Khái quát về phương pháp đánh giá môi trường kinh doanh mới của Ngân hàng Thế giới (B-READY)
TỔNG QUAN VỀ DỰ ÁN B-READY
Mục tiêu
Báo cáo đánh giá toàn cầu và dữ liệu chi tiết của B-READY sẽ được công bố hàng năm, hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển khu vực tư nhân ở mỗi nền kinh tế trên thế giới. Dựa trên kết quả đánh giá, B-READY sẽ thực hiện các hoạt động, bao gồm:
(i) Vận động cải cách: Thúc đẩy cải cách kinh tế, tạo cơ hội chia sẻ kiến thức, đối thoại chính sách giữa các chính phủ, khu vực tư nhân, WB và các tổ chức phát triển khác;
(ii) Khuyến nghị chính sách: Đưa ra khuyến nghị chính sách cụ thể, liên quan đến doanh nghiệp/thị trường và cách thức để các nền kinh tế có thể đáp ứng các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế;
(iii) Nghiên cứu phát triển: Hỗ trợ nghiên cứu để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.
Phạm vi
B-READY sẽ đánh giá môi trường kinh doanh của các nền kinh tế thông qua khung pháp lý và việc cung cấp các dịch vụ công cho các doanh nghiệp, cũng như hiệu quả triển khai trong thực tế. B-READY tập trung vào 10 chủ đề (Gia nhập thị trường; Địa điểm kinh doanh; Kết nối dịch vụ điện nước; Lao động; Dịch vụ tài chính; Thương mại quốc tế; Thuế; Giải quyết tranh chấp; Cạnh tranh thị trường và Phá sản doanh nghiệp) theo 3 giai đoạn vòng đời của doanh nghiệp: (i) Thành lập doanh nghiệp, (ii) Vận hành (hoặc mở rộng) doanh nghiệp và (iii) Đóng cửa (hoặc tổ chức lại) một doanh nghiệp (Hình 1).
Hình 1: Các nội dung chủ đề của B-READY
Nguồn: Ngân hàng Thế giới |
Tần suất công bố Báo cáo
Do hạn chế về nguồn lực, WB dự kiến sẽ tiến hành triển khai thí điểm Dự án B-READY trong khoảng thời gian từ năm 2024-2026. Dự kiến mỗi năm, WB sẽ thực hiện khảo sát doanh nghiệp ở 60/180 nền kinh tế[3] với lộ trình như sau:
(i) Phiên bản B-READY đầu tiên: Báo cáo sẽ bao gồm bộ dữ liệu thu thập thông qua tham vấn chuyên gia và khảo sát doanh nghiệp của 60 nền kinh tế (trong đó có Việt Nam). Thời gian công bố dự kiến là tháng 4/2024.
(ii) Phiên bản B-READY thứ hai: Báo cáo sẽ cập nhật dữ liệu được thu thập thông qua tham vấn chuyên gia của các nền kinh tế được đề cập trong báo cáo B-READY phiên bản đầu tiên, đồng thời, có thêm dữ liệu tham vấn chuyên gia và khảo sát doanh nghiệp của 60 nền kinh tế tiếp theo. Thời gian công bố dự kiến là tháng 4/2025.
(iii) Phiên bản B-READY thứ ba: Báo cáo sẽ cập nhật dữ liệu được thu thập thông qua tham vấn chuyên gia của các nền kinh tế được đề cập trong các báo cáo B-READY phiên bản trước đó và sẽ cung cấp bộ dữ liệu đầy đủ (dữ liệu được thu thập thông qua tham vấn chuyên gia cộng với dữ liệu được thu thập qua khảo sát doanh nghiệp) cho khoảng 60 nền kinh tế. Việc công bố và xuất bản ấn phẩm này dự kiến vào tháng 4/2026.
Dữ liệu được thu thập thông qua tham vấn chuyên gia sẽ được cập nhật hàng năm, trong khi dữ liệu được thu thập qua khảo sát doanh nghiệp sẽ được cập nhật 3 năm một lần theo đúng chu kỳ thu thập trước đó, với khoảng 60 nền kinh tế mỗi năm. Trong các năm không thực hiện khảo sát doanh nghiệp, việc phân tích và tính điểm cho mỗi nền kinh tế dựa vào dữ liệu khảo sát doanh nghiệp đã có trong lần thu thập trước.
