Tổng quan bức tranh Top FAST500

Ngày 07/3/2025, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2025.

Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đã bước sang năm thứ 15 trên chặng đường tìm kiếm, ghi nhận và tôn vinh những thành tích xứng đáng của các doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt trong kinh doanh, dựa trên tiêu chí chính là tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu. Bên cạnh đó, các tiêu chí như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín doanh nghiệp trên truyền thông… cũng được sử dụng như yếu tố bổ trợ để xác định quy mô cũng như vị thế của doanh nghiệp trong ngành hoạt động.

Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2025

Doanh nghiệp FAST500 khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, giữ vững động lực phát triển bền vững

Nguồn: Bảng xếp hạng FAST500 - Vietnam Report, tháng 3/2025

Kết quả thống kê tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu trung bình của các doanh nghiệp FAST500 giai đoạn 2020-2023 cho thấy đã có phần chững lại so với những năm trước khi chỉ đạt 22,0%, giảm 3,29% so với năm trước, phản ánh phần nào sức ép suy giảm chung của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường kinh doanh ảm đạm. Xét theo khu vực kinh tế, khu vực tư nhân có CAGR trung bình đạt 23,5% là khu vực dẫn đầu, giảm 3,1% so với năm trước. Tiếp đến là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với mức CAGR trung bình đạt 17,5%, giảm 4,5% so với năm trước. Cuối cùng là khu vực Nhà nước đạt 17,5%, giảm 0,2%. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng thấp nhất, nhưng đây là khu vực duy trì được mức tăng trưởng CAGR trung bình ổn định trong 3 năm trở lại đây.

Doanh nghiệp FAST500 khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, giữ vững động lực phát triển bền vững

Nguồn: Thống kê Bảng xếp hạng FAST500 từ năm 2021 đến nay - Vietnam Report

So với các doanh nghiệp còn lại trong nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp FAST500 đã thể hiện sự bền bỉ ấn tượng trước những biến động từ đại dịch COVID-19 và các yếu tố vĩ mô trong giai đoạn từ năm 2020 trở lại đây. Thống kê từ dữ liệu xếp hạng của Vietnam Report cập nhật số liệu tài chính năm 2024 cho thấy, các doanh nghiệp FAST500 - tập trung chủ yếu ở góc phần tư thứ nhất (Hình 2) - không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu ổn định trong giai đoạn 2020-2023 mà tiếp tục có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2024 trong khi nhóm doanh nghiệp còn lại có sự phân tán rộng, với nhiều điểm dữ liệu rơi vào vùng suy giảm hoặc giảm đà tăng trưởng. Điều này khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, khả năng thích ứng, duy trì động lực phát triển bền vững thông qua nền tảng tài chính và chiến lược kinh doanh bài bản của cộng đồng doanh nghiệp FAST500. Sự khác biệt về phân bố giữa các doanh nghiệp FAST500 và nhóm doanh nghiệp còn lại trong nền kinh tế cũng nhấn mạnh giá trị của bảng xếp hạng FAST500 như một chỉ báo quan trọng về sức khỏe tài chính và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong năm 2025, khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, cộng đồng doanh nghiệp FAST500 tiếp tục được kỳ vọng duy trì động lực phát triển ổn định, khẳng định vai trò là những đơn vị thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và định hình xu hướng phát triển khi đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.

Doanh nghiệp FAST500 khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, giữ vững động lực phát triển bền vững

Nguồn: Thống kê từ dữ liệu xếp hạng FAST500 2025 - Vietnam Report, tháng 3/2025

Cũng trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng FAST500 năm 2025, Vietnam Report tiến hành khảo sát các doanh nghiệp, nhằm phác họa bức tranh tăng trưởng toàn cảnh của doanh nghiệp Việt Nam, những yếu tố quan trọng nhất đóng góp cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm qua và những định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tiền đề kích hoạt tăng trưởng

Phục hồi vẫn là câu chuyện chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Tăng trưởng GDP khởi sắc qua từng quý, cả năm 2024 ước tính đạt 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,5-7%) và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, gấp 2,2 lần mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu (ước tính 3,2% theo Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF). Xuất khẩu tiếp tục là trụ cột quan trọng, tăng 14,3% so với năm trước, nhờ sự phục hồi nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ và EU, trong khi giải ngân vốn FDI đạt mức kỷ lục 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%. Về phía doanh nghiệp, mặc dù vẫn đối mặt với thách thức từ chi phí đầu vào tăng cao và sức cầu nội địa chưa đủ mạnh, song chứng kiến điểm sáng là các chính sách hỗ trợ đã có tác động tích cực đến tâm lý cộng đồng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2024 đạt 233.419 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Sau giai đoạn thích nghi với nền kinh tế, quyết định tham gia/quay lại thị trường, đầu tư vốn kinh doanh phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng và sự xuất hiện của những cơ hội mới.

