Hà Giang: Quyết tâm tạo đột phá trong phát triển kinh tế
Năm 2016: nhiều “điểm sáng”
Theo báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của tỉnh Hà Giang, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh (GRDP) đạt 6,5% so với năm 2015. Tổng sản phẩm bình quân đầu người 20,5 triệu đồng (tăng 6,8% tương đương 1,3 triệu đồng). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước 5.757 tỷ đồng, tăng 1,64% so với năm 2015.
Mặc dù, sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm 2016 gặp khó khăn, nhưng nhờ sự tập trung chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ doanh nghiệp phát triển, nên từ quý II/2016, sản xuất công nghiệp của Tỉnh đã có sự phục hồi. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 (theo giá thực tế) ước đạt trên 3.943 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2015. Một số sản phẩm chủ yếu tăng khá, như: quặng sắt và tinh quặng sắt, gỗ xẻ và ván bóc, chè chế biến, bột giấy, sản phẩm in các loại, gạch xây, xi măng, điện sản xuất…
Năm 2016, Tỉnh cũng tổ chức lại sản xuất; đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó mà, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất canh tác cây hàng năm (năm 2016) ước đạt 41,3 triệu, tăng 1,3 triệu đồng/ha so với năm 2015.
Năng suất và chất lượng cây trồng của Hà Giang liên tục được cải thiện |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thị trường xã hội cũng vượt mức kế hoạch, ước đạt trên 7.355 tỷ đồng, tăng 14,03% so với năm 2015. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu tăng khá, ước cả năm đạt 1.150 triệu USD, đạt 383,3% kế hoạch, gấp 5,8 lần so với năm 2015.
Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao. Năm 2016, lượng khách du lịch đến với Hà Giang ước đạt 800 nghìn lượt khách, tăng 5% so với năm 2015. Trong đó: khách quốc tế gần 192,4 nghìn lượt khách, khách nội địa gần 607,6 nghìn lượt. Doanh thu du lịch, dịch vụ du lịch ước đạt 800 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Trong năm 2016, công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Tổ chức thành công Diễn đàn gặp mặt - đối thoại với doanh nghiệp Hà Giang, ngày hội khởi nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; ban hành các kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; các chương trình hành động về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp...
Theo đó, trong năm 2016, toàn Tỉnh có 129 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.269 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2016, có 1.460 doanh nghiệp, 286 chi nhánh, văn phòng đại diện, tổng vốn đăng ký 29.139 tỷ đồng.
Về tình hình thu hút đầu tư, năm 2016, Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 2.822,7 tỷ đồng và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư 06 dự án.
Vận động thu hút được 05 dự án ODA với tổng mức đầu tư khoảng 79 triệu USD. Thực hiện 28 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, gồm 22 dự án đầu tư và 06 dự án hỗ trợ kỹ thuật, tiến độ giải ngân ước cả năm 413,3 tỷ đồng (vốn đối ứng đạt 85,5 tỷ đồng); 19 chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Để tạo đột phá trong phát triển kinh tế
Nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế, năm 2017, tỉnh Hà Giang sẽ nghiêm túc thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thành lập quỹ khởi nghiệp, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khởi nghiệp, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông lâm sản.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Thực hiện cơ chế đặt hàng, mua sản phẩm đầu ra của các đề tài khoa học, công nghệ có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn; tập trung xây dựng các sản phẩm đặc sản mang thương hiệu Hà Giang. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung lãnh đạo thực hiện sớm hoàn thành việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh các bộ thủ tục hành chính chưa phù hợp để đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập hệ thống cổng thông tin, mạng hành chính điện tử từ Tỉnh đến cơ sở, hình thành cơ chế tương tác giữa Tỉnh, các ngành, các cấp với doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử. Triển khai việc chấm điểm đánh giá của doanh nghiệp về môi trường đầu tư và chất lượng hoạt động của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Thứ tư, tăng cường xúc tiến đầu tư ở các dự án trọng điểm trong Quy hoạch phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và TP. Hà Giang do Tập đoàn Mc Kinsey lập. Tập trung quy hoạch, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ.
Thứ năm, tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; khởi công xây dựng cầu Yên Biên – TP. Hà Giang; phối hơp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương sớm đầu tư tuyến đường quốc lộ trên địa bàn Tỉnh. Chủ động, tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách, các chủ trương, kết luận của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đối với Hà Giang. Chủ động kết nối, làm việc với Tỉnh Tuyên Quang để sớm triển khai các chương trình liên kết vùng; triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ 01 triệu tấn xi măng để đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm; sơ kết đánh giá một số chương trình thực hiện thí điểm./.
Bình luận