So sánh Doing Business và B-READY
So sánh chi tiết giữa báo cáo Doing Business và B-READY như tại Bảng.
Bảng: So sánh Doing Business và B-READY
| Doing Business | B-READY |
Tổng quan | Đánh giá môi trường kinh doanh và sự tác động đến riêng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. | Đánh giá khung khổ pháp lý và dịch vụ công có ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực tư nhân nói chung. |
Phạm vi | Tập trung vào đánh giá gánh nặng của quy định pháp lý đối với các doanh nghiệp, trong đó, chỉ có một số nội dung về dịch vụ công. | Không chỉ xem xét gánh nặng pháp lý đối với doanh nghiệp, mà còn xem xét chất lượng, hiệu quả thực tế của các quy định và việc cung cấp các dịch vụ công cho doanh nghiệp. |
Thu thập dữ liệu | Một số chỉ số chỉ đề cập đến các quy định về mặt pháp lý, trong khi một số khác chỉ xem xét các quy định trên thực tế; dữ liệu được thu thập thông qua tham vấn chuyên gia; sử dụng rộng rãi kết quả nghiên cứu trường hợp điển hình (case study) với các giả định nghiêm ngặt để nâng cao khả năng so sánh dữ liệu. | Cân bằng giữa các khía cạnh pháp lý và thực tế của các trụ cột đánh giá; dữ liệu thực tế được thu thập thông qua sự kết hợp giữa tham vấn chuyên gia và khảo sát doanh nghiệp; sử dụng các tình huống với các giả định ít nghiêm ngặt hơn để nâng cao mức độ phù hợp. |
Các chủ đề | Các chủ đề được lựa chọn theo vòng đời của một doanh nghiệp, nhưng không đồng đều về tầm quan trọng (Ví dụ: có nội dung về “bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số”, nhưng lại không có nội dung về “sử dụng lao động”). | Các chủ đề B-READY được chọn dựa trên vòng đời của một doanh nghiệp; tất cả các chủ đề quan trọng với doanh nghiệp và khu vực tư nhân đều được đề cập. |
Các chỉ số | Các chỉ số được nhóm theo các tiêu chí, bao gồm: (1) Hiệu quả của các quy định kinh doanh; (2) Chất lượng của các quy định kinh doanh. Không phải tất cả các chủ đề đều được cấu trúc nhất quán theo các nhóm này; các chỉ số gắn liền với các giả định của trường hợp điển hình, hạn chế tính đại diện. | Tất cả các chủ đề đều được cấu trúc nhất quán theo 3 trụ cột: (1) Khung pháp lý, (2) Dịch vụ công và (3) Hiệu quả. Các chỉ số sẽ mang tính đại diện hơn cho nền kinh tế, trong đó có nhiều chỉ số mới dựa trên các chuẩn mực quốc tế. |
Điểm số | Các nền kinh tế được đánh giá dựa trên thứ hạng và điểm số; tập trung mạnh vào thứ hạng tổng hợp để tối đa hóa lợi ích xã hội và thúc đẩy cải cách. | Các nền kinh tế được đánh giá dựa trên các chỉ số có thể định lượng được; điểm số được chấm theo tính linh hoạt của doanh nghiệp và lợi ích xã hội; B-READY tổng hợp thành điểm chủ đề và có thể là tập hợp điểm tổng hợp ở cấp độ cao hơn nhằm mục đích thúc đẩy cải cách, đồng thời, tránh việc tập trung quá mức vào xếp hạng các nền kinh tế. |
Độ bao phủ | Thực hiện tại thành phố trung tâm kinh tế lớn nhất ở 191 nền kinh tế; thành phố lớn thứ hai cũng được thu thập dữ liệu ở 11 nền kinh tế. | Phạm vi rộng nhất có thể. Tùy thuộc vào quy định của quốc gia hay địa phương trong các nền kinh tế, mà phạm vi thu thập dữ liệu có thể khác nhau. |
Cập nhật | Hàng năm. | Hàng năm đối với các chỉ số dựa trên tham vấn của chuyên gia; chu kỳ 3 năm đối với các chỉ số từ các cuộc khảo sát doanh nghiệp. |
Nguồn: Ngân hàng Thế giới
Cách thức thu thập dữ liệu
Đối với tất cả các lĩnh vực, B-READY sẽ thu thập dữ liệu dựa trên các quy định pháp luật và dữ liệu thực tế. Trong khi dữ liệu pháp lý được thu thập từ các cuộc tham vấn của chuyên gia, thì dữ liệu thực tế được thu thập từ cả tham vấn của chuyên gia và khảo sát doanh nghiệp.