Thực tế ghi nhận từ khảo sát của Vietnam Report, với hiệu ứng mức nền thấp, đa số doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với năm trước (72,2% và 80,6% số doanh nghiệp), đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp có kết quả kinh doanh suy giảm đã thu hẹp đáng kể. Trong khi đó, với sự chuyển đổi chiến lược của nhiều doanh nghiệp, tập trung vào tối ưu hóa chi phí, cải thiện hiệu suất hoạt động và tận dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, chi phí dần được kiểm soát ổn định hơn. 54,1% số doanh nghiệp ghi nhận chi phí tăng, thấp hơn so với giai đoạn trước (56,7% số doanh nghiệp). Điều này phản ánh xu hướng phục hồi dần của nền kinh tế, đồng thời cho thấy các doanh nghiệp đang dần thích ứng tốt hơn với điều kiện thị trường, tối ưu hóa hoạt động để nâng cao hiệu quả tài chính.

Doanh nghiệp FAST500 khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, giữ vững động lực phát triển bền vững

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500 - Vietnam Report, tháng 1-2/2024-2025

Nền tảng phục hồi khả quan của năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế sẽ tăng tốc và về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp bứt phá mạnh mẽ, đồng hành cùng đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Tâm lý lạc quan: Vươn mình – Bứt tốc

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 được đánh giá tích cực với dự báo tăng trưởng GDP dao động từ 6,5% đến 8% nhờ sản xuất, thương mại và dòng vốn FDI khả quan. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng dự báo mức 6,6%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo mức 6,7%. Quốc hội giao cho Chính phủ mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%. Trong khi đó, Chính phủ đặt mục tiêu hướng tới mức tăng trưởng trên 8% và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới, tập trung vào chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, thúc đẩy đầu tư công và kiểm soát lạm phát dưới 4,5%.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng ghi nhận tâm lý lạc quan về khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Phần lớn doanh nghiệp kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Kịch bản tăng trưởng GDP ở mức 7,0-7,5% được nhiều doanh nghiệp đánh giá khả thi nhất (23,6%), tiếp theo là mức tăng trưởng 7,5-8,0% (21,4%) và tăng trưởng 6,5-7,0% (19,3%). Đáng chú ý, một tỷ lệ đáng kể (17,1%) số doanh nghiệp dự báo mức tăng trưởng GDP trên 8,0%. Điều này phản ánh sự lạc quan cao độ và niềm tin vào khả năng bứt phá của nền kinh tế Việt Nam.

Doanh nghiệp FAST500 khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, giữ vững động lực phát triển bền vững

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp Top 500 - Vietnam Report, tháng 1-2/2025

Sự lạc quan cũng chiếm ưu thế với 86,1% số doanh nghiệp tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tích cực của bản thân trong năm nay. Không ít doanh nghiệp sẵn sàng chuyển từ trạng thái duy trì ổn định sang mở rộng quy mô. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tăng đáng kể từ 54,3% trong năm 2024 lên 74,3% vào năm 2025, cho thấy niềm tin ngày càng lớn vào điều kiện thị trường thuận lợi hơn. Song song với đó, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế được kỳ vọng cải thiện với 80,6% số doanh nghiệp có nhu cầu vốn dự kiến tăng, phù hợp với xu hướng mở rộng hoạt động. Các doanh nghiệp không chỉ có ý định tăng quy mô kinh doanh, mà còn sẵn sàng đầu tư tài chính để thực hiện mục tiêu này. Nhìn chung, tâm lý doanh nghiệp đang dịch chuyển theo hướng tích cực, với trọng tâm là tăng trưởng và mở rộng trong năm 2025.

Doanh nghiệp FAST500 khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, giữ vững động lực phát triển bền vững

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500 - Vietnam Report, tháng 1-2/2025

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các rủi ro từ sự bất ổn của kinh tế toàn cầu cũng như sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chiến lược linh hoạt, tận dụng cơ hội từ chuyển dịch chuỗi cung ứng và tiêu dùng nội địa để duy trì tăng trưởng bền vững trong năm 2025.

