Đối với Hòa Bình, một tỉnh miền núi với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội địa phương càng trở nên quan trọng. Thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và chính quyền, hệ thống giáo dục tỉnh Hòa Bình đang ngày càng được hoàn thiện, mang lại những thành tựu đáng kể trong công tác dạy và học.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua

Năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh theo học ở các bậc học, đặc biệt là bậc tiểu học và trung học cơ sở, đã được cải thiện đáng kể. Các chương trình vận động học sinh đến trường, hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo đã giúp nâng cao tỷ lệ học sinh ra lớp. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì. 100% cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ. Công tác giảng dạy sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương được triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ, đúng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập đều đạt và vượt kế hoạch. Công tác xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm. Toàn Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2...

Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia năm học 2023-2024, tỉnh Hòa Bình đạt 42 giải, trong đó có 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 12 giải Ba và 25 giải Khuyến khích, đặc biệt, một số bộ môn sau nhiều năm mới có giải và sau nhiều năm tỉnh Hòa Bình mới có giải Nhất. Tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 tỉnh Hòa Bình đạt 2 giải (1 giải Ba và 1 giải triển vọng); đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi thể dục thể thao cấp quốc gia…

Cùng với đó, hệ thống trường học từ thành thị đến nông thôn đã được cải thiện rõ rệt. Ngành đã ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học để mở rộng quy mô, mạng lưới trường lớp, đảm bảo đạt mục tiêu thực hiện kiên cố hoá trường học gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của Tỉnh. Các phòng đa năng, phòng bộ môn, phòng hỗ trợ học tập được đầu tư bổ sung. Khuôn viên, môi trường, cảnh quan sư phạm đáp ứng yêu cầu học tập và vui chơi của học sinh theo hướng thân thiện và tích cực...

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục Hòa Bình đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn có khả năng truyền cảm hứng và khơi dậy tình yêu học tập cho học sinh. Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên được tổ chức thường xuyên với mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Giáo viên được khuyến khích tham gia các khóa học nâng cao năng lực sư phạm, kỹ năng giảng dạy, cũng như cách thức ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Các trường tổ chức Ngày hội STEM

Song song với đó, Hòa Bình đã chỉ đạo các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học gắn liền với đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Triển khai thực hiện các mô hình giáo dục mới, thúc đẩy sự phát triển toàn diện về tri thức và kỹ năng cho học sinh, giảm tải nội dung lý thuyết, tăng cường thực hành. Học sinh được khuyến khích học qua trải nghiệm và thực hành thực tế, từ đó giúp phát triển kỹ năng và tư duy sáng tạo. Đưa nội dung bản sắc văn hóa địa phương vào chương trình. Các giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số và đặc trưng văn hóa địa phương được lồng ghép vào nội dung giảng dạy, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về văn hóa và truyền thống của quê hương.

Thêm vào đó, nhiều trường học đã bắt đầu sử dụng công nghệ trong giảng dạy, như: máy chiếu, bảng tương tác và phần mềm học tập trực tuyến, giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hấp dẫn hơn. Việc ứng dụng công nghệ số đã giúp cải thiện rõ rệt chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong việc phát triển giáo dục STEM (100% khối tiểu học triển khai bài học có ứng dụng STEM). Đối với cấp Trung học, Sở chỉ đạo mỗi trường học xây dựng ít nhất 1 bài học STEM/năm, chủ đề về giáo dục STEM phải hiện trong kế hoạch giáo dục nhà trường, nội dung phải gắn với các vấn đề thực tiễn đời sống, khoa học công nghệ, phù hợp với điều kiện của nhà trường và bám sát đối tượng học sinh. Khuyến khích các đơn vị triển khai dạy học khoa học máy tính, thành lập câu lạc bộ lập trình, CLB nghiên cứu khoa học, CLB tiếng Anh, CLB STEM...

Định hướng phát triển giáo dục Hòa Bình trong thời gian tới

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, giáo dục Hòa Bình vẫn đối mặt với không ít thách thức. Kinh tế tỉnh Hòa Bình đã ngày càng phát triển, tuy nhiên, đời sống của đa số nhân dân còn thấp, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì thế việc quan tâm đến sự nghiệp giáo dục còn hạn chế. Công tác xã hội hóa giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non còn bất cập, chưa tương ứng với giáo viên các bậc học khác; Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số nhà trường thiếu hụt, đặc biệt là tại các trường học ở những khu vực khó khăn... Chính vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, như:

Phát triển giáo dục số và học tập trực tuyến. Đây sẽ là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển không ngừng của công nghệ.

Tăng cường giáo dục hướng nghiệp. Giúp học sinh có cái nhìn rõ ràng hơn về con đường sự nghiệp và chuẩn bị kỹ năng cần thiết cho tương lai.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục. Tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh học hỏi từ các mô hình giáo dục tiên tiến của thế giới.

Chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số và trẻ khuyết tật. Sở đã có các văn bản hướng dẫn về tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, tăng cường huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ phát triển giáo dục tiểu học, hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ giáo dục hoà nhập...

Tiếp tục quan tâm phát triển trường trường trọng điểm. Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ và trường PTDTNT THPT Tỉnh là những trường trọng điểm cấp THPT làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, học sinh giỏi quốc gia... Trong số 42 học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia năm nay thì có đến 39 em là học sinh của Trường PTTH chuyên Hoàng Văn Thụ - Ngôi trường có bề dày thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Ngay từ đầu năm học, Trường đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các kỳ thi khảo sát, lựa chọn những học sinh có năng lực tốt, đầu tư bồi dưỡng phát triển. Ban chuyên môn nhà trường cùng giáo viên lãnh đội mời giáo sư, sinh viên đã từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia về giảng dạy cho đội tuyển với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra các đội tuyển cũng thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm đội tuyển các tỉnh bạn. Trong năm học 2023-2024, Nhà trường có 39 giải học sinh giỏi cấp quốc gia, gồm: 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 12 giải Ba, 25 giải Khuyến khích và 225/290 học sinh tham gia và đoạt giải kì thi chọn HSG cấp tỉnh các môn văn hóa, bao gồm: 69 giải Nhất; 57 giải Nhì; 46 giải Ba và 53 giải Khuyến khích...

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình: Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ - ngôi trường có bề dày thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Hòa Bình

Với những bước đi chiến lược và sự hỗ trợ mạnh mẽ, ngành giáo dục Hòa Bình chắc chắn sẽ ngày càng phát triển bền vững, mang lại những thế hệ công dân tri thức và tài năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tỉnh./.

TH