Đối với mỗi chủ đề, các chỉ số sẽ được đánh giá theo 3 nhóm trụ cột:
(i) Trụ cột Khung pháp lý: Sẽ xem xét các quy định pháp lý, mà doanh nghiệp phải tuân thủ và thực hiện khi họ thành lập, vận hành và tiến hành phá sản một doanh nghiệp.
(ii) Trụ cột Dịch vụ công: Cơ sở hạ tầng dịch vụ công do Chính phủ cung cấp để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý và hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
(iii) Trụ cột Hiệu quả: đánh giá hiệu quả của khung pháp lý và các dịch vụ công trong thực tế. Việc đánh giá sẽ được thực hiện thông qua các cuộc điều tra doanh nghiệp và tham vấn chuyên gia khu vực tư nhân:
- Tham vấn chuyên gia: B-READY chủ yếu dựa vào dữ liệu từ chuyên gia trong khu vực tư nhân, các chuyên gia thường xuyên làm về cơ chế pháp lý, dịch vụ công và các cơ quan cung cấp các dịch vụ này, cũng như thu thập thông tin từ văn bản quy phạm pháp luật;
- Khảo sát doanh nghiệp: Nhằm tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh và tăng cường giá trị của dự án, B-READY sẽ thu thập dữ liệu từ việc khảo sát các doanh nghiệp có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Trong mỗi chu kỳ đánh giá, đại diện các Chính phủ sẽ tham gia trả lời bảng câu hỏi về B-READY cho nền kinh tế của họ. Bảng câu hỏi của Chính phủ được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình xác minh dữ liệu, không được coi là đầu vào trực tiếp cho Báo cáo đánh giá. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa phản hồi của khu vực tư nhân và khu vực công, nhóm đánh giá B-READY sẽ liên hệ với các chuyên gia khu vực tư nhân để xem xét câu trả lời của họ. Các chuyên gia này có thể quyết định điều chỉnh hoặc giữ nguyên câu trả lời. Phản hồi cuối cùng của khu vực tư nhân sẽ được sử dụng làm đầu vào trực tiếp để tính điểm cho Báo cáo đánh giá.
Cách tính điểm số đánh giá của mỗi nền kinh tế
Đối với mỗi nền kinh tế, B-READY sẽ đưa ra điểm số cho từng chủ đề trong số 10 chủ đề. Tất cả 10 chủ đề đánh giá của B-READY đều được cấu trúc nhất quán theo 3 trụ cột: Khung pháp lý; Dịch vụ công và Hiệu quả. Điểm đánh giá chung được tính thông qua điểm số của các chỉ số thành phần trong từng trụ cột. Đối với mỗi trụ cột, điểm số được xây dựng thông qua xem xét quan điểm của đại diện doanh nghiệp (tính linh hoạt của công ty) và lợi ích công cộng (lợi ích xã hội). Việc xem xét cả lợi ích cá nhân và xã hội là điều quan trọng đối với B – READY, vì dự án không chỉ phải giải quyết được vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp riêng lẻ, mà còn phải giải quyết các khía cạnh toàn diện và bền vững của sự phát triển khu vực tư nhân.
CÁC CHỈ SỐ GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG
Các chỉ tiêu trong lĩnh vực Gia nhập thị trường
Dự kiến trong các nội dung đánh giá của B-READY cũng sẽ có nội dung về Gia nhập thị trường tương tự nội dung này. So với nội dung về Khởi sự Kinh doanh trước đây tại Báo cáo Doing Business, nội dung về Gia nhập thị trường tại Báo cáo B-READY sẽ đề cập đến các vấn đề mới và sẽ có phạm vi rộng hơn, với nhiều chỉ tiêu không có trước đây (như: việc đăng ký, xác minh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi[4] (CSHHL) khi doanh nghiệp gia nhập thị trường). Đây là một trong những thách thức của trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta thời gian tới.