Các biến số trong năm 2025

Nguy cơ căng thẳng thương mại

Xu thế bảo hộ thương mại sẽ tiếp tục là điểm nóng toàn cầu, tạo ra nguy cơ đối đầu giữa các nền kinh tế lớn trong năm 2025. Chính sách thuế quan dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ “nắn” lại dòng chảy thương mại thế giới, tăng giá trị đồng USD, gây áp lực lên tỷ giá, cũng như kéo theo nguy cơ về các hành động trả đũa từ các quốc gia khác dẫn đến rủi ro thương chiến trên toàn cầu. Diễn biến phức tạp trong quan hệ thương mại giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ - Trung, có thể làm gia tăng các biện pháp bảo hộ và rào cản thuế quan, ảnh hưởng đến dòng chảy hàng hóa, chuỗi cung ứng và gây áp lực lên khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, nguy cơ gián đoạn thương mại còn đến từ các quy định ngày càng khắt khe liên quan đến tiêu chuẩn xuất xứ, môi trường và lao động, buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng để đảm bảo tính bền vững.

Chính sách tiền tệ toàn cầu

Theo IMF (tháng 10/2024), lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, dự kiến giảm từ 5,8% năm 2024 xuống 4,3% năm 2025, tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, mức độ và tốc độ điều chỉnh sẽ khác nhau giữa các nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ. Sau 3 lần giảm lãi suất trong năm 2024, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến chỉ cắt giảm thêm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2025. Việc Mỹ áp thuế cao với hàng Trung Quốc và nhiều nước khác có thể làm gián đoạn thương mại, đẩy lạm phát tăng và có thể làm chậm tốc độ hạ lãi suất của Fed. Trong trường hợp đó, đồng đô la Mỹ sẽ mạnh lên, tác động đến tỷ giá, ảnh hưởng đến dòng vốn, chi phí nợ toàn cầu, gây áp lực lên nhiều nền kinh tế.

Biến động địa chính trị

Biến động địa chính trị toàn cầu tiếp tục là một biến số quan trọng, tác động đến tâm lý thị trường, dòng vốn đầu tư và chi phí vận hành doanh nghiệp. Xung đột Nga - Ukraine, xung đột tại Trung Đông, biến động trên chính trường của nhiều quốc gia đều có thể gây ảnh hưởng đến giá năng lượng, nguyên liệu đầu vào và khả năng giao thương. Những rủi ro từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, phải xây dựng các phương án dự phòng để đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn, đồng thời cần chủ động nắm bắt cơ hội từ sự dịch chuyển theo cả phương, chiều và quy mô của chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư trong chiến lược “Trung Quốc +1”.

Tăng trưởng GDP toàn cầu

Các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2025 từ nhiều tổ chức quốc tế đều cho thấy, mức tăng trưởng ổn định quanh ngưỡng 3%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) (tháng 12/2024) và IMF (tháng 10/2024) cùng chung nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 được dự báo đạt 3,3%, trong khi Fitch Ratings (tháng 12/2024) và Liên Hợp Quốc (tháng 9/2024) lần lượt dự báo mức tăng trưởng 2,8% và 2,7%. GDP toàn cầu tăng trưởng vừa phải sẽ tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức. Kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhưng không quá mạnh. Điều này có nghĩa là nhu cầu tiêu dùng và đầu tư quốc tế sẽ tăng nhưng không đột biến. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cần định vị lại thị trường, tập trung hơn vào các khu vực có sức mua bền vững và đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Mặt khác, tăng trưởng toàn cầu ổn định sẽ giúp dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành công nghệ, sản xuất xanh và chuỗi cung ứng bền vững, mang lại cơ hội phát triển dài hạn cho doanh nghiệp trong nước.

