời gian tới cần tiếp tục đổi mới cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình; minh bạch, công khai, dân chủ trong việc huy động tổng nguồn lực xã hội cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật để thực hiện chương trình. Đồng thời, chủ động, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ, có cơ chế phù hợp để huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách: hợp tác công-tư (PPP), tín dụng, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ quốc tế, vận động đóng góp từ người dân nhưng tránh việc huy động quá mức hoặc xây dựng cơ bản không có nguồn lực đảm bảo dẫn đến nợ đọng, không có khả năng thanh toán.
Ngoài ra, thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn một cách hợp lý trên cơ sở hài hòa lợi ích; phát huy vai trò chủ thể và huy động nguồn lực của người dân để thực hiện chương trình theo nguyên tắc tự nguyện bằng nhiều hình thức khác nhau như: hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật tư…Dẫn lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình, TP. Hà Nội tại buổi thảo luận tại hội trường ngày 04/11/2016, ông Bình đề nghị đẩy nhanh xã hội hóa Chương trình Xây dựng Nông thôn mới. Đại biểu phân tích, Chương trình Xây dựng Nông thôn mới đóng vai trò vô cùng quan trọng vì mục tiêu của chúng ta không chỉ là thay đổi bộ mặt, hạ tầng xã hội của vùng nông thôn mới mà xây dựng nông thôn mới hiện đại với 70% dân số theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 26 khóa X nông thôn mới của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Như thế, mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân phải đưa lên hàng đầu, không phải là con đường mới, nhà văn hóa mới, chợ mới hay bưu điện mới, internet mới như một số đại biểu đã nêu.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai, tỉnh Tuyên Quang cho rằng, các địa phương cần thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Bố trí hợp lý các nguồn lực của nhà nước vào xã hội hóa xây dựng nông thôn mới theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn, huy động nội lực tại địa phương và sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn.
Đồng thời, bổ sung và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác đầu tư các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp và các lĩnh vực nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế cao./.
Bình luận