B-READY sẽ đánh giá nội dung Gia nhập thị trường thông qua 3 trụ cột, gồm:
(i) Chất lượng của các quy định về khởi sự kinh doanh (trụ cột Khung pháp lý, gồm 37 chỉ số thành phần, với tổng số điểm là 39 điểm, trong đó, có 21 điểm về tính linh hoạt của doanh nghiệp và 18 điểm lợi ích xã hội);
(ii) Các dịch vụ kỹ thuật số và tính minh bạch của thông tin, trong đó, có thông tin CSHHL của doanh nghiệp (trụ cột Dịch vụ công, gồm 24 chỉ số thành phần, với tổng điểm là 48 điểm, trong đó, có 24 điểm về tính linh hoạt của doanh nghiệp và 24 điểm về lợi ích xã hội);
(iii) Hiệu quả của quá trình thành lập một doanh nghiệp (phản ánh tác động của 2 trụ cột trước đó, gồm 4 chỉ số thành phần, với điểm số từ 0 đến 100. Điểm của các chỉ số trong trụ cột này chỉ được đánh giá bằng tính linh hoạt của doanh nghiệp, vì các chỉ số này chỉ đo lường kết quả của việc cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp).
Các chỉ tiêu đánh giá cụ thể
Chất lượng của các quy định đối với khởi sự kinh doanh
Bộ chỉ số này nhằm đo lường 2 khía cạnh khác nhau của khuôn khổ pháp lý đối với việc khởi sự kinh doanh, bao gồm:
i) Các thực tiễn tốt trong khuôn khổ pháp lý về thành lập doanh nghiệp: Chỉ số này sẽ đánh giá, liệu khuôn khổ quy định hiện hành có bao gồm các thông lệ tốt thúc đẩy một môi trường an toàn, minh bạch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hay không. Một môi trường kinh doanh tốt cho phép doanh nghiệp dễ dàng gia nhập một cách chính thức là yếu tố quan trọng để khơi dậy tiềm năng của các doanh nghiệp mới.
Bên cạnh những nội dung liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp thì một nội dung quan trọng được Dự án B-READY đưa vào đánh giá là nội dung về CSHHL. Đây là nội dung nhằm đảm bảo tính minh bạch, đầy đủ và giúp ngăn chặn việc lợi dụng các doanh nghiệp để rửa tiền hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác dựa trên Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chuẩn mực phòng, chống rửa tiền.
ii) Các hạn chế trong khuôn khổ pháp lý đối với việc khởi sự kinh doanh: Chỉ số này đánh giá các hạn chế về quy định đối với việc gia nhập thị trường đối với cả các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài, các điều kiện đầu vào có nguy cơ cản trở việc thành lập các doanh nghiệp mới.
Dịch vụ công kỹ thuật số và minh bạch thông tin doanh nghiệp
Ba chỉ số về dịch vụ công số và minh bạch thông tin cho doanh nghiệp gia nhập thị trường bao gồm:
(i) Tính sẵn có của các dịch vụ trực tuyến trong quy trình thành lập doanh nghiệp: Chỉ số này đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng tại cơ quan đăng ký kinh doanh và bất kỳ cơ quan liên quan nào khác thông qua sự sẵn có của các dịch vụ công trực tuyến cho các chủ doanh nghiệp. Ví dụ: hệ thống thông tin trực tuyến bao gồm: toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp, thanh toán điện tử cho tất cả các khoản phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, chữ ký điện tử, thông tin về CSHHL…
(ii) Khả năng chia sẻ, kết nối liên thông của các dịch vụ trong quy trình thành lập doanh nghiệp: Chỉ số này đánh giá mức độ sẵn có của các hệ thống điện tử trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan đến quá trình thành lập và vận hành doanh nghiệp, như: cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý thuế và cơ quan an sinh xã hội. Bằng cách liên thông hoặc thống nhất cơ sở dữ liệu của các cơ quan liên quan đến quá trình đăng ký, nguy cơ sai sót và gánh nặng hành chính của việc gửi cùng một thông tin cho nhiều cơ quan để nhận dạng doanh nghiệp có thể được giảm bớt.