Nhóm ngành bứt phá tăng trưởng

Doanh nghiệp FAST500 khẳng định năng lực tăng trưởng vượt trội, giữ vững động lực phát triển bền vững

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp FAST500 - Vietnam Report, tháng 1-2/2024-2025

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, với xu hướng đầu tư mạnh vào công nghệ trong bối cảnh kinh tế số phát triển, Công nghệ thông tin/Viễn thông (CNTT/VT) duy trì năm thứ tư liên tiếp dẫn đầu nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Hơn 75% số doanh nghiệp dự kiến tăng ngân sách dành cho chuyển đổi số trong năm 2025. Làn sóng gia tăng nhu cầu về AI, Big Data, và các dịch vụ điện toán đám mây ngày càng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành. Trong năm qua, Việt Nam đã triển khai thương mại hóa 5G - một bước tiến quan trọng trong viễn thông, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới và nhiều cơ hội kinh doanh mới. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty công nghệ toàn cầu. Tháng 12/2024, Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với NVIDIA thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI và Trung tâm Dữ liệu AI, tập trung vào y tế, giáo dục, giao thông và tài chính. Thỏa thuận đánh dấu bước tiến quan trọng, giúp Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu châu Á, thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao và tạo đột phá cho các ngành công nghệ chủ chốt. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ như chiến lược “Make in Vietnam” và đầu tư vào cơ sở hạ tầng số. Hạ tầng công nghệ, chính sách quản lý dữ liệu, an toàn thông tin, khung pháp lý cho nền kinh tế số đang dần được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp công nghệ vững bước tăng trưởng.

Nhóm ngành Vận tải/Logistics với 44,4% doanh nghiệp bình chọn đã vươn lên vị trí thứ hai trong số các ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn trong năm 2025 nhờ vào sự phát triển của thương mại điện tử và việc Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong khu vực. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 2.670,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,0% so với năm trước. Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường vận tải hàng hóa và logistics Việt Nam dự báo ước tính đạt 52,06 tỷ USD vào năm 2025. Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 đã hướng mục tiêu nâng quy mô logistics trong GDP từ 10% lên 15%, nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics từ 14-15% lên 20%. Dư địa tăng trưởng cho ngành vẫn lớn khi các hạn chế về hạ tầng logistics đang từng bước được khắc phục, nhiều công trình lớn, hiện đại, các dự án nâng cấp hạ tầng giao thông như: cảng biển, đường cao tốc và sân bay, kết nối hài hòa các phương thức vận tải, đang được phát triển. Việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại, cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của chính phủ, được kỳ vọng sẽ giúp ngành này duy trì đà tăng trưởng và là một trong những mảng quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Đáng chú ý, ngành Bất động sản/Xây dựng/Vật liệu xây dựng (BĐS/XD/VLXD) đã có sự gia tăng mạnh về tỷ lệ doanh nghiệp bình chọn (+20,0%) và quay trở lại trong top 5 ngành có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất trong năm nay. Với nền so sánh thấp của giai đoạn khó khăn kéo dài vừa qua, năm 2025, thị trường BĐS/XD/VLXD Việt Nam hứa hẹn chuyển mình từ trạng thái trì trệ sang một chu kỳ phát triển mới. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như giảm thủ tục hành chính, hoàn thiện khung pháp lý (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi có hiệu lực sớm từ tháng 8/2024), đã giúp tháo gỡ nút thắt cho thị trường, giải quyết các dự án bị ách tắc pháp lý - một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn vừa qua. Năm 2025 cũng là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong năm nay, Chính phủ dự kiến giải ngân 790.727 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công, trong đó, bố trí vốn tập trung cho các công trình giao thông quan trọng quốc gia, kéo theo sự tăng trưởng cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cũng như doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức tồn tại và cần thêm thời gian để những quy định pháp lý mới chuyển từ chính sách trên văn bản thành những thay đổi rõ ràng trong thực tiễn, nhìn chung, 2025 hứa hẹn là giai đoạn củng cố của thị trường BĐS/XD/VLXD, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững hơn vào năm 2026, với điều kiện các chính sách tiếp tục được triển khai đồng bộ và hiệu quả.

Năm 2025 được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây là thời điểm mà những nỗ lực cải cách mạnh mẽ bắt đầu mang lại tác động rõ rệt, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp bứt phá tăng trưởng. Sự quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo ra một sân chơi công bằng và minh bạch của Chính phủ là động lực dẫn đến sự chuyển biến toàn diện trong các lĩnh vực. Môi trường kinh doanh mới với hành lang pháp lý rõ ràng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp định hướng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho một tương lai thịnh vượng của đất nước. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình với những biến động kinh tế và công nghệ, năm 2025 là thời điểm quan trọng để Việt Nam khẳng định vị thế, tiếp tục xây dựng nền tảng cho các mục tiêu chiến lược dài hạn./.