Đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kịp thời hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Theo Bộ Tài chính, năm 2023 mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực so với các thị trường ở khu vực và trên thế giới.
Điều đó phần nào thể hiện qua các con số mà Tổng cục Thống kê vừa công bố. Theo đó, trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 28/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.127,58 điểm, tăng 3,1% so với cuối tháng trước và tăng 12% so với cuối năm trước. Tính đến ngày 15/12/2023, mức vốn hóa thị trường ước đạt 5.790 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2022; giá trị giao dịch bình quân đạt 17.624 tỷ đồng/phiên, giảm 12,6% so với bình quân năm 2022. Đến cuối tháng 11/2023, thị trường cổ phiếu có 742 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 2.052 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% với cuối năm 2022.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 12/2023 đạt 10.863 tỷ đồng/phiên, tăng 77,9% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 6.114 tỷ đồng/phiên, giảm 20,4% so với bình quân năm 2022. Đến cuối tháng 11/2023, thị trường trái phiếu có 462 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.010 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với bình quân năm 2022.
Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối tháng 11/2023, thị trường cổ phiếu có 742 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết |
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trong tháng 12/2023 đạt 227.925 hợp đồng/phiên, giảm 22% so với tháng trước; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 49,06 triệu chứng quyền/phiên, giảm 22,7% và giá trị giao dịch bình quân đạt 32,61 tỷ đồng/phiên, giảm 6,9%. Tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 bình quân đạt 237.702 hợp đồng/phiên, giảm 13% so với bình quân năm 2022; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 32,23 triệu chứng quyền/phiên, giảm 0,6% và giá trị giao dịch đạt 28,67 tỷ đồng/phiên, tăng 35,2%.
Đặc biệt, việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từ ngày 19/7/2023 được xem là một dấu mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch. Từ đó thúc đẩy tính thanh khoản, cũng như tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển bền vững hơn. Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện có 869 mã trái phiếu của 244 tổ chức phát hành, giá trị đăng ký giao dịch 600,7 nghìn tỷ đồng, thanh khoản bình quân trên thị trường đạt 1.700 tỷ đồng/phiên.
Cơ quan quản lý, giám sát thị trường chứng khoán đã tích cực hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi phức tạp. Nhờ đó, trật tự kỷ luật, kỷ cương của thị trường được giữ vững, công tác giám sát, thanh tra kiểm tra được tăng cường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần đưa thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả.
Tại sự kiện đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2024 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán, trong năm 2024 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chú trọng chất lượng và tiến độ sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tầm nhìn dài hạn cho mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán bền vững.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi lưu ý ngành Chứng khoán phát triển các sản phẩm mới, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch, các định chế tài chính trung gian và các nhà đầu tư |
Đảm bảo hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán vận hành liên tục, an toàn, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch, thanh toán sau giao dịch.
Ông Nguyễn Đức Chi cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường vai trò quản lý nước, chủ động theo dõi các đơn vị để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, công ty quản lý. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo tính răn đe, kỷ luật, kỷ cương của thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường chứng khoán hoạt động ngày càng minh bạch, lành mạnh, khôi phục niềm tin của thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.
Cùng với đó là tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các đơn vị liên quan để triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán. Chủ động trong công tác hội nhập, hợp tác quốc tế, tiếp cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường chứng khoán trong khu vực và thế giới./.
Bình luận