(iii) Tính sẵn có của thông tin doanh nghiệp trực tuyến và tính minh bạch của thông tin: Chỉ số này đánh giá mức độ minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin trực tuyến tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Chỉ số Hiệu quả của Khởi sự kinh doanh
Bộ chỉ số này đo lường thời gian và chi phí để hoàn thành các bước khác nhau, mà một chủ doanh nghiệp phải thực hiện để thiết lập và vận hành chính thức một doanh nghiệp, chẳng hạn như: xác minh tên doanh nghiệp, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế, đăng ký sử dụng lao động…
Dữ liệu cho bộ chỉ số trên thực tế này có thể được thu thập thông qua tham vấn chuyên gia, liên quan đến các chuyên gia quen thuộc với quy trình thành lập doanh nghiệp vì thực hiện quy trình này một cách thường xuyên. Các chuyên gia này có thể là luật sư, công chứng viên, kế toán, cố vấn thuế, những người thường trải qua quá trình thành lập doanh nghiệp nhiều lần và có nhiều kinh nghiệm hơn so với các chủ doanh nghiệp đơn thuần.
Việt Nam đang trong giai đoạn được WB đánh giá thí điểm về Chỉ số môi trường kinh doanh B-READY, do đó, cần có sự chuẩn bị tốt trong việc đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn của Bộ chỉ số B-READY. Mặc dù WB đang triển khai giai đoạn thí điểm của Dự án B-READY, tuy nhiên, phương pháp luận đang được công bố trên website của WB[5] là căn cứ để WB và Dự án B-READY phân tích, đưa ra các đánh giá cho các Báo cáo chính thức sau này của Dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm theo lộ trình 2024-2026 đã nêu ở trên, B-READY sẽ có những điều chỉnh, sàng lọc lại sau khi phân tích thực nghiệm các dữ liệu thu thập được để có thể nâng cao chất lượng và hiệu quả của phương pháp luận, đảm bảo tính phù hợp, khả năng so sánh và tính đại diện của dữ liệu.
Nội dung của B-READY có 10 chủ đề, lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành, trong đó, có nhiều nội dung mới. Do đó, các bộ, ngành cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị cả về khung khổ pháp lý và triển khai trong thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh của Bộ chỉ số này./.
Ths. Nguyễn Thị Việt Anh
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. World Bank (2023a), B-READY Methodology Handbook, retrieved from https://thedocs.worldbank.org/en/doc/357a611e3406288528cb1e05b3c7dfda-0540012023/original/B-READY-Methodology-Handbook.pdf.
2. World Bank (2023b), B-READY Manual and Guide, retrieved from https://thedocs.worldbank.org/en/doc/5d79ca28ad482b1a9bc19b9c3a9c9e19-0540012023/original/B-READY-Manual-and-Guide.pdf.
3. World Bank (2022), Concept Note - Business Enabling Environment, truy cập từ https://thedocs.worldbank.org/en/doc/2250b12dfe798507f7b42064378cc616-0540012022/original/BEE-Concept-Note-December-2022.pdf.
4. World Bank (năm nào???), Business Ready B-READY, retrieved from https://www.worldbank.org/en/businessready.
[1] Ở giai đoạn hình thành ý tưởng ban đầu, tên gọi của Bộ chỉ số này là BEE (Business Enabling Environment), sau đó đã được đổi thành B-READY.
[2] Dự kiến sẽ có 60 nền kinh tế được thí điểm đánh giá trong giai đoạn 1 của Dự án B-READY, trong đó có Việt Nam.
[3] B-READY sẽ đánh giá 180 nền kinh tế có dân số từ 100.000 người trở lên
[4] Theo định nghĩa của FATF, CSHHL đề cập tới (các) cá nhân là người sở hữu hoặc kiểm soát cuối cùng đối với một khách hàng và/hoặc là cá nhân mà thay mặt cho người đó, giao dịch đang thực hiện. Khái niệm này cũng bao gồm cả những người thực hiện quyền kiểm soát thực sự cuối cùng đối với một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý.
[5] https://www.worldbank.org/en/businessready/b-ready
Bình luận